Tuyệt chiêu làm lông vịt nhanh, sạch, không còn lông măng
Tin liên quan
Để dễ làm lông vịt, sau khi đã cắt tiết hãy nhúng toàn bộ con vịt vào chậu nước lạnh. Lưu ý nhúng toàn bộ từ cổ đến phần sau để cho nước phủ khắp thân, da vịt. Sau khi nhúng xong, bạn cho thêm chút giấm hoặc rượu trắng lên trên cơ thể vịt, sau đó 10 phút nhúng toàn thân vịt vào nước ấm sẽ dễ làm lông hơn.
Nếu nhúng ngay vào nước sôi nóng sau khi cắt tiết sẽ làm cho lông bị giữ chặt trong nang lông rất khó để làm lông. Một quan niệm sai lầm các bà nội trợ hay mắc phải là nhúng vịt vào nước quá nóng. Nếu nhúng vào nước 100 độ C sẽ làm cho lỗ chân lông của vịt co lại làm cho lông khó nhổ và dễ sinh lông măng. Cho nên chỉ cần nhúng vịt vào nước nóng từ 40-50 độ C là được.
Không nên nhúng trong nước nóng quá lâu. Chỉ cần nhúng vài phút, nếu thử nhổ lông thấy dễ dàng là được. Trong khi nhổ phải miết tay xuống sát da, xuôi theo chiều của lông mọc.
Nếu không chú ý có thể bà nội trợ sẽ khó làm sạch lông vịt (Ảnh minh họa)
Cẩn thận và kỹ càng hơn, sau khi đã nhổ lớp lông dài bên ngoài, bạn nên để vịt vào trong một chậu nước đầy. Các lông măng nhỏ li ti sẽ nở ra giúp bạn nhổ sạch hơn.
Cũng có kinh nghiệm cho rằng, khi đun nước để nhúng vịt trước khi nhổ lông cần phải đổ một thìa vôi bột vào nồi, sau đó thêm một nắm lá khế chua. Sự tác động của hỗn hợp này trong nước sẽ giúp nhổ lông vịt dễ dàng hơn.
Để làm lông vịt được nhanh, ngay từ khâu chọn vịt phải chú ý một số kinh nghiệm. Theo nhiều bà nội trợ, khi mua vịt cần chọn những con vịt đã trưởng thành. Đây là những con vịt có đặc điểm nhận dạng gồm: cánh đan chéo vào nhau, mỏ cứng và có màu vàng. Quan sát cơ thể có thể nhận dạng vịt trưởng thành với lớp thịt chắc, béo, da cổ và lớp da bụng dày, lông cánh đã mọc đủ.
Những con vịt trưởng thành có lông măng ít và phần lông dài nhiều hơn. Cho nên khi bạn nhổ lông sẽ đỡ vất vả hơn. Với những con vịt non, thịt nhão, mềm, phần mỏ yếu, phần da ở cổ và bụng mỏng. Đặc biệt, các con vịt non có nhiều lông tơ, khó nhổ sạch.
Bạn cũng có thể chọn những con vịt đã đẻ 1-2 lứa. Đây cũng là những con vịt có đủ lông ở cánh và thân, dễ nhổ.
Khử mùi hôi của vịt
So với thịt gà, nhiều người ngại ăn thịt vịt do mùi hôi đặc trưng. Tuy nhiên, bà nội trợ hoàn toàn có thể loại bỏ được mùi hôi này bằng những nguyên liệu có sẵn trong nhà bếp. Khi làm lông xong, bạn cần dùng gừng giã nhỏ để xát lên da bên ngoài của vịt hoặc có thể dùng rượu trắng thoa lên da bên ngoài rồi bóp kỹ sẽ tẩy mùi hôi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp giấm và muối để khử mùi hôi của vịt. Bà nội trợ trộn hỗn hợp này vào bát, sau đó thấm lên lớp da bên ngoài và bên trong vịt. Hoặc bạn có thể dùng chanh tươi xát lên bề mặt ngoài của vịt để giúp hết mùi hôi và đảm bảo sạch sẽ hơn.
Khi làm vịt, bạn cần bỏ ngay phần phao câu. Đây chính là nguyên nhân gây ra mùi hôi và không phải là thành phần bổ dưỡng với sức khỏe. Khi luộc nên cho thêm một mẩu gừng giúp khử mùi hiệu quả.
Như đã nói ở trên, vịt non không chỉ nhiều lông măng, khó nhổ lông, thịt nhão mà mùi của vịt non thường nặng hơn vịt trưởng thành. Cho nên bạn cần chọn mua vịt già để không khổ sở khử mùi hôi.
Để có món vịt ngon và hấp dẫn, bạn nên cho cả con vịt vào ngâm trong nước lã trước khi luộc 20 phút. Bởi nếu để bên ngoài sẽ dễ bị đen. Sau khi nhúng vào nước lã, thịt vịt sẽ có màu trắng sáng rất hấp dẫn. Để thịt vịt mềm, bạn có thể ngâm vịt trong hỗn hợp gồm nước lã và giấm. Thời gian ngâm 1 tiếng trước khi cho vịt vào nồi đun nhỏ lửa.
Hàn Phong
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất