Tránh xâm hại tình dục: Không ngủ chung, không tắm cùng
Tin liên quan
Số liệu mới đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), Việt Nam phát hiện hơn 8.200 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 5.300 vụ xâm hại tình dục. Theo các chuyên gia, con số trên mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm".
Những sai lầm của bố mẹ
TS tâm lý trẻ em và vị thành niên Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có những hành động tưởng chừng như vô hại mà phụ huynh Việt Nam đang làm hàng ngày.
"Người Việt Nam thường thể hiện sự thân thiện qua véo mông, thơm má, vạch quần...điều này tạo cho trẻ suy nghĩ người lớn được phép làm như vậy nên không lên tiếng khi bị người khác xâm hại. Ngoài ra, văn hóa ngủ chung hay cha mẹ tắm cho con làm cho trẻ nghĩ những va chạm lên cơ thể của người khác là điều bình thường", TS Trần Thành Nam khuyên.
Có một phụ huynh từng tâm sự với chuyên gia Trần Thành Nam, trong khi ngủ chung, vì nhìn con gái đáng yêu nên hôn lên má rồi vô tình sờ tay lên ngực và mông. Khi đó người bố này có những cảm xúc khác lạ khơi gợi bản năng dù không có suy nghĩ lạm dụng tình dục.
"Người bố nói trên đã phải trải qua quá trình trị liệu tâm lý kéo dài khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, trị liệu là chưa đủ mà còn phải tránh ngủ chung cả nhà, không tắm cho con, tránh những hành động quá gần gũi", TS Nam chia sẻ.
Từng tiếp xúc với nhiều trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn) nhận thấy, có những phụ huynh không biết cách giúp con lấy lại cân bằng tâm lý.
Chuyên gia Nguyễn An Chất còn nhớ trường hợp bé gái 12 tuổi được bố mẹ đưa đến để điều trị tâm lý sau khi bị lạm dụng tình dục. Dù con đang bị chấn động tinh thần nhưng bố nổi giận lôi đình, người mẹ bế con và khóc thút thít không nói nên lời. Trước hình ảnh của bố mẹ như vậy, em bé vừa trải qua cú sốc đầu đời càng khép nép, sợ hãi.
"Tôi phải nói với bố ra ngoài, mẹ cháu ngồi bên cạnh cùng tôi kể chuyện. Sau đó, tôi và mẹ cháu bé dẫn đi mua vài thứ đồ chơi để ổn định tâm lý. Trong trường hợp này phải làm cho trẻ thấy được bản thân không hề sai hay có bất cứ khuyết điểm gì", chuyên gia Nguyễn An Chất nói.
Theo các chuyên gia, trong việc giúp trẻ bị xâm hại tình dục trở lại trạng thái tâm lý bình thường cần có vai trò của phụ huynh. "Không được để bất cứ lời nói, câu chuyện, hình ảnh nào gợi lại cho trẻ về những điều đã xảy ra. Bố mẹ không trách móc con, không nhắc lại kẻ đã gây ra sự việc hay không dẫn trẻ đến nơi có những hình ảnh trai gái ôm ấp nhau, không cho trẻ xem các phim ảnh có những đoạn gợi lại ký ức", chuyên gia Nguyễn An Chất khuyến cáo.
Không thể khoan dung
Sau nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em, có không ít ý kiến tỏ ra khoan dung với kẻ gây ra sự việc vì có thể do một phút thiếu suy nghĩ. Ông Nguyễn An Chất đánh giá, trong trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, hoàn toàn không có chỗ để khoan dung, độ lượng. Bởi những kẻ đã hành động mất nhân tính như vậy có thể vẫn "ngựa quen đường cũ", không suy nghĩ để thay đổi hành vi của mình.
"Những suy nghĩ cảm thông với kẻ gây ra sự việc có thể do không nhìn nhận được tác hại về lâu dài và trước mắt. Trước đây, mọi người thường chỉ nhìn thấy những hậu quả trước mắt như: đau đớn tinh thần, thể xác với nạn nhân, nhưng còn hậu quả về lâu dài, thậm chí cả nhiều thế hệ sau đó", nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất nhấn mạnh.
Chung quan điểm với chuyên gia trên, TS Trần Thành Nam cho rằng, xã hội luôn hướng đến sự tiến bộ, trong đó có bảo vệ những mầm non tương lai của đất nước. Nếu có ý kiến cho rằng kẻ xâm hại tình dục thiếu tìm hiểu pháp luật, suy nghĩ nông can, xét trên phương diện nào đó có thể là một cách lý giải nhưng cũng có thể chỉ là ngụy biện.
"Dù pháp luật chưa có những quy định chặt chẽ về xâm hại tình dục nhưng không có nghĩa là thông cảm được với những hành vi đó. Bởi hành vi xâm hại tình dục gây hại về thể chất, tâm lý, tinh thần", TS Trần Thành Nam chỉ rõ.
Khi có con bị xâm hại, phụ huynh cần làm gì?
TS Trần Thành Nam cho rằng: "Khi có con bị xâm hại, phụ huynh phải bình tĩnh, lắng nghe, không thể hiện sự cáu giận. Dù chưa kiểm chứng được thông tin trẻ nói là đúng hay sai nhưng phải đưa con vào môi trường an toàn hơn và có sự giám sát kỹ càng hơn và đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý nhằm đánh giá sự sang chấn. Việc phụ huynh lên tiếng, báo cáo hành vi của kẻ xâm hại cũng góp phần cho cơ quan chức năng quản lý được hành vi của đối tượng đó và bảo vệ cộng đồng".
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất nêu quan điểm: "Với bố mẹ có con bị xâm hại tình dục, điều quan trọng nhất là cần tìm lại sự ổn định về mặt tâm lý cho nạn nhân. Bất cứ tội ác nào cũng sẽ được pháp luật trừng trị cho nên thay vì tự xử lý hay gây gổ, đánh nhau...cần phải thông báo cho cơ quan chức năng".
Th.s, Bác sĩ Nguyễn Lan Hải hướng dẫn quy tắc bàn tay trong giao tiếp cha mẹ cần dạy trẻ để giúp trẻ tự bảo vệ mình.
1. Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.
2. Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.
3. Bắt tay: Khi gặp người quen.
4. Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.
5. Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Quy tắc quần lót cho con
- Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé. Bố mẹ, ông bà chỉ được phép chạm vào khi vệ sinh cho con.
- Nếu bất cứ ai chạm vào “vùng đồ lót” thì con có quyền nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì hét lên và bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.
- Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “Không”.
Anh Minh - Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất