"Fast and Furious": Nhìn lại một chặng đường
2015-04-08 15:30
- Nếu “Fast and Furious 7” như một lời tri ân và chia tay chàng tài tử hào hoa mà bạc mệnh Paul Walker, thì mỗi một phần trong series phim lại mang đến cho khán giả những xúc cảm rất khác nhau.
Tin liên quan
“Fast and Furious” – series phim bom tấn về đề tài đua xe đường phố của hãng Universal đã trải qua một hành trình 14 năm với đầy đủ những thăng trầm cũng như mất mát quá lớn sau sự ra đi của Paul Walker. Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001, với những “đặc sản” riêng của mình bộ phim đã dần chinh phục khán giả và trở thành một “tượng đài” trong lòng những người đam mê tốc độ. Chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường 14 năm qua của bộ phim để khám phá hành trình làm nên thương hiệu “Fast and Furious”.
Ít ai biết rằng bộ phim được xây dựng dựa trên cảm hứng từ một bài báo về đua xe trên tạp chí Vibe vào năm 2000. Ngay sau khi công chiếu và có doanh thu phòng vé ổn, hãng Universal đã tiếp tục đầu tư sản xuất các phần tiếp theo.
The Fast and the Furious (2001)
Được ra mắt từ cách đây 14 năm nên cũng dễ hiểu khi Fast 1 có khá ít các cảnh đua xe, rượt đuổi nguy hiểm và ngoạn mục so với những phần tiếp theo trong series. Cả Dom (Van Diesel) và Brian (Paul Walker) đều còn khá trẻ và chưa đủ “chín” trong diễn xuất. Điểm nhấn duy nhất ở phần 1 đó là mối quan hệ “nguy hiểm” giữa chàng cảnh sát ngầm Brian và anh chàng máu mặt trong thế giới ngầm thành phố Los Angeles, Dom. Tuy vậy, với nội dung mới lạ, hấp dẫn cùng dàn diễn viên trẻ tiềm năng như Paul Walker, Vin Diesel, và sự góp mặt của 2 chân dài Michelle Rodriguez (Letty) hay Jordana Brewster (Mia), "The Fast & the Furious" đã trở thành một hiện tượng với doanh thu sau khi công chiếu là hơn 200 triệu USD. Từ đây, tên tuổi của bộ phim và hai diễn viên chính Paul và Van bắt đầu đi vào lòng khán giả.
2 Fast 2 Furious (2003)
Có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau về phần 2 của bộ phim. Mặc dù có tới 2 đề cử mâm xôi vàng vào năm đó nhưng bộ phim vẫn đạt doanh thu tới 236 triệu USD. Có nhiều ý kiến cho rằng, phần 2 kém hấp dẫn hơn, có phần giống một bản parody của phần 1 với những chi tiết hài quá lố. Đạo diễn John Singleton có vẻ như không muốn sản xuất một bộ phim hành động, đua xe đúng nghĩa khi sa đà đầu tư vào trang phục của diễn viên, khắc họa những nhân vật phản diện chưa xứng tầm. Phục trang lòe loẹt và tập trung vào các chi tiết hài thiếu thuyết phục khi xây dựng nhân vật (có lẽ Carter là ông trùm ma túy hài hước nhất) khiến cho bộ phim nhận được ít sự phản hồi tích cực của khán giả. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây nên sự thất bại này có lẽ là sự vắng bóng của Dom và đạo diễn Rob Cohen khi cả hai còn bận tham diễn bộ phim “Điệp viên Xxx”. Chính vì không chịu nổi những chỉ trích sau thất bại của Fast 2, Paul Walker đã từ chối tham gia trong phần tiếp theo của series này.
The Fast & the Furious: Tokyo Drift (2006)
Rê đuôi xe kiểu Tokyo phá vỡ hoàn toàn mạch phim trước đó khi đưa khán giả ra ngoài biên giới nước Mỹ đến thế giới đua xe ngầm của Tokyo. Không còn dàn sao của các phần trước, nhân vật chính lần này là cậu học sinh đầy rắc rối Sean Boswell (Lucas Black) bị mẹ gửi tới Nhật Bản sống cùng bố sau khi liên tục tham gia những cuộc đua tại Arizona. Tại Tokyo, Sean được người bạn học Twinkie (Bow Wow) giới thiệu tới với thế giới đua xe drift. Vì muốn chứng tỏ mình và theo đuổi cô bạn gái, Sean chấp nhận đối đầu với “vua rê đuôi xe” của Tokyo là Takashi (Brian Tee) và thất bại. Với quyết tâm phục thù, Sean đã làm bạn với Han (một cao thủ rê đuôi xe giấu tài) để rồi chiến thắng nghẹt thở trong đường đua trên núi. Mạch phim phần này diễn ra không nhanh và sự xuất hiện của các nhân vật mới hoàn toàn có lẽ đã gây thất vọng cho fan của bộ phim và khiến doanh thu của bộ phim sụt giảm còn 158 triệu đô la. Tuy nhiên, phần 3 này mới là sự khởi đầu cho những phần tiếp theo của bộ phim.
Fast & Furious (2009)
Lần đầu tiên sau 8 năm, dàn sao của Fast 1 tái xuất cùng nhau trong một tập phim. Câu chuyện bắt đầu với thông tin Letty bị sát hại khiến Dom tái xuất giang hồ để trả thù cho bạn gái. Những manh mối giúp anh lần theo dấu vết tên trùm ma túy Braga trùm đường dây ma túy vùng biên giới Mỹ – Mexico. Trùng hợp là cơ quan FBI của Brian cũng đang đưa tên này vào tầm ngắm. Và chuyến hành trình của Dom và Brian chính thức bắt đầu…
Bộ Tứ trở lại khiến cho vị thế của bộ phim trở về hàng top khi đạt doanh thu tới hơn 300 triệu USD. Mặc dù không được đánh giá cao về chuyên môn cùng kịch bản thiếu kịch tính và đặc sắc nhưng bù lại khán giả được “mãn nhãn” những cảnh rượt đuổi, đấu súng nguy hiểm. Phần này, khán giả lại được chiêm ngưỡng Dom và con chiến mã sinh tử Dodge Charge 1970 đầy phong trần của anh. Có thể nói, Fast 4 đã đưa bộ phim vào đúng “quỹ đạo” ban đầu.
Fast Five (2011)
Một trong những niềm tự hào của series phim đình đám, “Fast Five” hiện trong top doanh thu phòng vé khi mang về 621 triệu đô la sau khi công chiếu. Có thể nói phần 5 chính là phần đột phá là “linh hồn” của bộ phim và từ đây biệt hiệu “bom tấn” chính thức gắn liền với tên tuổi của bộ phim. Không bó hẹp với những pha thách đấu và đua xe bạt mạng, phần 5 mang tới cho khán giả một sự trải nghiệm hoàn toàn mới lạ: trải nghiệm cướp bóc có tổ chức. Trong phần này, nhóm của Dom chuyển địa bàn sang Rio (Braxin) để tránh rắc rối nhưng lại vướng vào rắc rối với một ông trùm mafia. Sau khi đụng độ với tay chân của hắn, Dom và đồng đội phát hiện ra ông trùm này đang sở hữu khoản tiền lên tới 100 triệu đô la. Họ lên kế hoạch đánh cắp khoản tiền trên, cùng lúc đó, họ đang bị truy đuổi bởi đặc vụ Mỹ – Luke Hobbs (Dwayne Johnson).
Là một bước chuyển mình đột phá của bộ phim: đi cướp, bị truy đuổi, đấu súng và hơn cả là những cảnh rượt đuổi thần sầu, Fast 5 đã lấy lại niềm tin ở khán giả và trở thành hiện tượng phim hè của năm 2011.
Fast & Furious 6 (2013)
Kịch tính và nghẹt thở chính là cảm xúc của khán giả sau hơn 2 tiếng xem phim. Nếu Fast 5 đã là một bước đột phá thì Fast 6 chính là một huyền thoại. Phần 6 của bộ phim vẫn tập trung khai thác phong cách “trộm cướp” với những kế hoạch công phu và hoàn hảo. Phần 6 với sự trở lại của Letty bị “tẩy não” trong vai trò của lính đánh thuê khiến bộ phim tăng thêm tính kịch tính. Bên cạnh những cảnh hành động ngoạn mục, phần 6 của bộ phim còn khiến khán giả cảm nhận được tình thân và tình yêu. Cảnh Dom bay lên và bắt tay Letty giữa không trung đã trở thành hình ảnh đẹp nhất của bộ phim. Với doanh thu 788 triệu đô la, bộ phim không chỉ còn là hiện tượng lúc ban đầu mà đã dần chứng tỏ sức hút và thương hiệu của mình trên thế giới.
Fast & Furious 7 (2015)
Mặc dù câu chuyện chính của bộ phim xoay quanh sự trả thù của Deckard Shaw nhưng đọng lại trong lòng khán giả chính là hình ảnh và những câu thoại của hơn một phút cuối phim. “Hơn cả tình bạn, chúng tôi là một gia đình” đơn giản mà đong đầy tình cảm.
Ngoài phân cảnh cuối ấn tượng, Fast & Furious 7 còn khiến khán giả mãn nhãn với những “siêu xe” hạng sang chưa một lần xuất hiện trong phim. Jame Wan đã đầu tư rất “khủng” cho phần 7 này khi sử dụng một loạt siêu xe “chất” trong bộ phim từ Lykan Hyper Sport, Bugatti Veyron… và quay những phân cảnh “độc” như cảnh Dom phi Lykan qua 3 tòa nhà ở Dubai, cảnh đấu súng trên sa mạc và cảnh Dodge “rơi tự do” từ trực thăng. Hiện tại, Fast 7 hiện đang giữ kỷ lục doanh thu ra mắt với hơn 143 triệu đô la.
Hơn 14 năm, một chặng hành trình không dài nhưng đủ để “Fast and Furious” nói chung và “người hùng đã khuất” Paul Walker sống trong lòng khán giả. Hi vọng chúng ta sẽ tiếp tục được chào đón các phần tiếp theo của series phim đình đám này.
Thụy Dương
Nguồn ảnh: IMDb
(Theo Congluan.vn)
Nguồn ảnh: IMDb
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
3 cách an toàn và dễ làm để rã đông thịt