Tâm sự của những cụ già mưu sinh nơi thành phố
Tin liên quan
Mưu sinh ngày lẫn đêm
Tại căn nhà nhỏ số 24/22A, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Cầu Kho, quận 1, Tp.HCM. Cứ sáng sớm, các cụ già lại nhộn nhịp tất bật chuẩn bị hành trang mang theo cho một ngày mưu sinh nặng nhọc.
7h sáng, từng cụ già dìu dắt nhau ra khỏi căn nhà. Mỗi người lại tỏa ra một hướng, từng bước chân chậm chạp trên những nẻo đường mưu sinh. Theo chân các cụ, chúng tôi ghi nhận lại được một ngày thấm đẫm mồ hôi với bao nỗi vất vả trong cái nắng của Sài thành.
Ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, bà Sen (60 tuổi, quê Phú Yên) cho biết, cuộc sống ở quê gặp nhiều khó khăn, làm ruộng không đủ ăn. Bên cạnh đó, tuổi già nên bà hay thường xuyên đau ốm và phải nuôi 3 đứa cháu nhỏ. Chính vì vậy, bà bỏ tất cả ở quê để vào thành phố mưu sinh bằng những tấm vé số và hàng tháng gửi tiền cho cháu ăn học.
Cũng bỏ quê ra đi để tìm kế sinh nhai, ông Thu (SN 1939) tâm sự, ông vào Tp.HCM làm nghề bán vé số đã hơn 4 năm. Những ngày đầu tiên vào kiếm kế sinh nhai, ông gặp nhiều khó khăn khi mà lạ đường lạ nước. Mỗi ngày ông phải dậy thật sớm và bắt đầu đi bán từ lúc 5h sáng cho đến 20h tối mới về nhà.
Lao động vất vả là thế, nhưng mỗi ngày các cụ cũng chỉ kiếm được 100.000 đến 120.000 nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi, hàng tháng các cụ đều phải chắt bóp để gửi tiền về quê để lo cho chồng, cho cháu.
“Hôm nào trời nắng thì có bán được, chứ trời mà mưa như là ngày đó không có đồng nào. Chưa kể, đôi khi đi bán còn bị giật vé số và bị lừa đổi vé số giả”, ông Thu chia sẻ.
Chia sẻ từng tí một
12h trưa, khi cái nắng của Tp.HCM trở nên gay gắt, những cụ già có sức khỏe yếu sau nửa ngày mưu sinh lại trở về căn nhà nhỏ. Tại đây, ông Ngô Văn Tiến (SN 1964, quê Phú Yên) người dẫn dắt những cụ già cùng quê vào thành phố mưu sinh cho biết, lúc trước ông làm nghề thợ hồ, nhưng sau một lần về quê thấy hoàn cảnh của bà con gặp quá nhiều khó khăn và bất hạnh, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng để sống qua ngày. Lúc này, ông liền ngỏ lời bỏ tiền ra ứng vé số để cho những cùng quê đi bán.
Thấy vậy, nhiều người liền đồng ý và theo ông vào thành phố mưu sinh. Từ đó, nhiều người tha hương khác cũng tìm đến ông để nhờ giúp đỡ. “Thấy bà con ở quê khổ quá, làm quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn. Nên tôi quyết định bỏ tiền ra ứng vé số về cho mọi người đi bán, rồi sau khi bán xong mọi người trả tiền gốc lại cho tôi, còn tiền lãi thì giữ lại gửi về quê”, ông Tiến chia sẻ.
Trong căn nhà nhỏ với diện tích chỉ 25m2, 22 cụ già cùng sinh sống bên nhau và tất cả các cụ đều quê ở Phú Yên.
Ông Tiến kể lại: “Lúc ban đầu ít người, nhưng càng về sau mọi người kéo đến ở càng đông. Lúc cao điểm có tới 38 người ở chung trong một nhà. Đến nay, tôi đã chuyển chỗ ở gần 10 lần mới có thể đáp ứng cho ngần ấy số người”.
Qua lời kể của ông Tiến, hàng ngày sau một buổi đi bán, những cụ già lại quay về nhà trọ để nghỉ ngơi và ăn cơm trưa. Còn những cụ nào đi bán xa thì đành phải ăn ở ngoài.
Chị Đào Thị Lê (vợ ông Tiến) tâm sự: “Mỗi ngày các cụ đưa cho tôi 10.000 nghìn đồng để đi chợ và nấu nướng. Sau khi ăn cơm trưa và nghỉ ngơi, đến chiều các cụ ăn thêm một bữa nữa rồi đi bán đến tối mới về”.
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ấy, các cụ già ngồi quây quần bên nhau và kể từng câu chuyện cuộc sống mà mình gặp phải trên đường mưu sinh. Từng nụ cười, ánh mắt dành cho nhau chan hòa để vơi đi những nỗi nhọc nhằn.
“Ở đây, mọi người chia sẻ với nhau từng tí một, lúc đau ốm đều thay nhau chăm sóc. Lúc nào về quê mà không có tiền thì mọi người góp lại cho mượn. Vì là người cùng quê và biết hoàn cảnh của nhau, nên mọi luôn thông cảm, đùm bọc để sống”, ông Nguyễn Khói (76 tuổi) tâm sự.
Thành Đạt
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất