Dân tình tranh nhau mua "thần dược" sâm cau đỏ giá rẻ như khoai hay vớ nhầm rễ cây dại?
Tin liên quan
Đối với các các bà vợ, làm thế nào để giữ gìn được sinh lực phái mạnh cho chồng là vô cùng quan trọng, vậy nên việc tìm đến những thứ đồ bổ, giúp cường tráng sức khỏe cho các đấng mày râu rất được các chị em để tâm chú ý. Những ngày gần đây, trên mạng liên tục xuất hiện các thông tin về sâm cau - dược liệu được mệnh danh là Viagra của tự nhiên, giá bán khá rẻ nên nhiều người tranh nhau hỏi mua.
Dạo một vòng các diễn đàn mua bán, có những người rao bán loại sâm cau đỏ với giá rẻ như khoai lang, chỉ khoảng 45.000 đồng/kg sâm tươi. Không chỉ các đấng mày râu mà các chị em cũng thi nhau vào hỏi mua để ngâm rượu cho chồng uống. Loại dược liệu sâm cau đỏ được người bán quảng cáo là có tác dụng giúp chữa bệnh yếu sinh lý, bổ thận tráng dương... nên càng hút người mua. Nhưng công dụng thần kỳ như vậy mà giá bán lại quá rẻ, liệu đây có thực sự là thần dược mà nhà nhà đều muốn có?
Sâm cau đỏ - thần dược giá rẻ như khoai đang được bán tràn lan
Lương y Vĩnh Tân (phòng khám Đông y T.T.Đ, Hà Nội) cho hay, theo y học cổ truyền, sâm cau quả thật có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là khả năng tăng cường sinh lực, điều trị thận hư, chữa tinh trùng yếu... Nhưng chỉ có sâm cau thật mới có tác dụng này, còn sâm cau đỏ - hay còn được biết đến là rễ cây bồng bồng thì không có dược tính này.
"Sâm cau còn được gọi là sâm đen, tiên mao, cồ nốc lan... Loại dược liệu này kết hợp với những loại khác sẽ chữa được những bệnh như sốt xuất huyết, suy nhược thần kinh, phong thấp... Ngoài ra, loại dược liệu này ngâm rượu sẽ có thể trở thành vị thuốc giúp tăng cường sinh lực đàn ông. Được biết trên thị trường có hai loại sâm cau đen và sâm cau đỏ, trong đó sâm cau đỏ được bày bán chiếm đa số. Thực tế, loại sâm cau được công nhận hiện nay chỉ có sâm cau đen, còn sâm cau đỏ vốn là rễ cây bồng bồng, có kích thước và vẻ ngoài hao hao giống sâm cau nên được người dân mang về làm giả dược liệu".- lương y cho hay.
Sâu cau đen đích thực có vẻ ngoài khác hẳn với sâm cau đỏ - rễ cây bồng bồng
Vị này cũng giải thích: "Sâm cau chỉ to bằng ngón tay, có màu nâu thẫm. Còn rễ cây bồng bồng thường bị nhầm lẫn với sâm cau, còn được người ta gọi là sâm cau đỏ thì có vỏ ngoài màu hồng hoặc cam, trông gần giống với khoai lang tím. Loại này có tác dụng làm mát, lợi tiểu, không có tác dụng tăng cường sinh lực như sâm cau đen. Người mua sâm cau nên hết sức lưu ý điểm này, vì nếu sử dụng rễ cây bồng bồng về dùng mà không làm sạch vỏ sẽ còn độc tố nguy hại".
Thực tế, sâm cau thuộc vào hàng dược liệu quý và không quá phổ biến, do trước đây được người dân khai thác rất nhiều nên sâm cau tự nhiên trong rừng khá khó tìm. Hiện nay, loại sâm cau đen chủ yếu được bán là sâm cau nhân tạo, được người dân mang giống về trồng, tính dược không thay đổi nhiều nên người dân vẫn có thể an tâm mua dùng.
Anh Phạm Hân (Ba Đình, Hà Nội) đặt mua 2 tạ sâm cau đen tươi về để bỏ mối cho một số cơ sở chế biến dược liệu và bán lẻ cho khách có nhu cầu mua sâm cau ngâm rượu cho hay: "Sâm cau thật có chiều dài nhỏ hơn rễ bồng bồng, chỉ dài từ 10 - 20cm thôi, trong khi rễ bồng bồng có thể dài đến 30cm, củ to còn có thể lớn bằng cổ tay. Những người mua bán dược liệu như mình chỉ cần nhìn qua là biết ngay, hơn nữa giá sâm cau khá cao, từ 150.000 - 200.000 đồng/kg sâm tươi, còn loại khô thì phải 350.000 - 400.000 đồng/kg. Giờ có những nơi bán sâm cau đỏ giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg thực sự đều là rễ cây bồng bồng, sâm cau chính gốc làm sao mà rẻ thế được".
Anh Hân cũng cho biết, sâm cau tuy được thu hoạch quanh năm nhưng mùa rộ nhất vẫn là tháng 11, thời điểm hiện tại, sâm cau chưa đủ độ trưởng thành để đào nên số lượng hàng không nhiều, nếu có thì giá bán cũng cao ngất ngưởng.
Sâm cau đen sau khi được sơ chế loại bỏ độc tố để ngâm rượu
"Mình lên mạng xã hội, thấy nhiều người bán sâm cau đỏ với giá cực kỳ rẻ, có nơi bán sỉ chỉ 25.000 đồng/kg, sâm cau có vỏ đỏ tươi, thân dài to, cũng quảng cáo là ngâm rượu giúp tráng dương bổ thận, có đến cả trăm người vào hỏi mua. Nhưng thực ra đó không phải sâm cau, cũng không có tác dụng thần kỳ như quảng cáo. Người mua cần phải hết sức tỉnh táo khi chọn mua dược liệu, nếu mua phải loại có độc tố thì hậu quả khôn lường" - anh Hân cho biết.
Nói về cách ngâm rượu sâm cau, người này cũng chia sẻ thêm: "Nếu dùng sâm cau khô thì không cần quá cầu kỳ, nhưng đối với sâm cau tươi thì phải biết cách sơ chế. Mua sâm cau về ngâm trong nước khoảng 30 phút để rã đất cát ngoài vỏ. Sau đó nhặt bỏ rễ và cạo qua lớp vỏ lụa bên ngoài, lớp vỏ này không chứa dược tính, có thể bỏ đi để củ sâm tiết được hết nhựa ra ngoài. Sau khi cạo qua thì ngâm với nước vo gạo khoảng 1 ngày 1 đêm thì đổ đi, rửa lại bằng nước sạch. Khi rửa nên đeo găng tay vì nhựa sâm cau khá ngứa".
Anh Hân cũng cho hay, khi cạo sâm cau nên dùng mảnh sứ, mảnh bát vỡ để cạo vỏ. Lý do là bởi sâm cau kỵ sắt, không nên dùng dao làm bằng sắt để cạo vỏ sẽ làm giảm dược tính.
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất