Mẹ bầu lo sốt vó vì "ĐỨA LỚN" BỊ TAY CHÂN MIỆNG, chăm con thì sợ, cách ly cũng không xong
Tin liên quan
Những lý do khiến mẹ bầu cần tránh xa nguồn lây vi rút tay chân miệng
Đang mang thai đến tháng thứ 6, chị Minh Trang (Hà Nội) như “ngồi trên đống lửa” vì con gái 4 tuổi bị mắc bệnh tay chân miệng. Dù đã nhờ bà ngoại chăm bé giúp nhưng chị vẫn không tránh được việc tiếp xúc với con.
“Đứa nào cũng là con. Cách ly với con lớn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ thì thấy tội đứa lớn. Mà không cách ly, nhỡ lây bệnh thì có lỗi với đứa nhỏ trong bụng quá! Nghe thông tin có 6 trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng, cả nhà tôi càng thêm lo lắng”, chị Trang chia sẻ.
Dù chưa có tài liệu nào báo cáo bệnh tay chân miệng làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu hay nguy cơ dị tật cho thai nhưng thai phụ cũng nên hết sức đề phòng. Ảnh minh họa.
Mối lo của chị Trang là điều dễ hiểu bởi cho tới thời điểm này đã có 6 trẻ tử vong vì bệnh tay chân miệng. Trong đó, 2 trường hợp ở tỉnh Tây Ninh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi địa phương 1 trường hợp. Nguyên nhân khiến dịch bệnh này tăng cao, có nhiều ca nặng là do thay đổi nhóm gen của chủng virus EV71.
Dù bệnh chân tay miệng chủ yếu diễn ra ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi nhưng trong thời điểm số ca chân tay miệng tăng đột biến, mẹ bầu vẫn cần phòng bệnh để đảm bảo sức khỏe cả hai mẹ con.
Bác sĩ Lê Tiểu My, Khoa Sản, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) cho biết, hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào nói về việc mẹ nhiễm bệnh tay chân miệng khi mang thai làm tăng nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu hay nguy cơ dị tật cho thai.
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, phần lớn có thể khoẻ lại sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc bệnh do bệnh dễ lây qua đường tiêu hoá, hô hấp. Khi số ca tay chân miệng tăng đột biến, nguy cơ lây nhiễm lớn trong khi chưa có vắc xin dự phòng hay thuốc điều trị đặc hiệu khiến mẹ bầu lo lắng là điều dễ hiểu.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở người lớn, cũng giống như triệu chứng của nhiễm các virus khác. Ban đầu có thể sốt, đau họng, mệt mỏi, chán ăn. Sau vài ngày xuất hiện mụn nước nhỏ, ở những vị trí như miệng, lòng bàn tay, bàn chân, đùi…
“Theo đó, sốt cao trong ba tháng đầu có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ bị tay chân miệng trong lúc gần sinh hoặc ngay lúc có nguy cơ truyền vi rút cho bé cao nhất. Bé bị nhiễm vi rút trong 2 tuần đầu sau sinh có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan và bệnh nặng”, Bác sĩ Lê Tiểu My nói.
Mẹ bầu phòng bệnh như thế nào?
Theo bác sĩ Lê Tiểu My, thời điểm số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến, mẹ bầu tuyệt đối không được lơ là việc phòng dịch bệnh.
Điều quan trọng đầu tiên mẹ bầu cần làm là vệ sinh cơ thể sạch sẽ; tránh tiếp xúc người bệnh; vệ sinh nhà cửa; ăn uống cân bằng để đủ dinh dưỡng, uống đủ nước..
Mẹ bầu cần tránh ôm ấp, hôn hít trẻ bị bệnh để hạn chế nhiễm phải vi rút. Ảnh minh họa.
Với các bà mẹ đang mang thai lại có con bị bệnh tay chân miệng, cách ly với con là điều không thể, bác sĩ Tiểu My khuyên các mẹ nên:
- Tìm hiểu thông tin về bệnh tay chân miệng ở trẻ để theo dõi và chăm sóc bé đúng cách.
- Nếu có người nhà hỗ trợ, bạn san sẻ bớt việc chăm trẻ. Khi trẻ ho và chảy nước mũi nhiều, hướng dẫn trẻ rửa sạch tay, đeo khẩu trang y tế, dùng khăn che mũi, miệng nếu trẻ đủ lớn để hiểu.
- Đừng hôn hít, ôm ấp trẻ khi trẻ bệnh để hạn chế nhiễm vi rút.
- Lau nhà cửa sạch sẽ, rửa và sát trùng đồ chơi của con. Vật dụng của trẻ cần sử dụng riêng cho an toàn, rửa hấp thật sạch, đặc biệt những vật dụng cá nhân như cốc, khăn, bàn chải…
- Rửa tay sạch sẽ thường xuyên, đặc biệt khi vừa tiếp xúc hay chăm sóc trẻ bệnh.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất