Tiếp tục làm 5 điều này là bạn đang vô tình đẩy tình yêu đến bờ vực
2016-02-27 07:16
- Rất nhiều người trong chúng ta không biết rằng mình đang vô tình đẩy những người yêu thương mình thật sự đi mất. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có làm điều đó thường xuyên không? Và lý do vì sao lại như thế?
Sau đây là vài lời giải thích đứng ở góc nhìn tâm lý học, giải thích vì sao chúng ta lại sợ yêu và thẳng thừng từ chối định mệnh của đời mình? Bằng cách hiểu được những hành vi “kì cục” này chúng ta sẽ thay thế các hành vi phù hợp hơn để thành công trong những mối quan hệ sau này. Điều quan trọng nhất là chúng ta có thể nâng cao khả năng cho đi cũng như đón nhận tình yêu mình mong đợi bấy lâu.
1. Chống đối khi ai chạm đến giới hạn bản thân
Rất nhiều cặp đôi đến tư vấn đã tâm sự rằng anh ấy hoặc cô ấy thay đổi sau một thời gian quen nhau. "Anh ấy không còn ôm hôn tạm biệt tôi như lúc đầu" hoặc "cô ấy đã từng là một người lắng nghe tuyệt vời"; "anh ấy đã từng rất kiên nhẫn với tôi"… Khi hai người thân nhau ở một mức độ nhất định, họ gần như chạm ngưỡng giới hạn, nơi mà họ phải dừng lại hoặc đẩy đối phương ra xa tí để cảm thấy an toàn. Nỗi sợ thân mật có thể được khởi động và chống lại bản thân họ. Họ bắt đầu bám víu quá khứ và chỉ giữ lại những hình ảnh tốt đẹp của người kia mà quên đi thực tế.
Quá trình này diễn ra trong vô thức nên ít ai nhận ra. Kiểu yêu “trừ hao” này có thể diễn ra nhiều dạng. Có thể chúng ta không còn cảm thấy đối phương hấp dẫn nữa, có thể chúng ta ngừng làm những hành động yêu thương, quan tâm nhỏ nhặt như trước. Chúng ta quên không hỏi han nhau về công việc cũng như cuộc sống hằng ngày. Thay vào đó, chúng ta cảm thấy ngột ngạt và luôn tìm cách để thoát ra mối quan hệ mà bản thân cho rằng “quá thân mật”.
2. Luôn trong tâm thế “bỏ chạy”
Một trong những lí do chúng ta bắt đầu "yêu trừ hao" hoặc tình cảm dành cho đối phương ít đi chính bởi hệ thống phòng thủ bên trong nội tâm làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động thực tế. Hệ thống này được hình thành từ những trải nghiệm đau khổ đầu đời, thậm chí khi chúng ta còn nhỏ, chưa cảm nhận được nỗi đau có hình hài như thế nào. Lí trí vẫn tạo ra một “tấm khiên” ngăn cách ta cảm nhận được nỗi đau ngay cả khi nó chưa đến.
Ví dụ chúng ta yêu ai đó, đột nhiên đèn cảnh báo nhấp nháy, lí trí cho biết “chuyện này xảy ra nhanh quá, bạn sẽ bị tổn thương, phải phanh lại ngay, bạn không cần bất kỳ ai”. Mệnh lệnh được truyền đi, cơ thể chúng tay bắt đầu hành động né tránh những khoảnh khắc ngọt ngào, những cái liếc mắt đưa tình. Chúng ta bỏ ngoài tai những lời khen ngợi, khi đối phương có hành động gì lãng mạn, chúng ta bỏ chạy hoặc nghi ngờ nó. Chúng ta có hàng tá lí do, hàng triệu viễn cảnh không tươi đẹp được “đạo diễn” sẵn trong đầu và lên kế hoạch sẵn cho việc “bỏ chạy khỏi tình yêu”.
3. Trở thành thẩm phán
Chúng ta trở nên khó ăn, khó ở khi càng lớn tuổi một chút. Bất kì hành động nào của đối phương cũng bị phán xét “có tội”. Chúng ta tạo ra một hình ảnh méo mó về đối phương. Thay vì lắng nghe, chúng ta tự suy diễn con người họ dựa trên cái nhìn chủ quan của bản thân. Vị thẩm phán nội tâm này rất lạnh lùng và chỉ chọn lọc những thứ tiêu cực về đối phương. Khi chúng ta bóp méo cảm xúc của đối phương, chúng ta có xu hướng sống khép kín, từ chối hoặc thích đóng vai trò nạn nhân. Chúng ta liên tục đòi hỏi họ chứng minh tình yêu đối với mình nhưng lại liên tục phủ nhận nó. Điều này thực sự khó mang lại hạnh phúc cho chúng ta bởi vì kiên nhẫn cũng có hạn.
Khi họ bỏ đi, dần dần về sau, chúng ta lại càng tin vào vị thẩm phán tiêu cực kia, nuông chiều nó mà chống lại tất cả những yêu thương đến từ bên ngoài. Không ai là hoàn hảo, chỉ có cách yêu thương người khác một cách hoàn hảo mà thôi.
4. Sống ảo
Một số người khi yêu luôn chìm đắm trong ảo mộng tình yêu. Đôi khi quá tươi đẹp, đôi khi quá đen tối. Đến khi thực tế “tạt cho vài gáo nước lạnh” mới bừng tỉnh. Hóa ra bấy lâu nay mình đang yêu hình tượng do mình dựng nên chứ không phải người đang ngồi cạnh mình lúc này. Từ những thất vọng, hụt hẫng chúng ta dần mất liên lạc với thực tế, mất kết nối với đối phương và không còn cảm thấy được yêu nữa.
Để giữ liên lạc trong mối quan hệ, bạn cần giữ cẩn thận chìa khóa vàng, đối mặt với những điều khiến chúng ta sợ hãi và bỏ chạy khỏi tình yêu. Cho anh ấy biết bạn thực sự đang cảm thấy gì, lo lắng gì (dù thường là rất vô lý). Hãy dừng lại việc phán xét hay suy diễn về người khác. Hãy trao chìa khóa trái tim mình để anh ấy có thể mở cửa tâm hồn bạn thay vì sống ảo trong thế giới nội tâm cô độc.
5. Sẵn sàng tham chiến
Bất kì cặp đôi nào cũng đều có những mâu thuẫn. Vấn đề là nó diễn ra thường xuyên hơn và ngày một nghiêm trọng hơn khi lúc nào bạn cũng trong tư thế sẵn sàng nghênh chiến. Những hành động này thường không phải giải quyết vấn đề mà còn tạo ra thêm nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, anh ấy phàn nàn bạn một việc gì bé tí, bạn đã lôi hàng đống tật xấu của anh ấy để đối chiếu. Hoặc khi anh ấy ngọt ngào với bạn, bạn lại nghĩ: “lão này muốn gì đây?”. Thay vì cùng nhau thăng hoa, cùng nhau hưởng thụ những khoảnh khắc ngọt ngào, bạn luôn làm người khác bị tụt hứng. Lâu dần, anh ấy không còn cảm thấy phải ngọt ngào với bạn nữa, thì lúc ấy bạn lại càng tiêu cực hơn... Một vòng lẩn quẩn không lối thoát.
Cuối cùng, chúng ta có thể tự giải thoát mình khỏi những suy nghĩ tiêu cực này bằng cách lắng nghe nhau, tham gia vào các trò lãng mạn có phần ngớ ngẩn của anh ấy. Hãy để ý đến cảm giác của đối phương nhiều hơn là nghe lời xúi bậy của “vị thẩm phán khó tính”. Tất cả các mô thức chống đối tình yêu của bạn hoạt động ngầm trong vô thức. Vậy nên, bất kì khi nào bạn muốn làm điều gì tổn thương đến bản thân hay người khác hãy suy nghĩ thật cẩn trọng và để lý trí lên tiếng. Ai cũng có giá trị riêng và bạn xứng đáng được yêu thương nhiều hơn bạn nghĩ.
Theo Thegioitre
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Điểm danh 5 tính cách khiến các nàng “mãi cô đơn”