Cách sơ cứu khẩn cấp cho người bị tạt axit
Thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ tạt axit nguy hiểm để trả thù hoặc dằn mặt tình địch hay xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong tình yêu. Sự việc như vậy xảy ra trong chốc lát nhưng để lại nỗi đau lâu dài cho người bị tạt axit, gia đình. Thậm chí, với không ít cô gái, một lần bị tạt axit sẽ bị ảnh hưởng nặng về thẩm mỹ. Từ khuôn mặt đẹp, dễ nhìn bỗng chốc trở thành loang lổ, chằng chịt sẹo, da đắp trên mặt. Từ đó, về sau không ít người còn mang tâm lý tự ti, lẩn trốn cuộc sống, ngại tiếp xúc với mọi người.
Chuyện chấn thương tâm lý là cái bên trong còn cái đáng nói hơn cả là nỗi đau về thể xác. Thậm chí, đến khi, khỏi hẳn bên ngoài vẫn có những cơn đau tái phát dai dẳng, kiêng cữ về ăn uống với hi vọng sẽ có được vẻ đẹp như trước đây.
Nạn nhân bị tạt axit cần phải bình tĩnh để thực hiện sơ cứu.
Axit có sức phá hủy đáng sợ. Bởi chỉ cần vương một chút trên da cũng đủ gây biến dạng vùng da, cơ... Axit phá hủy cấu trúc da, mỡ, gân, cơ. Khi đó, theo cơ chế đông vón protein sẽ khiến hoại tử từ bên ngoài vào bên trong.
Người bị tạt axit hay axit đổ lên người sẽ bị cháy da, bỏng nặng, tổn thương lớp da, bề mặt dưới da, xương và thậm chí nhiều bộ phận khác. Nếu phần da chết không được loại bỏ sớm thì phần da mới mọc lên sẽ càng làm cho bề mặt bị biến dạng kinh khủng hơn rất nhiều.
Nhưng đó là chưa đủ, axit còn có thể tác động lên hệ hô hấp. Bởi hơi axit sẽ tác động đến bề mặt mũi, đường hô hấp, thanh quản, phổi và các bộ phận ở hệ hô hấp. Khi hít phải hơi này sẽ gây ảnh hưởng nặng nề và lâu dài.
Đặc trưng của axit đậm đặc, nhất là axit sunfuric rất háo nước. Khi tiếp xúc với cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng hút nước của sụn, ngưng kết lõi protein bên trong mà phá hủy sụn hoàn toàn. Do đó, những bộ phận chứa nhiều sụn như tai, mũi, tiếp xúc với axit có thể khiến nạn nhân bị điếc, mũi biến dạng, bị bịt kín.
Sơ cứu người bị tạt axit
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Đường (Chuyên khoa Bỏng và Tạo hình) cho biết, khi một người bị tạt axit, cần phải ngay lập tức đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, đừng quá mất bình tĩnh như vậy. Mặc dù, sức tác động của axit lớn, gây biến dạng da cơ, phá hủy sâu bên trong và lớp dưới da. Tuy nhiên, cần phải dùng nước sạch để dội lên vùng có axit nhằm rửa trôi càng nhiều càng tốt lớp axit còn bám lại. Do vậy, liên tục dội nước trong 20-30 phút để đảm bảo axit được giảm thiểu.
"Khi dội như vậy, tuyệt đối không kỳ cọ, lau hay cố dùng tay chạm lên vết thương. Bởi, nếu làm như vậy càng gây nên những tổn thương ở da khu vực này. Có thể dùng nước muối trung tính để dội lên vết bỏng nhưng vẫn phải kết hợp nước.
Ngoài ra, đặc điểm các vết bỏng là do biến dạng với kết hợp nhiều chất bị chảy ra nên sẽ gây dính quần, áo nếu không cẩn thận. Do đó, bạn phải gỡ bỏ quần, áo, trang sức... để việc xịt nước thuận lợi mà sau đó không phải gỡ bỏ gây đau đớn hơn cho nạn nhân", bác sĩ nói.
Nếu axit có bắn vào mắt, phải lưu ý mở mắt thật to để nước vào trong giúp rửa trôi axit ra bên ngoài. Người dội nước cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn, nếu dính axit phải rửa thật sạch tránh gây tổn thương.
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất