Cuộc sống riêng không mấy ai biết của bà chủ quán 'bún chửi'

Cuộc sống riêng không mấy ai biết của bà chủ quán 'bún chửi'

2016-10-10 09:36
- Chủ quán "bún chửi" ở Hà Nội có những trải lòng về công việc của mình và hoàn cảnh gia đình không phải ai cũng biết được.

Cuộc sống đằng sau quán bún

Sau khi lên sóng truyền hình CNN, bà chủ quán "bún chửi" đột nhiên nổi tiếng toàn quốc. Nhiều người cười ruồi về việc này, còn bà Thảo - chủ nhân- thì buồn. Quán bún của bà Thảo mở từ năm 1984. Ngót nghét 30 năm qua cũng là quãng thời gian bà chẳng biết đến giấc ngủ trưa. Công việc luôn tay luôn chân từ 6 giờ sáng đến tận 18-19 giờ tối. Thậm chí có những hôm bà chẳng có thời gian để ăn sáng, ăn trưa.

"Từ ngày lên sóng truyền hình thế giới, quán của tôi đông khách hẳn. Tôi ước tính lượng khách phải tăng gấp đôi. Hồi mới mở quán chỉ bán số lượng ít và bắt đầu đông khách từ 10 năm trở lại đây", bà Thảo chia sẻ.

Câu chuyện của chúng tôi với bà Thảo liên tục bị ngắt quãng khi khách nườm nượp vào ăn. Trong khi bà Thảo thoăn thoắt chặt sườn, cắt lưỡi lợn để cho vào bát thì những người hỗ trợ cũng bận rộn không kém. Làm cùng với bà là con dâu, con trai, con gái... bà Thảo tự hào gọi đó là "công ty gia đình".

Chủ quán 'bún chửi' ở Hà Nội: 'Nghề này như làm dâu trăm họ'

Có thể nhiều người chỉ biết đến món bún của quán nhưng đằng sau gánh hàng là một cuộc đời, số phận. Bà Thảo cho hay, có một thời sinh kế của gia đình bà chỉ trông vào quán bún.

"Cuộc đời của tôi là những ngày vất vả. Tôi có 3 người con nhưng một đứa con trai đã mất hồi năm 2000. Chồng tôi ốm đau hơn 10 năm cũng do tôi chăm sóc. Tôi gần như là người buông dầm cầm chèo vừa bán bún vừa lo cho cả nhà", bà Thảo phân trần.

Bà Thảo cũng cho rằng, có thể do cuộc đời lắm vất vả, truân chuyên nên đôi khi khó tính hơn những người khác. Làm nghề bán hàng có lúc vất vả, mệt mỏi nhưng bà vẫn cố gắng gượng dậy vì cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Tôi không bao giờ muốn nói những lời khó nghe

Bà Thảo trải lòng, bản thân bà cũng không biết quán của mình được gọi là quán bún chửi từ lúc nào. Và từ khi nghe được tên gọi đó, bản thân bà nghĩ nên "bỏ ngoài tai". Bởi bà cho rằng, công việc chính của mình là phục vụ các "thượng đế".

Chủ quán 'bún chửi' ở Hà Nội: 'Nghề này như làm dâu trăm họ'

Bà Thảo cho biết, nghề bán hàng như làm dâu trăm họ có những vị khách rất quá quắt.

Nói về những lời đồn thổi bà mắng chửi khách, bà Thảo phân trần: "Tôi không bao giờ mắng chửi khách, chỉ là những lời nói đối đáp lại. Nhiều người không hiểu nên cho đó là mắng chửi. Khách bỏ tiền ra để ăn sao tôi dám mắng chửi. Tôi không bao giờ dùng các từ thô tục để chửi bới khách hàng".

Cũng theo bà Thảo, bán hàng ăn thì chất lượng món ăn là quan trọng nhất. Nếu như chủ hàng "nịnh bợ" khách nhưng chất lượng không đảm bảo thì khách cũng không bao giờ quay lại.

Vừa làm bà vừa chỉ vào bát bún mà khách bắt buộc chần 5 lần, bà Thảo cũng thừa nhận "có nhiều vị khách rất khó tính và đòi hỏi oái oăm". Buôn bán nhỏ nhưng bà Thảo nhận thấy công việc này không khác gì "làm dâu trăm họ".

"Khách đến quán có người nhiều chữ, có người ít chữ, có người vô học, có người nghĩ họ bỏ tiền ra nên đòi hỏi đủ thứ. Ví dụ như tăm để ở bàn không lấy bắt phục vụ tận nơi hay kênh kiệu với người bán vì nghĩ mình có tiền... cho nên có lúc tôi bực mình là vì như vậy. Chỉ với những người như vậy, tôi mới đối đáp lại bằng những lời suồng sã", bà Thảo chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, trong số các thực khách, có người bà Thảo nhớ tên và cả khẩu vị của họ. "Có người ăn ở đây gần 20 năm, tôi biết họ không thích ăn móng chân giò, hay có người phải chần bún nhiều lần, có người chỉ thích ăn bún lưỡi, mọc không hành", bà Thảo cho hay.

quán bún chửi

Bà Thảo cho rằng bản thân luôn đề cao cái tâm trong từng bát bún cho khách hàng.

Trước đây bà Thảo từng biết đến những chuyện tranh cãi xoanh quanh cách phục vụ không giống ai của quán. Tuy nhiên, bà Thảo quan niệm, thiên hạ có thể bàn tán nhưng bản thân luôn đề cao cái tâm của người bán hàng.

"Tôi là người bán hàng kiếm tiền không bao giờ muốn nói những lời khó nghe. Từ lúc mới mở quán, tôi luôn lắng nghe khách hàng. Có những ý kiến đóng góp khiến tôi trăn trở hàng đêm làm sao nước dùng, đồ ăn phải ngon hơn. Trải qua thời gian, chính tôi phải tự suy nghĩ, sáng tạo chứ không ai truyền lại bí quyết nào để làm từng bát bún cả", bà Thảo nói.

"Nhiều khi tôi cũng tự nghĩ có thể do cuộc đời tôi thế nên tạo tính cách cho bản thân. Nhưng nói thật giờ tôi cũng kiềm chế hơn, cố gắng kiềm chế để phục vụ khách. Tôi ngoài 60 tuổi rồi, còn phải làm gương cho con cháu học tập chứ", bà Thảo bày tỏ. 

Là người từng ăn ở quán của bà Thảo từ khi mới 10 tuổi, chị Giang (30 tuổi, Hà Nội) cho hay: "Tôi ăn chừng đó năm nhưng chủ quán chưa bao giờ chửi mắng gì. Tất nhiên có những lúc mệt mỏi, không phải ai cũng vui vẻ được nên phải biết thông cảm. Tốt nhất là gọi đồ nhanh chóng, rõ ràng, không yêu cầu những cái mà quán không có".

Còn ông Tuấn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến đây ăn lần đầu sau khi xem phóng sự về quán bún trên CNN bày tỏ: "Tôi đợi mãi mà không thấy bà chủ chửi gì. Tôi đến ăn vì tò mò nhưng chắc chắn sẽ quay lại. Chuyện thiên hạ đồn thổi thì tôi không biết nhưng đến đây không thấy như vậy".

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hố không đáy trên thế giới - Cánh cổng địa ngục hay dấu hiệu tận thế

Đọc nhiều nhất