Siết giá dịch vụ khám chữa bệnh: Người bệnh mừng, bệnh viện lo
Tin liên quan
Theo dự thảo Thông tư, diện tích phòng dịch vụ phải rộng từ 12m2 (loại đặc biệt với 1 giường bệnh) đến 28m2 (loại III với 4 giường/phòng). Phòng phải có các thiết bị y tế như: Giường bệnh cấp cứu, tủ đầu giường, bàn đỡ trên giường bệnh, máy thở, monitor (màn hình), oxy đầu giường, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, hệ thống báo gọi y tế. Cùng đó phòng bệnh yêu cầu cũng phải kèm theo các thiết bị sinh hoạt như: Ti vi, tủ lạnh, điều hòa 2 chiều, bình đun nước uống và ấm chén, bàn ghế ngồi cho người nhà, điện thoại- internet, chăn ga đệm, quạt cây (quạt trần). Đặc biệt tại các phòng bệnh yêu cầu có 1 bác sĩ/4 giường bệnh và 1 điều dưỡng/giường bệnh phục vụ 24/24 giờ.
Tại dự thảo này, Bộ Y tế cũng quy định mức giá của dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, trong đó tại Hà Nội và TP. HCM giá thu tối đa 200.000 đồng/lần khám và giá giường bệnh các phòng điều trị theo yêu cầu ở mức 2,4 triệu đồng – 1,2 triệu đồng – 800.000 đồng - 600.000 đồng/ngày (tương đương với loại phòng đặc biệt, 1 giường/phòng đến loại III, 4 giường/phòng); tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ giá khám tối đa 150.000 đồng/lần và giá giường ở mức 1,8 triệu đồng - 900.000 đồng – 600.000 đồng – 450.000 đồng/ngày. Với các tỉnh còn lại giá tối đa 100.000 đồng/lần khám và giá giường 1,2 triệu đồng - 600.000 đồng – 400.000 đồng – 300.000 đồng/ngày, tùy loại phòng. Khi khám dịch vụ, BV phải đảm bảo mỗi bác sĩ không khám quá 35 bệnh nhân/ngày, phòng điều trị tối đa không quá 4 người.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), việc xây dựng dự thảo nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho các BV công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà BV quy định. Các mức giá dựa trên tính toán các chi phí trang thiết bị vật tư, từ găng tay, bông băng đến chi phí máy móc, lương bác sĩ... “Đã là BV công thì không thể muốn định giá thế nào thì định giá. Bộ sẽ đưa ra các điều kiện sát với tình hình thực tế, giá thực tế” – ông Liên nhấn mạnh.
Đồng thời theo dự thảo Thông tư, BV phải xây khu khám và điều trị dịch vụ tách riêng khỏi khu khám bệnh bình thường, khám BHYT, cũng không được lấy giường bệnh nằm trong chỉ tiêu của BV ra làm giường dịch vụ. Nếu BV có trên 10% số giường bệnh trở lên phải nằm ghép 2 người/giường thì không được tổ chức các phòng bệnh theo yêu cầu tại khoa điều trị. “Nếu không tách ra, người đến khám, điều trị sẽ thấy ngay sự phân biệt đối xử, sẽ so sánh. Đồng thời các BV cũng không thể lấy “giường công” làm giường chữa bệnh dịch vụ, vì “giường công” do nhà nước đầu tư, nếu lấy ra làm dịch vụ có thể dẫn đến quá tải BV” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Trước đó, Bộ Y tế đã lên tiếng sau khi 1 bệnh nhân phản ánh phòng dịch vụ 3 giường giá 1,2 triệu đồng/ngày như khách sạn 3 sao tại khoa Thần kinh (BV Bạch Mai) nhưng phòng mốc meo, rêu xanh, điều hòa hỏng. Ngay sau đó, BV Bạch Mai đã xin lỗi bệnh nhân vì kiểm tra không sâu sát nên không kịp thời chấn chỉnh tình trạng phòng bệnh ẩm mốc và dừng thu phí ở phòng bệnh này. Nhiều người dân cho biết, tình trạng ẩm mốc rất rõ ràng, không khó nhận thấy, nếu người bệnh không có ý kiến lên tận Bộ Y tế chẳng nhẽ bệnh viện không nhận thấy. Và có bao nhiêu bệnh nhân phải chịu tình trạng trả tiền “khách sạn” mà lại chịu điều trị ở phòng bệnh như... nhà trọ xuống cấp.
Hiện nay, chỉ tính riêng tiền khám bệnh dịch vụ ở nhiều BV công có giá chênh lệch khá lớn, dao động từ 100.000 – 500.000 đồng/lượt khám, cho dù cơ sở vật chất hay bác sĩ khám là khá giống nhau. Các bệnh nhân mang tiếng là “thuận mua vừa bán” nên thường không dám có ý kiến gì.
Bệnh viện cần tự quyết định
Trao đổi với NTNN về dự thảo này, ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, việc mở ra các dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu rất cần thiết đối với sự phát triển của BV, hướng tới tự chủ tài chính. Hiện nay, có một số người dân có khả năng chi trả các dịch vụ y tế giá cao. Họ sẵn sàng ra nước ngoài điều trị với chi phí lớn để đảm bảo được phục vụ và điều trị tốt nhất. Họ cũng đưa ra những yêu cầu rất cao mà không hề tiếc tiền. Do đó, nếu Bộ Y tế quy định “giá trần” thì BV sẽ không thể đầu tư thích đáng để làm hài lòng người bệnh sẵn sàng chi trả giá cao. Ông Hiền kiến nghị, nếu Bộ Y tế quy định giá trần các dịch vụ khám theo yêu cầu cũng nên tương đương với giá dịch vụ của các nước trong khu vực. Vì như vậy, BV mới có đủ điều kiện về tài chính để đầu tư, giữ được bệnh nhân không đi ra nước ngoài điều trị.
Một lãnh đạo BV Trung ương (xin giấu tên) cho biết, đã là khám tự nguyện theo kiểu “thuận mua vừa bán” thì Bộ Y tế không nên quy định “chặn giá”. Vì đã phục vụ người bệnh thì phải theo đúng ý họ. Có thể họ đòi phòng bệnh được thay hoa tươi mỗi ngày, có y tá đẹp phục vụ, được dùng các trang thiết bị y tế tốt nhất... mà nếu chỉ theo “giá trần” của Bộ thì không thể đáp ứng được. Cho dù dịch vụ khám theo yêu cầu thì giá bác sĩ khám khác, mà giá giáo sư khám phải khác và các giáo sư chuyên ngành khác nhau cũng phải khác.
Về ý kiến của các BV, ông Nam Liên cho biết, đây mới chỉ là dự thảo, Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến của các BV. Tuy nhiên, bắt buộc phải có các quy định chung về điều kiện và giá khám bệnh dịch vụ, không thể “thả nổi” khiến BV muốn “định giá thế nào thì định” và bệnh nhân chịu thiệt. Tuy nhiên, các BV có thể xây dựng các gói dịch vụ khác nhau để đề xuất với Bộ Y tế. Nếu tính toán thấy giá cả hợp lý, điều kiện tương xứng, Bộ cũng sẽ xét duyệt.
TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, chuyên gia phản biện chính sách y tế cũng nhận định, xưa nay các cơ sở y tế tại Việt Nam vẫn đang hoạt động theo mô hình công – tư lẫn lộn. Các BV công lợi dụng các đầu tư công như phòng ốc, trang thiết bị y tế để khám dịch vụ, thu lợi cho BV, trong khi phòng đó, trang thiết bị đó là do Nhà nước đầu tư để khám bệnh cho “dân thường”. Do đó, khi các BV được khuyến khích “tự chủ tài chính”, Bộ Y tế cũng cần có những thước đo, những ba-rem chuẩn xác, minh bạch để hạn chế việc BV dùng công làm tư, hoặc ép người bệnh sử dụng các dịch vụ y tế cao, đắt tiền, lạm dụng nhiều kỹ thuật cao, thuốc đắt... “Cần có hành lang pháp lý để quy định chặt chẽ các điều kiện khám chữa bệnh, điều trị, bảo vệ người bệnh – người tiêu dùng. Cần sửa đổi Luật Khám chữa bệnh dựa trên quan điểm là công cụ bảo vệ người bệnh tránh bị lạm dụng trong nền y tế thị trường hóa, chứ không phải nghiêng về “bảo vệ người cung cấp dịch vụ” – TS Tuấn nhấn mạnh.
Cần tạo hành lang pháp lý cho sự tồn tại và cơ chế vận hành các tổ chức độc lập để kiểm soát, giám sát chất lượng hoạt động khám chữa bệnh trên cơ sở bảo vệ người bệnh - người tiêu dùng. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích thành lập các tổ chức chăm sóc sức khoẻ phi lợi nhuận để chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng yếu thế như người nghèo, người dân tộc…”.
TS Trần Tuấn
Theo Dân Việt
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất