Hậu quả bắt cóc trẻ em: "Hoảng loạn khiến trẻ mất niềm tin lâu dài"
2014-12-27 09:59
- Bắt cóc trẻ em là vi phạm đạo đức, vi phạm tính nhân văn, nhân bản của con người. Đồng thời ghi dấu trong tiềm thức những đứa trẻ sự mất niềm tin vào con người.
Tin liên quan
Ngày 13/12/2014, người dân xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) không khỏi bàng hoàng trước thông tin, bé Hằng (3 tuổi) bị bắt cóc khi đang chơi tại nhà văn hóa thôn Hữu Trung (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội).
Sau một ngày bị bắt cóc, bố mẹ bé Hồng nhận được thư đe dọa từ phía đối tượng với nội dung: "Ông bà muốn biết thông tin của cháu bé thì hãy gọi vào số điện thoại 0168xxx. Tuyệt đối không được nói cho ai biết, nếu không sẽ bất lợi..."
Theo đó, đối tượng đã tống tiền bố mẹ nạn nhân 30 triệu đồng. Song hành vi đó chưa thực hiện được, đối tượng bị bắt. Cơ quan công an xác định được nghi can là Vũ Thị Thuý Liễu (44 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội). Tại cơ quan điều tra, Liễu khai do khó khăn về kinh tế đã rắp tâm bắt cóc trẻ em để tống tiền.
Phụ huynh đồng bằng, vùng ven Hà Nội còn chủ quan
Trao đổi với chúng tôi về hành vi của Vũ Thị Thúy Liễu, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay: “Không biết Liễu túng quẫn tới mức nào nhưng hành vi bắt cóc trẻ con để tống tiền trả nợ thể hiện sự “tăm tối” trong suy nghĩ”.
PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).
PGS Đức cũng cho biết, hành vi bắt cóc trẻ con có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, với mọi lứa tuổi. Đó có thể là sự tính toán từ trước hoặc những trò bộc phát, manh động. Nếu là tính toán trước bao giờ cũng có sự biểu hiện về mặt tâm lý hoặc tâm thế, có thể là một ánh mắt hoặc một biểu hiện khác trên gương mặt.
Với những đối tượng bộc phát là khi họ thấy hoàn cảnh quá dễ để thực hiện hành vi bắt cóc ấy như thấy đứa trẻ chơi một mình và không ai quan tâm. “Như thế có thể nảy sinh thói xấu. Đó cũng là những vấn đề tâm lý bộc phát nên khó có thể phát hiện ra được” – PGS. TS Lê Quý Đức khẳng định.
Tuy nhiên, theo phân tích của PGS. TS Đức, ở đây có trường hợp do chủ quan của phụ huynh, lơ là kiểm soát hoặc dạy cho con các kỹ năng nhận biết kẻ xấu. “Ở Việt Nam, tình trạng bắt cóc trẻ em thỉnh thoảng xảy ra nhưng dường như nhiều phụ huynh chưa ý thức về điều này. Thêm vào đó, ở những vùng quê, chuyện bắt cóc trẻ em không thường xuyên nên người lớn không để ý. Chỉ ở những vùng núi, vùng biên xảy ra nhiều hơn tình trạng bắt cóc trẻ em để bán, thậm chí lừa trẻ em hoặc có đối tượng trắng trợn xông vào nhà bắt trẻ em… Chính vì thế, ở vùng đồng bằng hay ngoại thành Hà Nội, các bậc phụ huynh thường chủ quan”.
Ký ức bắt cóc khiến trẻ nghi ngờ mọi thứ
Đứng trước thực trạng mà một số kẻ liều lĩnh đang làm, PGS. TS Lê Quý Đức cho rằng: “Đây là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh. Ở Việt Nam chuyện bắt cóc trẻ em diễn ra cách đây khoảng 5 - 7 năm với tần suất ít. Hiện nay, vì những khó khăn, vì sự thiếu ý thức, đạo đức, pháp luật, ảnh hưởng của lối sống bên ngoài… chuyện bắt cóc trẻ em bắt đầu có tính chất phổ biến và báo động. Chính vì vậy các bậc phụ huynh cần ý thức hơn điều này”.
"Mẹ mìn" Liễu khi bị công an bắt giữ .
PGS - TS Lê Quý Đức cũng đưa ra lời khuyên: “Với đứa trẻ còn nhỏ như bé Hằng (3 tuổi – PV) cũng rất khó để giáo dục được cho bé biết tự phòng vệ và phản ứng trước đối tượng lạ. Việc giáo dục cho trẻ khi thấy người lạ không đi theo; rủ rê cho bánh, cho quà không nhận… điều ấy chỉ có thể áp dụng với trẻ từ 4 tuổi trở lên. Thay vào đó, bố mẹ phải luôn để mắt tới con, khi con tới trường phải được cô giáo chăm sóc chu đáo”.
Hơn nữa, với những trẻ đã nhận thức được, bố mẹ phải dạy cho con kĩ năng sống để ứng phó trước những tình huống trẻ bị kẻ lạ mặt rủ rê khi các bậc phụ huynh không có ở đó.
“Kẻ bắt cóc trước hết là vi phạm pháp luật. Mà kẻ phạm pháp cơ bản là những người vi phạm đạo đức. Ở đây còn vấn đề ảnh hưởng tâm lý các em. Có những kẻ dùng vũ khí để khống chế trẻ. Điều đó sẽ gây hoảng loạn cho trẻ đồng thời gieo rắc sự hoài nghi giữa con người với con người. Hậu quả của những vụ bắt cóc ấy sẽ hằn sâu trong kí ức, đeo đẳng trẻ cả một đời người. Chính vì thế, xã hội này cần có những bác sĩ tâm lý để giải tỏa những tâm lý ấy cho trẻ em” – PGS. TS Lê Quý Đức nói.
Ông cũng nhấn mạnh: “Bắt cóc trẻ em rõ ràng là vi phạm đạo đức, vi phạm tính nhân văn, nhân bản của con người. Bởi lẽ, trẻ con bao giờ cũng tin vào người lớn. Các bé tin các bé mới theo. Còn khi chúng hiểu ra sẽ ghi dấu trong tiềm thức những đứa trẻ sự mất niềm tin vào con người”.
Thủy Nguyên
(Theo congluan.vn)
(Theo congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
test