Mua nhầm mỹ phẩm giả: Chị em muốn "thông thái" cũng khó!

Mua nhầm mỹ phẩm giả: Chị em muốn "thông thái" cũng khó!

2015-03-17 11:07
- Chị em thường thích giá rẻ và khi mua mỹ phẩm cũng thích rút hầu bao khi thấy mức giá thấp không ngờ. Nhưng chính chị em cũng khó có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả.

Tràn ngập mỹ phẩm giả

Tháng 4/2014, lực lượng Cảnh sát Giao thông Nghệ An đã phát hiện một ô tô lưu thông từ Lào - Việt Nam chở khối lượng lớn mỹ phẩm giả. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trên xe có 70 lọ nước súc miệng, 400 gói dầu xả (500ml), 40 can dầu xả (300ml).

Hồi tháng 2/2015, cảnh sát Tp. Móng Cái (Quảng Ninh) phối hợp Công an tỉnh Quảng Ninh kiểm tra kho chứa hàng của một người quốc tịch Trung Quốc thuê của một công ty trên địa bàn Móng Cái. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, 200kg nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, 40kg tem chống giả, 31.408 chai mỹ phẩm gắn nhãn một số thương hiệu ngoại nhập nhưng chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc.

Tháng 12/2014, Công an Nghệ An nhận được thông tin về nhóm người chuyên bán rong mỹ phẩm giả trên địa bàn các huyện Tương Duơng, Quế Phong, Kỳ Sơn (Nghệ An). Ngày 14/12/2014, công an đã bắt giữ 5 đối tượng đều ở Diễn Châu (Nghệ An) chuyên bán nước súc miệng, dung dịch vệ sinh... giả. Từ lời khai của các đối tượng này, công an đã khám xét khẩn cấp 3 cơ sở sản xuất của Lương Thanh Tùng, Thân Hữu Phước (Tp.HCM) thu giữ nhiều chai nước súc miệng, dung dịch vệ sinh giả.

Năm 2013, Đội Quản lý thị trường số 14, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm Trật tự Quản lý Kinh Tế (Công an Hà Nội) và Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã phát hiện 300 thùng mỹ phẩm, dầu gội, thuốc nhuộm, thuốc ủ tóc của nhiều nước như Đức, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan. Tuy nhiên, chủ hàng không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Trên đây chỉ là số ít trong số các vụ bắt hàng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc trên địa bàn cả nước. Thử hình dung nếu những sản phẩm này tiêu thụ trên thị trường sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như những nhà sản xuất chân chính.

Tâm lý thích rẻ?

Nhiều vụ việc bắt giữ, phát hiện mỹ phẩm giả đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người tiêu dùng cần trở nên thông thái hơn Tuy nhiên, nếu đặt ngược lại câu hỏi: "Nếu người tiêu dùng nào cũng thông thái thì chắc hẳn không có những vụ mỹ phẩm giả bị phanh phui?", bởi những sản phẩm nhái, giả đó không còn "đất sống".

Mỹ phẩm giả vẫn còn có cơ hội ẩn nấp đâu đó, chờ cơ hội trà trộn vào thị trường là do những người bán thiếu lương tâm. Còn người mua thì sao? Họ biết mỹ phẩm giả là độc hại nhưng khổ nỗi chính người tiêu dùng cũng bị hoa mắt bởi vàng thau lẫn lộn của mỹ phẩm giả và mỹ phẩm thật. Bản thân chị em khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả khi mà kỹ nghệ làm giả có thể tinh vi như hiện tại.

Một vụ bắt giữ mỹ phẩm giả.

Tuy nhiên, một thực tế khó phủ nhận là không ít chị em vì ham đồ rẻ, thậm chí thấy ít hơn giá trị thật đã vội rút hầu bao. Chị Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, mỹ phẩm hàng hiệu sẽ tốt hơn những mỹ phẩm bình thường bán trôi nổi. Tuy nhiên, túi tiền có hạn thậm chí phải cân đo đong đếm cho đủ khoản chi thì việc chi ra cả triệu đồng mua mỹ phẩm đâu có dễ dàng.

Chị Linh phân trần: "Giả sử có cầm trên tay mỹ phẩm hàng hiệu và mỹ phẩm bình thường, tôi không dám vung tay quá nhiều tiền vì còn phải chi tiêu các khoản khác. Cho nên đôi khi vì tâm lý như vậy mà chấp nhận mua hàng rẻ dùng tạm".

Đánh vào tâm lý này của chị em, nếu như những thương hiệu hay cửa hàng có uy tín khuyến mại đã là một chuyện. Không ít lời chào mời tràn lan trên mạng với giá giảm 50-60%, chỉ còn 100.000 đồng -200.000 đồng so với giá thực khiến chị em "mê như điếu đổ" nhưng chất lượng kiểu trời ơi đất hỡi, không ai chứng minh hay kiểm chứng thực tế.

Và chỉ cần mê mẩn như vậy bỏ qua những nghi ngờ về chất lượng, rút hầu bao mua về sử dụng coi như mỹ phẩm giả đã có cơ hội "lọt lưới".

Tâm lý ham rẻ đã là một chuyện nhưng hiện nay mua bán bằng niềm tin giữa bản thân với bạn bè hoặc người quen cũng khiến nhiều chị em "sập bẫy". Hiện nay, không ít người tiêu dùng mua hàng chủ yếu bằng những lời quảng cáo trên mạng xã hội hoặc thậm chí là lời nói của người quen mà không có giấy tờ chứng minh. Đó là cơ hội cho những sản phẩm mang tiếng "tốt"  trà trộn.

"Mua hàng chủ yếu nghe lời quảng cáo hàng xách tay từ nơi này nơi kia, không có gì bảo đảm. Nghe bùi tai rồi mua về đến khi dùng mới biết là không được như ý muốn", một phụ nữ thừa nhận.

Trong bài viết sau, Emdep.vn sẽ phản ánh về tình trạng mỹ phẩm, nước hoa nhái bán tràn lan ở vỉa hè và chợ sinh viên.

Ánh Dương
(Theo Congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đường tình dàn mỹ nhân Việt tuổi Sửu: Người hạnh phúc viên mãn, kẻ lận đận

Đọc nhiều nhất