Bố mẹ chồng sang chấn tâm lý vì...con dâu

Bố mẹ chồng sang chấn tâm lý vì...con dâu

2016-08-30 08:01
- Sống với cô con dâu tai quái bà T. thấy như đi ở nhờ nhà người khác. Từ việc cất đồ đạc không đúng chỗ, ăn chậm đều khiến cô khó chịu.

Chuyện con dâu khốn đốn vì bố mẹ chồng khó tính không lạ. Nhưng có những phụ huynh lại khổ sở khi gặp phải con dâu tai quái. BS. Bế Thị Hiển- nguyên Trưởng khoa Tâm lý Lâm Sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương gặp không ít trường hợp con dâu khiến bố mẹ chồng stress đến mức phải điều trị.

Khổ sở vì con cái

Bà T. (Hà Nội) vốn dĩ rất tự hào về cô con dâu đẹp người, đẹp nết. Ngày con trai tổ chức đám cưới, bà khấp khởi vui mừng, không ngờ cuộc sống sau đó là  chuỗi ngày bi kịch.

Con dâu không ngược đãi bà T. nhưng lại thường xuyên xét nét, chú ý từng cử chỉ và hành động. Khi con dâu đi làm, bà T. mới có những giây phút thảnh thơi nhưng khi cô nàng về nhà, bà T. chỉ muốn đóng cửa ngồi trong phòng.

Bà T. tâm sự với bác sĩ, bà thấy như đi ở nhờ nhà người khác. Bà không chỉ khổ sở khi nghe con dâu mắng nhiếc mà mọi thứ đều bị chú ý. Khi động tay vào việc gì cũng sợ sai sẽ bị con dâu gắt gỏng.

Theo lời bà T. chuỗi thời gian sống với con dâu kéo dài khiến cho bà gần như trầm cảm. Từ việc cất đồ đạc không đúng chỗ, ăn chậm đều khiến con dâu khó chịu. 

Đặc biệt khi cô con dâu bị stress với công việc, bà T. phải nghe những lời mắng mỏ cả ngày. Một thời gian sau đó, bà T. xuất hiện hàng loạt những  triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, khó thở và phải đến bác sĩ để điều trị.

Đau lòng hơn là câu chuyện cả nhà chồng ra đường vì con dâu thất bại trong kinh doanh. Sau cú sốc lớn đó, bố chồng mất ăn mất ngủ, khó thở, hoa mắt chóng mặt thường xuyên.

Bố mẹ chồng sang chấn tâm lý vì...con dâu

Ông P. (Hà Nội) cả đời tâm huyết, dành dụm xây dựng được căn nhà 4 tầng rộng thoáng mát. Cả đời chắt góp, ông P. lên phương án bản vẽ rất kỹ nên cả ngôi nhà có kiến trúc rất ấn tượng.

Những tưởng, cuộc đời ông P. sẽ nhàn nhã an hưởng tuổi già nhưng tai họa bỗng nhiên ập xuống. Ông P. từ một người bình tĩnh thảnh thơi trở nên lo lắng và không ăn được bất cứ thứ gì.

Mọi chuyện xuất phát từ việc, ông P. cho cô con dâu mượn sổ đỏ ngôi nhà đang sinh sống đi cắm ngân hàng vay tiền. Tin tưởng cô con dâu tháo vát, nhanh nhẹn, ông P. đồng ý giao sổ đỏ cho con để mở rộng kênh đầu tư.

Sau một thời gian, chuyện làm ăn của con dâu thua lỗ, ông P. vẫn không hề hay biết. Thậm chí, khi ông đề nghị con dâu trả lại sổ đỏ thì chỉ nhận được những lời hứa. Cuối cùng, con dâu thua lỗ rất nhiều, gia đình phải chấp nhận đi ở nhà thuê. Ngày gặp bác sĩ, ông P. gầy rộc, ứa nước mắt vì quá đau lòng và canh cánh biết bao nỗi lo khi tuổi già cận kề.

Hậu quả khôn lường từ sang chấn tâm lý

BS. Bế Thị Hiển cho rằng, với những căng thẳng tâm lý bình thường đều phải hồi phục nhanh, không cần điều trị. Nếu những căng thẳng đi kèm buồn phiền, nói nhiều, thường xuyên nhắc đến gây sang chấn... kéo dài trên 1 tháng thì phải trải qua quá trình điều trị tâm lý hoặc sử dụng thuốc do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

"Nguyên nhân của những stress trong mối quan hệ giữa bố mẹ chồng và nàng dâu là do sự ít tiếp xúc (vì thiếu thời gian) giữa các thế hệ trong nhà.  Chưa kể, sức chịu đựng của người già hay trẻ đều kém; mà cuộc sống hiện đại lại đưa đến những tình huống oái oăm không ai ngờ. Như, con cái vay tiền bố mẹ và mượn sổ đỏ để cầm cố nên nảy sinh lo lắng thường xuyên, bố mẹ mang những bực dọc khi con cái nói nặng lời mà không có ai chia sẻ...

BS. Hiển nói, stress tâm lý bình thường là vấn đề không đáng sợ. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là stress tâm lý trường diễn. Đây là dạng stress tâm lý kéo dài, dai dẳng, mỗi ngày xảy ra một ít làm cho stress ngày càng nặng hơn.

Đặc biệt, hiện tượng stress sang chấn tâm lý không được phát hiện kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề như tự sát, rối loạn lo âu trầm cảm, mất năng lực lao động với người trẻ, sa sút trí tuệ với người già.

Về những giải pháp để tránh stress tâm lý trong cuộc sống nói chung và mối quan hệ giữa bố mẹ chồng và nàng dâu, BS. Hiển khuyên hãy tự cân bằng mối quan hệ trong gia đình, tự giảm bớt áp lực cho cuộc sống. "Khi bị áp lực stress, bố mẹ chồng phải tự kêu lên, đừng ham công tiếc việc. Nếu như cảm thấy bản thân không cáng đáng được việc nhà thì nên nói chuyện thẳng thắn. Cụ thể như nếu bố mẹ không chăm được con cái nên trao đổi cụ thể hoặc có khúc mắc gì trong nhà cần được chia sẻ và cảm thông với nhau, không nên tích tụ trong lòng", BS. Hiển nói.

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những sao Việt 'nên duyên' bạn thân nhờ đóng chung một bộ phim

Đọc nhiều nhất