Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao về việc dự thảo Luật Dân Số được xây dựng để thay thế Pháp lệnh Dân số có nhắc đến điều kiện phá thai. Theo phương án 1 trong dự thảo luật, với thai dưới 12 tuần cho phép phá theo nguyện vọng trừ trường hợp phá thai lựa chọn giới tính thai nhi, gây hậu quả nghiêm trọng sức khỏe phụ nữ. Với thai từ 12 tuần trở lên, chỉ được phá khi mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi, do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài, do loạn luân; do bị hiếp dâm, người chưa thành niên, người chưa kết hôn; Có bằng chứng nguy cơ đứa trẻ sinh ra có dị tật hoặc nguy cơ phát triển không bình thường.
Phương án 2, giữ nguyên như hiện nay, được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi; phá thai gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người được phá thai.
Tuy nhiên, xoay quanh các phương án này cũng có nhiều ý kiến đặt ra. Trong đó vấn đề chia ra dưới 12 tuần và trên 12 tuần tức đó được xem là dấu mốc có thể xác định được giới tính thai nhi cũng có quan điểm băn khoăn. Tuy nhiên, bác sĩ Kim Dung (Chuyên khoa Sản) cho rằng, hiện nay với các thiết bị và sự phát triển của khoa học công nghệ có thể phát hiện được giới tính thai nhi trước 12 tuần. Trước đây sau 12 tuần mới xác định được còn hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau như test nước tiểu, chọc ối, nhau thai...
Rõ ràng những điều kiện đặt ra là thiết thực giúp giảm tình trạng phá thai, tránh gây hệ lụy cho sức khỏe. Tuy nhiên, điều kiện mà quá chặt chẽ như vậy có thể là cấm thực hiện quyền chính đáng của bản thân.
Bên cạnh đó, với quy định không được phá thai trên 12 tuần tuổi vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi, GS Cử đặt câu hỏi vậy ai sẽ là người chứng minh việc này? Nếu bản thân người phá thai tự khai, có đảm bảo độ tin cậy?
Trong quy định của dự thảo Luật có nói đến việc phá thai trên 12 tuần không được tiến hành nếu lý do là do lựa chọn giới tính thai nhi. Các chuyên gia đặt ra câu hỏi, ai khẳng định được điều này. Ai đứng ra chứng nhận được rằng việc phá thai không do lựa chọn giới tính, làm sao có thể tin tưởng hoàn toàn được từ lời nói của người đang muốn phá thai.
Xác định có bị hiếp dâm cần thời gian
Mặt khác, quy định người bị hiếp dâm hay người bị loạn luân dẫn đến mang thai mới được phá thai cũng khá rắc rối. Bởi việc để xác minh rõ có phải bị hiếp dâm hay loạn luân hay không cũng cần thời gian. Trong khi đó, việc xác minh này nếu không được tiến hành kịp thời có thể khi hoàn thành thì thai nhi đã lớn và thậm chí sát ngày sinh.
Còn theo chuyên gia tâm lý Phương Lan, việc quy định cấm phá thai trên 12 tuần với những điều kiện như trên sẽ làm ảnh hưởng đến quyền của chị em trong việc có lựa chọn sinh con hay không. Mặt khác, việc điều tra, xác định và đưa ra được bằng chứng liệu họ có phải bị hiếp dâm hay không, không chỉ kéo dài thời gian mà còn làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, thậm chí tổn thương cả người phụ nữ đó. Vốn dĩ khi mang thai ngoài ý muốn đã là vấn đề xấu hổ hoặc bị những người xung quanh lên án thì họ phải đối diện với hàng loạt thủ tục thêm mệt mỏi.
"Nếu có người nào ngại ngần không tố cáo rõ ràng hoặc không chứng minh được, có thể họ sẽ tìm đến những cơ sở phá thai chui, thậm chí xảy ra những tai biến đáng tiếc chưa kể có thể nguy hiểm tính mạng", chuyên gia này nói.
Còn Luật sư Thành Nam cho rằng, vụ việc hiếp dâm là sự kiện pháp lý được điều tra bởi cơ quan chức năng, người hiếp dâm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Cơ quan Điều tra xem xét khởi tố vụ án; Viện Kiểm Sát thực hiện quyền kiểm tra giám sát, truy tố thông qua Cáo trạng; Trong quá trình điều tra đó cần thời gian và sau đó được đưa ra xét xử. Quá trình này cũng mất ít nhất 6-12 tháng, thậm chí có những vụ án còn kéo dài hơn vì phức tạp trong quá trình điều tra.
"Cho nên việc để chứng minh bị hiếp dâm rồi mới cho phá thai là điều không thể làm được và rất mất thời gian", luật sư này nói.
Thùy Dương
(Theo Congluan)
Nghệ sĩ Hồng Vân, Nhật Kim Anh cùng loạt sao đồng lòng cầu nguyện cho Phi Nhung