Vợ đảm 8X chia sẻ cách làm hủ tiếu ngon và bí quyết để hương vị đúng chuẩn
2020-12-18 17:43
- Theo chị Kim Ngân chia sẻ, để món ăn này ngon thì khâu làm nước dùng là quan trọng nhất.
Tin liên quan
Khi được hỏi về ý tưởng thực hiện món hủ tiếu Nam Vang, chị Kim Ngân cho biết đó là cả bầu trời kỉ niệm. "Hai vợ chồng mình quen nhau cách đây 15 năm, lúc đó 2 đứa đều nghèo. Đi làm về khuya, đói bụng thì chỉ có món hủ tiếu lề đường, rẻ tiền đủ cho 2 đứa ăn. Ăn hủ tiếu cũng không no, nên 2 đứa hay mua thêm ổ bánh mì ăn cùng. Sau này có dịp đi Sài Gòn chơi, 2 đứa được ăn hủ tiếu Nam Vang ngon lắm, ở Đà Nẵng mình sống thì không ai bán kiểu ngon như vậy nên mình bắt tay vô nấu. Ban đầu mình cũng học theo trên mạng, cộng thêm cách nấu nước dùng theo cách của mình nên cả nhà ăn ai cũng khen ngon. Mỗi lần nấu là chồng mình lại khen, làm mình càng có động lực nấu" - chị chia sẻ.
Để làm được món hủ tiếu Nam Vang thành công như hiện tại, chị Kim Ngân cũng đã gặp những khó khăn như không biết nấu nước dùng, nên mua xương bò, làm hôi bò, cũng không biết luộc sợi hủ tiếu khiến nó mềm nhũn.
Theo chị chia sẻ, để món ăn này ngon thì khâu làm nước dùng là quan trọng nhất. Nước phải trong, ngả màu vàng nhạt, mới là chuẩn ngon. Để nước dùng trong thì trong suốt quá trình hầm xương không được đảo xương lên. Và nước hầm xương phải là nước lạnh, khồng để nước nóng lên mới cho xương vào mà phải cho xương vào ngay từ đầu.
Sau đây là công thức làm hủ tiếu của chị Kim Ngân, các chị em nội trợ có thể tham khảo và làm cho cả nhà cùng thưởng thức nhé.
B1: Đầu tiên rửa sạch xương với chút muối. Sau đó luộc xương trong 5 phút và đổ nước đi. Rửa lại xương lần nữa cho thật sạch lớp bọt bẩn dính trên xương.
B2: Cho nước vào nồi, sau đó thả xương vào rồi mới bật lửa lên. Chú ý một điều là trong suốt quá trình hầm không đảo xương lên, không động gì đến xương trong nồi, thấy bọt nổi lên thì tiến hành vớt bọt.
Khi thấy nước trong nồi bắt đầu sôi thì hạ lửa nhỏ vừa xuống. Lửa lớn nước sẽ sôi mạnh làm cho nước dùng bị đục, mà lửa nhỏ quá thì xương không ra hết độ ngọt.
B3: Khi nước sôi cho nhánh gừng vào, gừng này phải nướng qua, sau đó gọt bỏ vỏ đi và cho vào nồi.
B4: Sau khi hầm được 1 tiếng, cho vào 1/2 củ đậu ( sắn dây) + 1 củ cải trắng + 1 -2 con mực khô cỡ nhỏ (đã nướng) + nhúm tôm khô đã ngâm mềm rửa sạch, hầm tiếp.
B5: Sau khi hầm được 2 tiếng thì bắt đầu cho gia vị vào nồi. Gồm mì chính, muối, đường phèn, hạt nêm, mắm. Sau khi hầm đủ 3 tiếng thì vớt sắn dây, củ đậu ra. Nêm lại lần nữa cho vị vừa dùng là hoàn hảo nồi nước dùng. Chú ý để lửa vừa đủ nước trong nồi sôi liu riu nhẹ, không sôi bùng lên.
Về phần nhân của hủ tiếu gồm có:
Tôm (tôm sú, tôm tươi rửa sạch, luộc chín, bóc vỏ, chừa lại phần đuôi cho đẹp).
Tim, gan heo, bổ ra rửa thật sạch phần máu, luộc sơ đổ nước đi. Rồi cho vào luộc chín, cắt lát.
Trứng cút luộc chín.
Thịt băm nhuyễn, ướp chút xíu muối, mì chính, hành tỏi, tiêu, hạt nêm.
Phi thơm dầu hành, cho thịt xào lửa lớn, thịt vừa săn lại cho 1 vá nước dùng vào xào vừa chín cho thịt không bị khô.
Tóp mỡ rán giòn, cho lên trên tô hũ tiếu.
Phi hành cho vàng giòn để rắc lên trên.
Phần sợi hủ tiếu thì ngâm qua nước lạnh, sau đó cho vào nồi nước sôi trụng cho vừa mềm.
Cho hũ tiếu và giá trụng vào tô, xếp tôm, trứng, sườn, tim gan lên trên. Tưới nước dùng đang nóng lên. Tóp mỡ, dầu phi màu đỏ, hành khô, hành lá rắc lên trên.
Nguyễn Tình
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
12 chòm sao phải trải qua bao nhiêu mối tình mới có được hạnh phúc thực sự?