Con cái giàu có vẫn muốn vào viện dưỡng lão
Tin liên quan
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, không ít người già khá giả đã tìm đến viện dưỡng lão để sống... an nhàn, vui vẻ.
Giàu có nhưng cô đơn
Ấn tượng nhất với chúng tôi là cụ X. (73 tuổi, đến từ TP.HCM). Cụ đã vượt quãng đường gần 2.000km để đến sống tại trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái ở Hà Nội. Cụ X. có 2 con đã lập gia đình, kinh tế khá giả nhưng đều ở nước ngoài. Hơn 10 năm nay kể từ khi chồng mất, cụ sống một mình hoàn toàn. Mỗi đêm cụ bỏ 20.000 đồng thuê người ngủ cùng cho có bầu có bạn, giúp con cái ở xa yên tâm.
"Các con tôi có nhà ở Hà Nội nên bàn bạc với tôi đến sống ở trung tâm nuôi dưỡng người già ở Thủ đô để tiện thăm nom mỗi khi từ nước ngoài trở về. Tôi suy nghĩ, đắn đo trong nhiều tuần rồi chấp nhận. Quả thực khi vào đây sống, tôi thấy khỏe hơn, có bạn bè cùng tuổi già để tâm sự, chia sẻ, có người thăm nom sức khỏe, lo từng bữa ăn giấc ngủ...Tôi đã sống được 7 tháng ở trung tâm rồi", cụ X. nói
Lại có trường hợp cả cụ ông lẫn cụ bà cùng vào trại dưỡng lão, dù con cái giàu có đề huề. Vợ chồng cụ T. (Hà Nội) đã sống ở trung tâm nuôi dưỡng người già hơn 5 tháng. Hai con của ông bà hiện đang sống ở nước ngoài, điều kiện kinh tế khá giả. Việc thuê osin hàng tháng không quá khó khăn nhưng nhận thấy một người không thể chăm sóc cùng một lúc cho hai ông bà đã ngoài 70 tuổi nên ông bà quyết định vào sống ở trung tâm.
"Tôi bị thoái hóa cột sống, bà nhà tôi bị đau khớp chân nên osin chăm sóc không xuể. Tôi nghĩ việc vào sống ở trung tâm dưỡng lão là lựa chọn nên làm bởi như vậy con cái yên tâm làm việc. Xã hội bây giờ suy nghĩ cũng thoáng hơn trước, các con vẫn quan tâm và về thăm chúng tôi chứ chẳng ai ruồng rẫy bố mẹ cả", cụ T. chia sẻ.
Bị ôsin đánh đập, bạo hành
Chi bạc triệu thuê giúp việc nhưng không phải mọi thứ đều như ý muốn. Cụ H. (Hà Nội) được đưa đến trung tâm nuôi dưỡng người già trong tình trạng hoảng loạn, cơ thể có nhiều vết bầm tím. Theo lời nhân viên trung tâm, các con của cụ bận rộn công việc kinh doanh, làm ăn nên góp tiền thuê giúp việc chăm sóc mẹ.
Thế nhưng, cụ H. phải trải qua những ngày tháng khổ sở khi bị giúp việc cấu véo lên da thịt, mắng nhiếc không thương tiếc. Các con của cụ mải mê công việc về sau mới phát hiện ra sự việc và quyết định đưa mẹ vào trung tâm nuôi dưỡng người già.
"Sau khi vào trung tâm, cụ đã bớt hoảng loạn nhờ được quan tâm, động viên và chia sẻ về tâm lý. Cụ bảo muốn sống ở đây chứ không muốn về nhà với giúp việc. Các con của cụ vẫn đến thăm nom thường xuyên, mua các thứ cần thiết cho mẹ", nhân viên chăm sóc cho biết.
Có 3 con đã xây dựng gia đình, cụ P. (Hoàng Mai, Hà Nội, hiện đang sống tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng) sống một mình trong căn hộ chung cư nhỏ. Hàng tháng, đồng lương ít ỏi được tích góp để thuê giúp việc chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa. Sau khi 2 osin đã sống cùng gần 10 năm trời về quê lo chuyện gia đình, cụ P. tìm thêm nhiều người nhưng đều không được như ý muốn.
"Nhưng hôm vừa rồi có cụ bà hàng xóm bị trúng gió dẫn đến tử vong, mấy ngày sau mọi người mới biết. Tôi lo quá nên đi tìm trung tâm nuôi dưỡng người già. Ở đây có thể không như ở nhà nhưng mà có người qua lại thường xuyên, có vấn đề gì cũng không phải lo", cụ P. chia sẻ.
Già hóa dân số - Gánh nặng xã hội
Tại buổi công bố Báo cáo Tình hình Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 tổ chức ngày 19/7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Số dân từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam hiện nay là 6,5 triệu người nhưng sẽ tăng gấp 3 lần, đạt 18,4 triệu người vào 2040.
Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Điều này sẽ tác động đến cân bằng bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí. Có một thực tế là nhiều người già đặc biệt ở nông thôn không có lương, sống phụ thuộc vào con cái hoặc tự kiếm sống hàng ngày, đây cũng là thách thức cho tăng trưởng kinh tế, dịch vụ an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở.
Độ tuổi trung bình của người Việt Nam hiện nay là 74,3 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ sống khỏe mạnh vẫn thấp, số năm đau ốm trung bình của một người Việt Nam là 7,3 năm (khoảng 11% tổng số tuổi thọ), 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, chỉ 30% người cao tuổi có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước. 18% người cao tuổi là hộ nghèo, 10% sống trong nhà tạm.
Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình đánh giá, cùng với sự phát triển của xã hội, việc hình thành các trung tâm nuôi dưỡng người già, viện dưỡng lão hay các mô hình tương tự là xu hướng tất yếu.
"Nếu không đón đầu có thể đối diện với việc thiếu hoạt động an sinh xã hội thậm chí người già trở thành gánh nặng cho xã hội", ông Trịnh Hòa Bình cho hay.
Anh Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất