Nhiều ca mắc tay chân miệng, phụ huynh bật mí những cách đơn giản để phòng bệnh tại nhà
Tin liên quan
Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2018, cả nước có hơn 30.000 ca bệnh tay chân miệng ghi nhận tại cả 63 tỉnh thành. Trong số đó có đến hơn nửa bệnh nhân (16.900 ca) mắc tay chân miệng phải nhập viện.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM là đơn vị tiếp nhận nhiều ca mắc tay chân miệng nhất cả nước. Riêng trong ngày 26/9, tại khoa Nhiễm Thần kinh đang phải điều trị cho 179 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có gần 30 ca nặng phải theo dõi, chăm sóc liên tục, nhiều trẻ phải thở máy. Tại bệnh viện đã có 1 ca tay chân miệng tử vong.
Trước diễn biến của bệnh tay chân miệng, các phụ huynh không khỏi lo lắng. Chị Nga, sống ở quận 10, Tp.HCM cho biết, con gái chị mới đi học mầm non được vài tháng. Môi trường lớp học là nơi có thể dễ lây căn bệnh này, do các bé ủ bệnh từ trước mà không ai biết.
"Nhà tôi có con nhỏ chưa được một năm nữa nên càng lo. Mấy hôm nay, tôi đều gọi điện cho cô giáo hằng ngày xem có trường hợp nào mắc chân tay miệng ở trường chưa. Tôi cũng nhờ cô giáo chú ý đến việc vệ sinh tay, chân cho con nhất là trước khi ăn hoặc sau khi ăn. May là trường mầm non của con tôi chưa có trường hợp nào mắc", chị Nga nói.
Cùng chung nỗi lo như chị Nga là chị Thu (quận Tân Bình, Tp.HCM), chị Thu cho hay, việc con tiếp xúc với đồ chơi, lớp học, bạn bè hay cả khi đi lại bên ngoài rất khó có thể nhận biết đâu là nguồn lây tay chân miệng. Cho nên bản thân chị Thu chỉ biết chú ý vệ sinh cho con và tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng và các loại nước trái cây.
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh nhưng khi con đi học thì phụ huynh cũng không giám sát hết được. Toi mong là có trường hợp nào có biểu hiện tay chân miệng, cô giáo sẽ cần báo cho bố mẹ ngay để tránh lây ra các trẻ khác", chị Thu chia sẻ.
Mới đây, Sở Y tế Tp.HCM đã kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh, phòng chống dịch ở một trường học và một điểm trông giữ trẻ gia đình trên địa bàn quận 10.
Chú ý phòng bệnh
Nỗi lo lớn nhất của phụ huynh nhất là các cha mẹ có con đi học mầm non là bị tay chân miệng. Cho nên các phụ huynh cũng tự trang bị cho mình và chia sẻ trên mạng xã hội các bí quyết phòng bệnh hiệu quả.
Chị Trí - phụ huynh một bé hai tuổi cho hay, con tôi chưa đi học nhưng việc tiếp xúc với các trẻ khác vẫn có thể lây bênh nếu như có bé trong đó bị tay chân miệng.
"Cho nên, tôi chú ý đến rửa tay của con sạch sẽ, bằng xà phòng, dưới vòi nước. Ngoài ra, tôi và chồng cùng ông bà cũng thực hiện rửa tay nhất là khi chuẩn bị bế con hoặc trước khi chế biến đồ ăn", chị Trí nói.
Ngoài ra, trước và sau khi thay tã cho con, vợ chồng chị cũng chú ý vệ sinh đôi tay sạch sẽ. Bên cạnh đó, tránh đưa con đến chỗ đông người. Chị Trí cũng bổ sung vitamin C cho con bằng các loai nước ép đảm bảo an toàn và dinh dưỡng, nâng cao đề kháng.
Trong khi đó, các phụ huynh khác lại cho rằng trẻ hay có thói quen cho ngón tay vào miệng để mút hoặc ăn bốc. Để phòng bệnh, cha mẹ cần theo dõi để ngăn trẻ không có các hành động này và thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
Mặt khác, đồ chơi của trẻ chứa nhiều vi khuẩn, trẻ và bạn thường cầm nắm. Cho nên, cha mẹ cũng cần lau chùi, rửa sạch sẽ để tránh làm nơi cho vi khuẩn sinh sôi.
Bên cạnh đó, các dụng cụ như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, dụng cụ học tập, sàn nhà cũng cần được vệ sinh sạch sẽ, lau bằng chất tẩy rửa thông thường, đảm bảo an toàn. Nhà tiêu phải hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi khi chế biến đồ ăn.
Nếu trẻ có dấu hiệu bị tay chân miệng phải đưa đi khám ngay để được bác sĩ xác định và có cách điều trị hợp lý.
AM
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất