Cha mẹ hoảng hồn vì con như “cụ non”
Tin liên quan
Tìm lại sự… hồn nhiên cho con
Sinh ra những đứa con khôn ngoan, lanh lợi, cha mẹ nào chẳng vui mừng. Đó là lý do, ngay từ khi mang bầu, nhiều mẹ đã bổ sung các loại dinh dưỡng, vi chất, sữa… để con được khỏe mạnh, thông minh. Rồi khi đứa trẻ chào đời, các bậc bố mẹ lại tất bật nghiền ngẫm các phương pháp để tăng chỉ số IQ cho con.
Khi thấy con mình khôn ngoan, dạn dĩ, suy nghĩ người lớn hơn bạn bè cùng trang lứa, cha mẹ thường rất vui mừng, tự hào. Nhiều phụ huynh còn khen ngợi, cổ vũ con mà không nhận ra rằng, ngay trong cái sự dạn dĩ, khôn ngoan như người lớn ấy của bé lại ẩn chứa nguy cơ: bé đang bị già trước tuổi.
Chị Thanh Hương (quận 9, Tp.HCM) chia sẻ, chị đang rất đau đầu trong hành trình “tìm lại sự hồn nhiên” cho cô con gái 9 tuổi của mình. Theo lời chị kể, từng có thời gian vợ chồng chị rất tự hào về cô con gái hoạt bát, mau mồm mau miệng và có năng khiếu nghệ thuật. Thế nhưng dần dần, vợ chồng chị nhận ra rất nhiều điểm bất ổn, lệch lạc và không đúng lứa tuổi trong suy nghĩ, cách hành xử của con.
“Dạo trước, con bé nhà tôi chẳng đi học một lớp năng khiếu nhảy múa nào, chỉ nhìn các ca sỹ nhảy nhót trên ti vi thế mà cháu bắt chước nhảy giống hệt luôn. Thấy vậy vợ chồng tôi mừng lắm, vì nghĩ là bé có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh. Chúng tôi còn quay lại clip cho con xem, rồi khoe clip ấy với những người thân để chứng minh con mình giỏi. Thế nhưng đến khi con bé chê các bạn cùng lớp là: “Các bạn toàn múa hát những bài trẻ con, chẳng ai nhảy múa hoành tráng được như con” thì tôi chột dạ và bắt đầu lo lắng”, chị Hương kể.
Từ đó, chị để ý đến con nhiều hơn thì thấy, bé ngày càng thích xem những clip nhảy nhót của mấy cô ca sỹ Hàn Quốc ăn mặc hở chỗ nọ, trống chỗ kia, người ngợm thì uốn éo, khêu gợi. Chị chuyển kênh sang những chương trình hoạt hình, thiếu nhi phù hợp với tầm tuổi của bé thì bé phụng phịu, hờn dỗi không chịu xem. Lúc mẹ đưa đi mua quần áo thì bé cũng chỉ dán mắt vào mấy chiếc áo hai dây, váy ngắn…
Chị Hương còn sốc hơn khi một lần chở con theo cùng để đi mua mỹ phẩm, bé nằng nặc đòi chị phải mua son, phấn để bé trang điểm xinh đẹp giống những cô ca sỹ trên ti vi. Sau lần ấy, chị bàn với chồng là phải thay đổi cách nuôi dạy con vì nhận ra cô con gái rượu của mình đang “già trước tuổi”.
“Thế nhưng hành trình “tìm lại sự hồn nhiên” cho con tôi cũng không dễ dàng. Vì quen được cưng chiều nên khi bố mẹ không đáp ứng mong muốn là bé giận dỗi, bỏ bữa… Tôi thấy mình đáng trách quá, lẽ ra phải sớm nhận ra điều này và thay đổi cách thức giáo dục bé”, chị Hương tâm sự.
Cậu con trai 12 tuổi của anh Thành Nam (quận 3, Tp.HCM) thì lại có suy nghĩ già dặn hơn tuổi ở cái khoản rất chăm chỉ kiếm tiền. Đáng lẽ ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, bé sẽ thích vui chơi theo sở thích, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhưng đằng này, con trai anh lúc nào cũng chăm chăm đọc sách, “bày mưu tính kế” để kiếm được tiền.
Mưu kế kiếm tiền của con anh cũng đủ loại, từ chuyện giải bài tập thuê cho bạn, cho mượn đồ dùng học tập có… tính phí, cho đến việc bán đồ ăn vặt… “Thằng bé chê bai những đứa bạn cùng tuổi là trẻ con và chẳng chơi thân với ai cả. Con tôi ngày càng lầm lì ít nói, ít chia sẻ, chuyện trò với mọi người và thường tách mình ra khỏi các hoạt động tập thể. Suy nghĩ trưởng thành quá mức của thằng bé cũng khiến tôi không ít lần giật mình. Như có lần trường tổ chức một buổi học ngoại khóa không bắt buộc, tôi rất muốn đăng ký cho con tham gia, nhưng thằng bé gạt đi và bảo: “Đi làm gì cho tốn thời gian, con thấy ở nhà nghĩ cách kiếm tiền thú vị hơn”. Nếu như các bậc phụ huynh khác thường đau đầu vì con cái họ bỏ bê chuyện học tập, “nghiện” game này nọ thì tôi lại khốn khổ vì con tôi “nghiện”… sách dạy làm giàu”, anh Nam buồn bã kể.
Lỗi một phần là do cha mẹ
Theo chuyên gia tâm lý Hồng Nhung, ngày nay, đời sống được nâng cao, trẻ em được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng nên trưởng thành nhanh và thông minh hơn. Các bé cũng được tiếp xúc với nhiều công nghệ hiện đại như ti vi, điện thoại thông minh, máy tính bảng… Từ những công cụ đó, các bé xem, tiếp thu thông tin và học hỏi, bắt chước những thứ mình nghe, nhìn rồi bị ảnh hưởng lúc nào không hay. Các bé không nhận thức được rằng những thứ đó không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Đặc biệt, một số bậc cha mẹ cũng có lỗi khi không nhận ra những hành động, lối suy nghĩ bất thường của con. Thấy con có vẻ hiểu biết, khôn ngoan hơn bạn bè đồng trang lứa thì cho rằng con mình có bước phát triển ấn tượng. Thay vì kiểm soát, định hướng lại các hành vi thể hiện sự “già trước tuổi” của con thì họ lại rất hào hứng khuyến khích con tiếp tục thể hiện sự “thông minh hơn tuổi”.
Chuyên gia tâm lý Hồng Nhung cho biết, phụ huynh cần phân biệt rạch ròi giữa khái niệm “khôn trước tuổi” và “già trước tuổi” của bé. “Khôn trước tuổi” là để chỉ một đứa trẻ thông minh, lanh lợi, hiểu biết hơn bạn bè đồng trang lứa. Còn “già trước tuổi” thì lại là có lối suy nghĩ “vượt rào” như thể bé là người lớn.
Theo vị chuyên gia này, khi thấy trẻ ăn nói, hành động như người lớn, có những sở thích bất thường, tâm lý bất ổn so với lứa tuổi thì cha mẹ cần phải gần gũi, tìm hiểu và uốn nắn lại trẻ. Hãy giúp con mình đi trên chiếc tàu tuổi thơ, sống đúng với sự hồn nhiên của lứa tuổi chứ đừng để bé hình hài thì trẻ con nhưng suy nghĩ lại quá… “cụ non”.
Minh Minh
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất