"Cẩm nang" cho mẹ bầu 8 tháng
Tin liên quan
Thời điểm này, cảm xúc của mẹ từ hồi hộp, mong chờ đến mãn nguyện hạnh phúc đều được nhân đôi. Nhưng mệt mỏi cũng tăng lên theo. Mẹ nặng nề hơn với chiếc bụng bầu càng lớn dần, di chuyển khó khăn, không thể ngủ ngon và còn bị táo bón nữa. Còn rất nhiều điều chờ đợi mẹ ở phía trước, những thay đổi liên tục, những mốc phát triển của con, những bất ngờ… Mẹ phải thật bình tĩnh và tìm hiểu kỹ thông tin để thai kỳ luôn khỏe mạnh mẹ nhé.
Những lưu ý trong tháng thứ 8 thai kỳ
- Tâm lý mẹ bầu trong tháng thứ 8 thường không ổn định. Mẹ dễ bị bối rối, dễ tức giận và kích động. Những lúc như vậy, tốt nhất là mẹ nhắm mắt, hít thở một hơi thật sâu để lấy lại thăng bằng nhé.
- Mẹ có thể bị nhiều người chê “bụng to quá” hoặc “bầu tháng thứ 8 rồi mà không thấy bụng đâu”. Thực tế, bụng to hay bụng nhỏ không hề ảnh hưởng đến trọng lượng cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi.
- Thời gian này mẹ sẽ lo lắng nhiều hơn. Mẹ lo con không phát triển đúng chuẩn, lo không sinh thường được hoặc lo sau sinh không biết cách chăm con. Lo lắng là hiện tượng bình thường trong giai đoạn này chủ yếu bởi sự thay đổi hormone thai kỳ.
Cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào
- Mẹ sẽ mắc chứng tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu) mỗi khi hắt hơi, ho hay cầm vật nặng. Nguyên nhân chính do tử cung lớn, chèn ép lên bàng quang. Mẹ có thể cải thiện tình trạng xấu hổ này bằng cách tập các bài tập Kegel.
- Cơ thể tích nước nhiều hơn, gây nên hiện tượng phù chân tay.
- Thường xuyên bị hụt hơi, khó thở do tử cung lớn chèn ép lên phổi.
- Ợ nóng và táo bón tiếp tục “hành” mẹ bầu.
- Hoa mắt hoặc nóng người cũng có thể xuất hiện.
- Các cơn chuyển dạ giả (cơn gò Braxton Hicks ) xuất hiện rõ rệt hơn trong tháng thứ 8 này. Mẹ có thể cảm nhận được cơ tử cung gò cứng hay như cuộn lại trong khoảng 30 - 60 giây. Các cơn gò này thường không đau và sẽ biến mất nếu mẹ thay đổi tư thế. Mẹ tập làm quen với những cơn gò này để chuẩn bị tâm lý cho cơn chuyển dạ thật nhé.
- Sữa non bắt đầu tiết ra ở bầu ngực, chuẩn bị cho hoạt động của tuyến sữa sau khi em bé chào đời.
- Cuối tháng thứ 8, lượng nước ối trong tử cung giảm. Từ thời điểm này, hàng ngày, nước ối sẽ rỉ ra một chút xíu (không phải mẹ nào cũng vậy, và lượng ối rỉ ra là rất ít. Nếu thấy nước ối ra nhiều, mẹ cần lập tức đến bệnh viện kiểm tra). Nước ối có mùi và màu khác hoàn toàn với nước tiểu. Ban đầu nước ối có màu trắng trong, càng về cuối thai kỳ, nước ối có màu trắng đục.
- Tâm lý mẹ cũng thay đổi, thiếu kiên nhẫn và hay cảm thấy khó chịu. Hơn 2 tháng đối với mẹ dài như hàng thế kỷ vậy.
Những thay đổi ở em bé
Tháng thứ 8, bé xoay đầu xuống dưới, chuẩn bị cho ngày chào đời.
- Bé xoay đầu xuống cổ tử cung của mẹ, đây là tư thế thuận lợi để sinh thường. Trong các lần siêu âm và khám, bác sỹ sẽ theo dõi và phát hiện bất thường có thể xảy ra.
- Hiện tượng suy giảm nước ối là dấu hiệu cho biết thận của em bé bắt đầu hoạt động.
- Nếu là bé trai, hai tinh hoàn của bé bắt đầu di chuyển xuống dưới bụng. Nếu là bé gái, môi âm hộ bắt đầu hình thành và hoàn thiện. Các hormone thai kỳ sẽ khiến bộ phận sinh dục của bé trai và bé gái hơi sưng phồng lên sau khi sinh.
- Lớp phủ màu trắng vernix bảo vệ bé khỏi môi trường nước ối tiếp tục nhiệm vụ của mình. Lớp lông tơ trên da bé dần dần biến mất.
- Não bộ bắt đầu phát triển khả năng nhận thức. Các nơ-ron thần kinh tiếp tục nhân đôi với tốc độ nhanh chóng mặt.
- Bé nặng khoảng 2,7kg khi hết tháng thứ 8 và dài khoảng 50cm.
- Bé có ít không gian để vận động, “chơi đùa” trong bụng mẹ.
Những việc mẹ cần làm trong tháng thứ 8
- Tập thở: Tháng thứ 8 mẹ sẽ đối mặt với hiện tượng khó thở, hụt hơi. Mẹ nên tập các bài tập thở để cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn.
- Các bài tập Kegel: Duy trì tập bài tập Kegel để giữ tâm lý ổn định và củng cố cơ đáy chậu.
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp mẹ bầu giảm triệu chứng táo bón, ợ nóng, và giảm lượng đường trong máu. Mẹ có thể uống nước hoa quả, nước ép rau xanh, nước dừa tươi…
- Chọn tư thế đúng: Tiếp tục duy trì tư thế nằm nghiêng bên trái khi ngủ. Ngồi thẳng lưng để tránh gây áp lực lên các dây thần kinh ở hông.
- Tập cho con bú và thay tã/ bỉm cho con: Thời gian này mẹ vẫn còn rảnh rỗi, tranh thủ chưa bận rộn mẹ học cách cho con bú và cách thay tã/ bỉm cho con. Mẹ có thể tham gia các khóa học tiền sản miễn phí hoặc tham khảo qua sách, báo, mạng Internet. Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh sẽ giúp mẹ tránh được stress sau sinh.
- Lên kế hoạch sinh nở: Mẹ chuẩn bị chọn bệnh viện đăng ký sinh, làm hồ sơ sinh, chọn sinh thường hay sinh mổ và đăng ký chọn bác sỹ đỡ đẻ/ bác sỹ mổ.
- Duy trì chế độ ăn uống ổn định; Mẹ vẫn duy trì chế độ ăn uống nhiều dinh dưỡng, đảm bảo cho sự phát triển của bé yêu trong bụng. Mẹ nhớ chia nhỏ khẩu phần ăn, tránh ăn quá no nhé.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Thời gian này mẹ có thể đi bộ, tập yoga và các bài tập nhẹ nhàng khác để tăng lưu thông máu, giảm căng thẳng và giảm nguy cơ sinh mổ.
Những việc không nên làm
Mẹ cần tránh ăn những thực phẩm sau trong tháng thứ 8 này:
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Thực phẩm cay nóng.
- Đồ ăn vặt.
- Thức ăn nhiều axit.
- Thực phẩm gây táo bón
Ngoài ra mẹ cũng không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá vì sẽ làm chậm sự phát triển của thai nhi và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình.
Hạn chế căng thẳng
Vẫn biết thời điểm này mẹ sẽ rất mệt mỏi nhưng hãy cố gắng thư giãn. Có thể đọc sách, xem phim, nghe nhạc hoặc gặp gỡ bạn bè hàn huyên. Ngày gặp con yêu không còn xa nữa rồi, mẹ cố gắng tất cả vì con yêu nhé!
Lam Khê
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất