Chuyện nữ biệt động Sài Gòn: Hạnh phúc giản dị giữa đời thường
Tin liên quan
Với những đòn tra tấn bạo tàn của quân địch mà chúng tôi đã kể trong bài viết trước,bà Mai - một nữ biệt động Sài Gòn đã vượt qua tất cả bằng tất cả tinh thần quả cảm. Cuộc đời đã đưa đến cho bà tình yêu đẹp và người chồng hết mực thương vợ.
Giờ đây bà có một tổ ấm hạnh phúc, một người chồng luôn yêu thương bà. Hàng ngày bà vẫn bán bánh rò và xôi đường vừa kiếm thêm thu nhập đồng thời công việc này cũng đem lại cho ông bà niềm vui lúc tuổi già
Nhắc đến chồng, ánh mắt bà ấm áp và rồi chuyện tình của bà đã hiện ra rõ mồn một qua những lời kể tràn đầy yêu thương.
Mai là nữ biệt động nên phải làm tất cả mọi việc trong đó có việc thường xuyên dẫn tân binh vào khu căn cứ. Trong đoàn tân binh đó, có anh Mười Kiều, nói tiếng Quảng Nam. Tình đồng hương cộng hưởng với tình thương yêu đồng đội đồng chí, tình cảm giữa hai người nảy sinh lúc nào cũng không biết, chỉ biết thấy nhớ và thương nhau.
Lúc Mai trở vào thành phố, dù chưa nói câu nào thể hiện lòng mình khi chia tay nhưng hai ánh mắt đong đầy yêu thương. Những chuyến giao liên ra vào căn cứ là dịp họ gặp nhau. Một lần Mười Kiều lấy hết can đảm mà cũng chỉ ngập ngừng tỏ tình bằng những câu cộc lốc.
Bà Mai bảo, bày tỏ tình cảm trong thời chiến là vậy đó. Chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng tràn đầy hạnh phúc. Rồi một chuyến Mai vào thành mãi không thấy trở lại căn cứ. Đơn vị lo lắng đoán Mai bị bắt trong đó, ông Mười Kiều lo lắng hơn cả, anh đứng ngồi không yên, không dám hỏi ai, chỉ thấp thỏm chờ mong và mang theo nỗi hi vọng.
Ba tháng sau, bà Mai trở về, thấy bà gầy đi nhiều mà Kiều thấy xót xa. Lúc này mới biết rõ là bà Mai bị bắt. Tình yêu của Kiều càng thiết tha hơn khi Mai vừa phải trải qua một đợt sóng gió tra tấn trên cơ thể. Mai tâm sự với ông Kiều về những đòn tra tấn ba năm trước. Mai sợ rằng mình sẽ không thể sinh con được nữa. Nghe vậy, ông Kiều càng thương và muốn chăm sóc Mai suốt đời.
Đã thấy không thể sống thiếu nhau được và tình yêu đã đến lúc biểu hiện thành sức mạnh, Mười Kiều đã mạnh dạn báo cáo chuyện của hai người với tổ chức và được mọi người trong đơn vị chúc phúc.
Trong một lần làm công tác giao liên, bà Mai lại bị bắt nhưng với sự tỉnh táo, khôn ngoan, Mai chỉ bị ở tù. Ra tù, một chân bà Mai vết bỏng vẫn còn nước vàng lẫn mủ bởi thiếu thuốc men. Bà dùng chiếc nạng tự tìm đường về căn cứ. Thấy Mai như thế, không còn ngượng ngùng Mười Kiều tranh thủ lúc xong công việc tới chăm sóc cho Mai từng chút, anh muốn chia sẻ những nỗi đau mà chị đã phải chịu đựng bấy lâu nay.
Chứng kiến cảnh tượng đó, Thủ trưởng đơn vị quyết định tổ chức đám cưới cho anh chị sau những gì mà Mai – người đồng chí kiên trung bất khuất đã phải trải qua. Cả đơn vị ai cũng mừng cho anh chị. Mọi người đi xa kiếm đường thốt nốt về làm đám cưới. Bà Mai nhớ lại, cưới ở chiến khu chỉ có nồi chè đường thốt nốt là đặc biệt nhất, thế mà ai cũng vui.
Là phụ nữ, ai cũng mong muốn được làm mẹ nhưng với Mai chỉ là niềm mơ ước vì những đòn tra tấn hiểm ác của kẻ thù. Thế nhưng, điều kì diệu đã xảy ra, Mai có bầu trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Có lẽ đây là niềm vui lớn nhất, là phần thưởng mà trời đã thương và ban cho đời chị. Nhiều người vẫn không tin là chị có thể mang thai sau khi bị tra tấn như vậy.
Năm 1974, tình hình chuyển sang thời kỳ mới, ta phản công mạnh mẽ, chiến sự ngày càng ác liệt. Lúc đó, Mai đã có bầu 7 tháng mà vẫn chưa rõ bụng lắm. Bà nấu ăn nhưng không dám ăn no, lúc nào cũng nhường cho mọi người. Trong một lần trèo cây hái lá nấu canh, cành cây giòn Mai bị ngã. Tưởng nguy to nhưng may sao không việc gì nhưng đêm sau đó, Mai chuyển dạ, đứa con trai thiếu tháng, thiếu dinh dưỡng chỉ được 1,7 kg.
Cả đơn vị ai cũng mừng cho đứa trẻ ra đời từ người mẹ đặc biệt và trong hoàn cảnh đặc biệt. Chị em trong cơ quan dành dụm từng vốc gạo, bớt từng miếng ăn, góp gạo để Mai ăn cho có sữa. Nhưng bà Mai không có giọt sữa nào vì người chị chứa toàn kháng sinh cao liều và thân thể toàn vết thương. Thế mà, nhờ tình yêu của mọi người đứa trẻ vẫn lớn khôn.
Và không thể ngờ, năm sau Mai lại mang bầu và sinh một bé trai nữa. Sau khi hòa bình lập lại, chị nhận công việc huấn luyện tân binh, kinh nghiệm tác chiến trong Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố. Mấy năm trời làm công tác huấn luyện cho tân binh và một số xí nghiệp công ty của nhà nước. Với những gì đã cống hiến, chị được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cùng rất nhiều huân chương huy chương khác, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Sau giải phóng, bà vừa làm việc nhà, vừa tham gia vào công tác hội trong phường. Vốn năng nổ nên ai cũng quý mến. Sau khi làm đủ nghề, bà tìm tới nghề làm bánh rò của cha ông. Bánh của bà Mai làm ngon có tiếng, lại rẻ nên nhiều nơi đặt, gói suốt đêm, suốt ngày mà vẫn bán không hết. Nhờ vậy, bà đã nuôi hai con ăn học nên người và có công việc ổn định.
Dù vết thương hồi chiến tranh hành hạ, bệnh đau đầu luôn khiến cơ thể bà mệt mỏi nhưng người phụ nữ quả cảm này vẫn cố gắng vượt qua, làm ngày, làm đêm vì cuộc sống gia đình.
Sau bao nhiêu đau thương, gian khổ, giờ đây bà Mai đã được cuộc đời đến đáp. Dù hay bị đau vì vết thương thời chiến nhưng bên bà luôn có một người chồng hiểu và chăm sóc. Tới thăm gia đình bà, thấy cảnh ông bà chăm sóc cho nhau thật cảm động. Ông lấy thuốc và nấu ăn giúp bà mỗi khi bà mệt, mấy đứa cháu quấn quýt nghe bà kể chuyện. Bà cười bảo: "Hạnh phúc chỉ cần vậy thôi con".
Anh Thư
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất