Thị trường sau Tết: Thực phẩm ế ẩm, đồ lễ đắt hàng
Thực phẩm không tăng giá
Sau một lúc tính toán với cuốn sổ nội trợ, chị Ngô Bích Hoài (Khu Đô thị Dương Nội – Hà Nội) đưa ra hạch toán chi tiêu của gia đình dịp Tết, chị chia sẻ: “Năm nay chi tiêu cho thực phẩm 10 ngày Tết dù không giảm nhiều về số lượng nhưng giảm được hơn 2 triệu đồng về tổng chi phí so với năm ngoái. Tôi nghĩ giá thực phẩm Tết năm nay khá “mềm” so với mọi năm, cả trước và sau Tết. Những ngày cận Tết và sau Tết, tuy giá cả các mặt hàng thực phẩm ngoài thị trường có nhích lên nhưng tôi chuyển sang mua sắm tại những điểm bán hàng bình ổn giá nên vẫn đảm bảo ngân sách cho gia đình đợt này”.
Cùng quan điểm với chị Hoài, chị Lê Thùy Liên (Đội Nhân – Hà Nội) cho hay, giá hàng thủy sản có tăng nhẹ nhưng không đáng kể, còn các thực phẩm khác đặc biệt là thịt vẫn đứng giá.
"Ngày mùng 2 Tết, tôi đi chợ mua cá về làm lẩu đãi khách, giá cá quả to khoảng 280.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với trước Tết nên đã chuyển kế hoạch sang chế biến các món có sẵn trong tủ lạnh từ trước Tết. Đến mùng 5, tôi thấy giá cá quả chỉ còn 190.000 đồng và 2 ngày sau chỉ còn 130.000 đồng. Thịt lợn, thịt gà… tăng nhẹ, không đáng kể. Rau xanh giá có tăng mạnh trong ngày mùng 2, mùng 3 Tết nhưng ngay sau đó đã gần như trở lại tới mức giá ngày thường", chị Liên nói.
Với mức giá cả có thể chấp nhận được và đang giảm mạnh như vậy, nhưng mức nhu cầu không vì thế mà tăng lên. Ế ẩm là tình trạng ghi nhận được tại nhiều chợ tại Hà Nội. Dù đã mở hàng từ ngày mùng 2 Tết nhưng cho đến sau mùng 10 Âm lịch mới chỉ có khoảng trên dưới 1/3 tiểu thương tại các chợ mở hàng và chủ yếu là những người kinh doanh mặt hàng thực phẩm.
Một chủ sạp rau xanh tại chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: “Mọi năm, vào thời điểm này các loại rau ăn lẩu như rau muống, rau cần, mồng tơi, cải mơ, cải chíp… khá đắt đỏ nhưng nhập vào đến đâu bán hết đến đấy. Còn năm nay, không phải là do kinh tế khó khăn mà đầu năm, nhiều người đi du lịch nên thực phẩm dù tươi ngon, giá mềm cũng không có mấy người mua. Mấy quầy hàng thịt thà khách cũng thưa thớt lắm. Tôi đang tính đóng cửa quầy hàng ít hôm để tranh thủ đi lễ chùa, khi nào khách mua ổn định trở lại thì lại mở hàng bán tiếp”.
Ngược lại với các quầy hàng thực phẩm, quầy hoa quả và hoa tươi tấp nập người mua. Nhờ có nguồn cung dồi dào, các bà nội trợ khá hài lòng với chất lượng hoa tươi nội địa và nhập khẩu năm nay. Nhờ đó, dù một số loại hoa đặc biệt vẫn giữ mức giá khá cao nhưng hầu hết đều bán chạy.
Hài lòng với bó hoa ly Đà Lạt màu đu đủ chín, chị Nguyễn Tâm Lan (Khu Đô thị Việt Hưng) cho biết: “Đây là giống ly mới, bông to và mỗi cành chỉ có từ 3-5 nụ. Nếu ngày cận Tết tôi phải mua với giá 100.000/cành thì ngày mùng 5 Tết chỉ có giá 40.000/cành. Thời điểm này, hoa tươi của mỗi nhà mua từ trước Tết đã tàn hết và nhiều người đi lễ chùa nên hàng hoa khá đắt khách. Sáng nay đi chợ, tôi phải chen lấn mãi mới chọn được ít hồng đỏ với giá 7.000/cành. Giá cúc và lay ơn không đắt hơn ngày thường là mấy”.
Các loại hoa quả tươi có giá cả vừa phải nhưng luôn nhộn nhịp người mua do nhu cầu tiêu dùng trong gia đình và đi lễ chùa đầu năm tăng cao. Các loại hoa quả như dưa hấu thường, dưa hấu không hạt chỉ có giá trên dưới 20.000 đồng/kg, thanh long loại ngon chỉ có giá 40.000 đồng - 45.000 đồng/kg. Các loại quả khác như cam, quýt, bưởi, vú sữa, táo ta… đã trở về với mức giá ngày thường.
Vàng mã đông khách mua
Nếu như trước Tết, vào dịp 23 tháng Chạp, các sạp bán vàng mã đìu hiu khách mua tiền vàng thì càng cận Rằm Tháng Giêng, không khí mua sắm vàng mã cho những chuyến trảy hội tâm linh đầu xuân lại trở nên rộn ràng.
Tại một sạp hàng trên phố Hàng Mã tấp nập kẻ bán người mua, bà Nguyễn Thị Thu Vân vừa thoăn thoắt bó những xấp tiền vàng, cành vàng lá ngọc xếp lên chiếc xe máy của con trai, vừa phân trần: “Đoàn chúng tôi đi lễ chùa cả tháng Giêng nên phải ra đây chuẩn bị tiền vàng cho cả chuyến đi chứ đến nơi mới mua thì vừa đắt đỏ, vừa không được như ý mình”.
Cùng chung suy nghĩ với bà Vân, chị Phùng Lan Anh (Hà Nội) cũng chuẩn bị tất cả các đồ lễ cho chuyến đi Yên Tử vào cuối tuần này. Chị cho biết: “Đầu xuân, tôi đã đi lễ các chùa như Quán Sứ, chùa Láng, chùa Hà, chùa Phúc Khánh… nhìn chung đồ lễ khá đắt đỏ. Một quả cau ngon có giá từ 15.000 đồng - 20.000 đồng, kèm theo một lá trầu. Dù đắt nhưng người ta vẫn chen nhau mua vì đồ lễ chùa xin lộc cả năm nên mọi người cũng không ngần ngại hoặc mặc cả như các mặt hàng".
Minh Tuệ
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất