Người phụ nữ cần mẫn đun trà đá miễn phí và chạy xe ôm mưu sinh

Người phụ nữ cần mẫn đun trà đá miễn phí và chạy xe ôm mưu sinh

Thành Đạt 2015-08-26 07:16
- Gần 30 năm qua, tại ngã tư đường, người phụ nữ nhân hậu vẫn miệt mài mưu sinh bằng công việc thường chỉ có đàn ông mới làm được.

Gần 30 năm mưu sinh bằng nghề của đàn ông

Tại góc đường Lê Văn Sỹ - Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận, Tp.HCM, có một người phụ nữ hàng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề sửa xe máy và chạy xe ôm, đó là bà Phạm Thúy Hằng (SN 1963).

Vào năm 1978, ở cái tuổi 18 trăng tròn của người con gái, bà đi đến hôn nhân với người chồng đầu tiên. Chưa kịp nếm trải niềm hạnh phúc mới cưới, chồng bà nhập ngũ lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia.

“Lúc đó tôi đang mang thai đứa con đầu lòng, thì bất ngờ nghe tin chồng ra chiến trường. Nghe vậy, mình cũng buồn vì vợ chồng mới cưới chưa ở được với nhau bao lâu cả. Nhưng vì nhiệm vụ với đất nước tôi đành tiễn chồng lên đường…”, bà tâm sự.

Không có chồng bên cạnh, bà vượt cạn sinh đứa con gái đầu lòng. Bà vừa chăm sóc con nhỏ, vừa phụng dưỡng cha mẹ già. Bà làm đủ thứ nghề từ rửa bát, giặt mướn, phụ hồ… để có tiền lo cho gia đình.

Cũng như bao người phụ nữ khác, hàng ngày bà vẫn luôn ngóng trông tin tức từ người chồng. Thế nhưng, khi kết thúc chiến tranh, những người đồng đội của ông đã trở về, chỉ riêng ông vẫn biệt tích.

Bình trà đá miễn phí và người đàn bà gần 30 năm mưu sinh bằng nghề sửa xe máy, chạy xe ôm
Gần 30 năm qua, bà Hằng mưu sinh bằng cái nghề của đàn ông.

Năm 1982, bà quyết định gửi con lại cho bố mẹ rồi một mình lên đường sang đất bạn để tìm kiếm chồng. Những ngày tháng rong ruổi theo những chiếc xe buôn, bà đi khắp nơi trên mảnh đất Campuchia để tìm người bạn đời. Mỗi khi có thông tin ở đâu, bà lại vội tìm đến. Nhưng những lần tìm đến là những lần bà thất vọng.

Sau đó, bà nhận được thông tin chồng đã hi sinh. Đau đớn, bà khóc hàng đêm mỗi khi nhớ về ông. Nhưng nhờ đứa con và sự quan tâm của bố mẹ, bà dần vực dậy tinh thần để tiếp tục cuộc sống.

Trở thành trụ cột chính trong gia đình, nhận thấy cần phải có công việc ổn định, bà quyết định đi học nghề sửa xe máy. Năm 1989, bà bắt đầu hành nghề. “Lúc đó nhiều người cũng nói “đàn bà con gái ai lại đi sửa xe”, nhưng tôi thì thấy mọi thứ bình thường. Đó cũng một nghề mưu sinh chính đáng và không vi phạm pháp luật thì mình cứ làm thôi. Đồng thời, nghề này thời đó có thu nhập khá và có thể nuôi nổi gia đình tôi”, bà Hằng tâm sự. 

Bà cũng chia sẻ, vì nhờ cái nghề sửa xe này mà một lần nữa hạnh phúc gõ cửa trái tim của bà. Tại chỗ ngã tư nơi bà làm việc, có một cựu chiến binh chạy xe ôm. Qua những lần trò chuyện về cuộc sống, cả hai dần cảm mến nhau.

 “Ông ấy là cựu binh từ chiến trường Campuchia trở về. Cả hai làm sát chỗ nhau nên hay kể chuyện về cuộc đời cho nhau nghe. Thấy ông ấy cũng hiền lành và tốt, nên ngày ông ấy ngỏ lời muốn tôi về làm vợ để có người bầu bạn lúc về già, tôi liền đồng ý ngay”, bà Hằng nói.

Về sống với nhau một thời gian, sức khỏe của ông ngày càng yếu vì ảnh hưởng của chiến tranh. Nên từ đó, bà thay ông làm luôn nghề chạy xe ôm. Mỗi khi có khách, bà nhờ người thân trông đồ rồi lại xách xe máy chạy đi thật nhanh. Một ngày, vợ chồng bà kiếm quá lắm cũng chỉ trăm ngàn. Nhưng đối với bà, tiền không quá quan trọng mà chỉ có hạnh phúc mới là điều bà cần.

Người phụ nữ cần mẫn đun trà đá miễn phí và chạy xe ôm mưu sinh
Đối với bà, cuộc sống là phải luôn biết mỉm cười dù có gặp khó khăn.

Tấm lòng từ bình trà đá

Ngồi ngay tại ngã tư, bà thấy nhiều người lao động nghèo hàng ngày làm việc vất vả, mồ hôi nhễ nhại nhưng lại không dám bỏ tiền ra mua nước để uống. Về nhà suy nghĩ nhiều ngày và bàn bạc với chồng, bà quyết định bỏ tiền túi ra mua trà với bình làm bình trà đặt ngay ngã tư cho mọi người đến uống.

Sợ nước máy không đảm bảo vệ sinh, cứ đến tối bà lại đun nước để nguội, đến sáng mang ra làm trà đá. “Trước kia có một lần tôi đi công chuyện, nhưng vì hết tiền nên không có tiền mua nước uống và được mọi người giúp đỡ. Biết được cảm giác không có tiền lại khát nước, nên tôi quyết định làm bình trà đá đặt ngay góc đường", bà tâm sự.

Cảm phục trước tấm lòng của bà, nhiều người dân sống ở khu vực góp tiền mua bình inox để có thể giúp bình trà đá được giữ lạnh lâu hơn. Cứ thế, hàng ngày người phụ nữ làm nghề sửa xe máy lo thêm việc chuẩn bị bình trà đá.

Anh Lê Minh Quân (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chia sẻ: “Tôi hay có công việc đi qua đây, mỗi khi khát nước tôi lại ghé đến uống vài ly rồi đi. Trà đá ở đây rất thơm, nhờ những bình trà đá như thế này mà những người lao động như chúng tôi cảm thấy đỡ mệt nhọc hơn. 

Thành Đạt

(Theo Congluan)

 

 

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Lúc mới yêu

Đọc nhiều nhất