Củ hũ dừa - Món ngon mà người dân chỉ dùng đãi khách quý dịp Tết Nguyên đán có gì đặc biệt?
Tin liên quan
Nhắc tới Bến Tre, người ta sẽ nhớ ngay đây là vùng đất nổi tiếng với những rừng dừa mênh mông. Bên cạnh đó là những món ăn ngon, độc đáo được làm từ trái dừa như: kẹo dừa, đuông dừa, rượu dừa… Trong đó không thể không kể đến những món ngon chế biến từ củ hũ dừa. Đây là món ăn dân dã nhưng cũng rất chi là xa xỉ.
Nói dân dã bởi vốn dĩ cây dừa đã gắn liền với bà con xứ sở nơi đây, củ hũ dừa lại dễ dàng chế biến thành các món ăn ngon như chiên, xào, kho… hoặc chỉ là ăn sống chấm với mắm kho quẹt… Còn nói xa xỉ là bởi vì củ hũ dừa là phần non nhất, được xem như “trái tim” của cây dừa, do đó muốn có một củ hũ là phải hi sinh cả một cây dừa.
Muốn có củ hũ dừa phải 1″hi sinh” cả cây dừa.
Vì dừa là loại cây dễ trồng lại không mất nhiều công phân bón, chăm sóc, hơn nữa, đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, hầu như tất cả các bộ phận của cây dừa đều có ích. Người Bến Tre trồng rất nhiều dừa, cứ một cây ngã xuống là có hàng chục cây khác mọc lên. Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên họ đón hạ loại cây có giá trị kinh tế này chỉ để lấy củ hũ nấu ăn. Thông thường, củ hũ chỉ được cất công làm khi trong nhà đang có khách quý.
Đốn hạ một cây dừa to, gạt bỏ những lớp xơ xù xì thì sẽ hiện một lớp trắng nõn, ngon và ngọt bên trong, đó chính là củ hũ dừa. Người dân xứ dừa lấy phần này để chế biến những món ăn dân dã nhưng độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách như: củ hũ dừa chiên bánh xèo, xào tôm, bóp xổi, nấu canh tôm thịt, làm gỏi… hoặc đơn giản là ăn sống.
Củ hũ dừa có thể thành nhiều món ăn đặc sản đậm chất miền Tây.
Trước khi chế biến thành món ăn, người ta thường đem củ hũ dừa đã cắt khúc hoặc thái lát mỏng ngâm với nước đá có hòa nước cốt chanh tươi. Làm như thế, củ hũ dừa sẽ giữ được độ giòn và màu trắng khi làm món ăn.
Củ hủ dừa xào tôm
Món ăn thường được người dân ưa chuộng là củ hũ dừa xào tôm. Củ hũ sau khi ngâm nước đá thì đem trụng sơ qua, cà rốt thái sợi, cần tàu thái khúc. Tỏi bóc vỏ đập dập, cho chảo lên bếp, thêm chút dầu ăn rồi cho tỏi vào phi thơm, cho tôm nõn vào xào săn, nêm chút gia vị cho đậm đà. Cho củ hũ dừa vào xào cùng, xào nhanh tay để giữ cổ hũ giòn ngọt khi ăn.
Cho cổ hũ dừa ra đĩa và dùng nóng, nếu thích ăn cay có thể rắc thêm chút tiêu xay hoặc thêm vài lát ớt tươi cắt lát vào sẽ rất thơm ngon. Cổ hũ dừa ăn giòn, thơm mùi dừa và có vị béo bùi như được nấu với nước cốt dừa, ăn rất ngon mà lạ miệng, hãy thử đổi món cho cơm chiều để cả nhà cùng thưởng thức.
Canh cũ hủ dừa thịt viên
Để thay đổi khẩu vị cho bữa ăn có thể đem củ hũ dừa chế biến món canh củ hũ dừa nấu thịt viên. Nguyên liệu cho món ăn này gồm thịt xay ướp, củ hũ dừa, đậu Hà Lan, ngô bao tử, nấm đông cô, rau mùi, bột nêm, gia vị, đường, tiêu.
Thịt xay sau khi ướp gia vị thì trộn đều, vo viên tròn rồi cho vào nước dùng nấu, nêm gia vị, bột nêm, đường. Củ hũ dừa thái miếng vừa ăn, nấm đông cô tươi thái đôi.
Cho đậu Hà Lan, nấm, và củ hũ dừa vào nấu chín, nêm nếm lại cho vừa ăn. Không nên để canh sôi lâu sẽ làm củ hũ dừa bị nhũn và mất đi độ giòn của nó.
Củ hũ dừa chiên bánh xèo
Bánh xèo miền Tây nổi tiếng với nhiều loại nhân vô cùng phong phú, và sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến bánh xèo nhân củ hũ dừa với hương vị độc đáo, khó quên.
Để làm món bánh xèo nhân củ hủ dừa này cần chọn củ hũ loại non, còn nguyên khúc, rửa sạch và xắt sợi mỏng. Ướp củ hũ dừa với 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê đường, xào sơ cho thấm. Tép bạc đất chọn loại con nhỏ (mỏng vỏ), làm sạch, để nguyên vỏ, luộc sơ. Nếu mua tôm to, vỏ cứng nên lột vỏ, bỏ đầu. Thịt ba rọi luộc vừa chín tới, vớt ra chờ nguội rồi xắt lát mỏng.
Khi tất cả các nguyên liệu đã sẵn sàng, bắc chảo lên bếp cho nóng, cho miếng mỡ heo vào đảo vài lượt cho ra mỡ (dùng mỡ heo bánh chiên xong sẽ dễ gỡ và có mùi thơm hấp dẫn). Sau đó múc từng vá bột cho vào, nghiêng chảo để bột tráng đều và tròn đẹp mắt. Tiếp theo cho củ hũ dừa, tép bạc và thịt ba rọi vào giữa làm nhân. Khi thấy vỏ bánh vàng, đặc biệt lớp vành hơi cong lên là bánh đã chín.
Cho bánh ra đĩa, bày trí cùng rau thơm, rau cải xanh, nước chấm chua chua cay cay và thưởng thức. Nếu như những chiếc bánh xèo bạn đã thưởng thức trước đó có vị ngọt của giá đỗ thì món bánh xèo hôm nay, phần nhân tôm thịt lại có thêm quyện vị của củ hủ dừa ngọt thanh, giòn sần sật hấp dẫn vô cùng.
Củ hũ dừa bóp ăn xổi
Với những người thích vị ngọt mát của cù hũ dừa sống thì có thể chế biến món củ hũ dừa bóp xổi. Củ hũ, cà-rốt thái miếng vuông vừa ăn. Cho củ hũ dừa, dưa nụ, cà-rốt, ớt khô vào tô và trộn đều. Sau đó cho nước mắm, tương ớt, giấm, hạt nêm, đường, vừng vào tô riêng và quấy tan hỗn hợp. Tiếp đến, rưới hỗn hợp vào tô củ hũ dừa, trộn đều tay. Củ hũ dừa bóp xổi ăn với cơm nóng là thích hợp.
Gỏi củ hũ dừa tôm thịt
Mọi người vẫn nói với nhau rằng, gỏi củ hũ dừa là tinh hoa của ẩm thực Bến Tre. Người ta ví món gỏi như một bức tranh với sắc trắng tinh của củ hũ dừa, kết hợp với màu đỏ đầy bắt mắt của tôm luộc, rồi màu của thịt ba chỉ, tai heo thái mỏng cùng với màu xanh của rau.
Sau khi lấy củ hũ dừa từ thân cây ra, người ta bào mỏng thành từng sợi dài để trộn với những nguyên liệu như : tôm sú bóc nõn, thịt ba chỉ, tai heo thái mỏng, hành tây, rau răm cùng đậu phộng rang thơm giòn. Món ăn cũng được nêm thêm một số gia vị như đường, chanh hoặc giấm gạo để tạo nên vị ngon đậm đà, hấp dẫn.
Gỏi củ hũ dừa cho vị chua chua ngọt ngọt, cho vị mát, giòn thơm ít chất béo lại thanh đạm nên ai cũng thích. Bên cạnh đó, món ăn này phải kèm thêm chén mắm chua ngọt cùng những chiếc bánh phồng tôm giòn béo.
Theo Sao Star
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất