Nghiện shopping, vợ điên cuồng vay nặng lãi để mua sắm
Vay nặng lãi để mua sắm
Bác sĩ Bế Thị Hiển (Nguyên Trưởng khoa Lâm sàng – Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, Hà Nội) từng điều trị cho không ít trường hợp mắc chứng nghiện mua sắm.
Chị T (28 tuổi, Hà Nội) là giáo viên tận tụy với nghề, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Hàng ngày, chị T vẫn đến trường dạy học rồi bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng trầm cảm nội sinh, gia đình không lý giải được vì sao như vậy.
Từ người nói năng hoạt bát và cởi mở, chị T. thu mình và không tiếp xúc với ai. Không những không đi mua bán ở chợ, siêu thị mà chị T. giữ tiền rất chắc chắn.
Gia đình chưa kịp hết lo lắng về triệu chứng lạ nói trên, một thời gian sau, chị T. lại vung tiền mua sắm rất nhiều thứ. Số tiền chị T. dùng để mua sắm lên đến hàng chục triệu đồng. Không chỉ mua quần áo, giày dép mà chị T. còn chi tiền mua hàng loạt túi xách hàng hiệu có giá bạc triệu.
Quần áo để ngập tủ, túi xách và giày dép chật kín một góc phòng nhưng chị T. vẫn tìm ra các cửa hàng để mua.
Khi gia đình thấy "tiền đội nón ra đi" đã tìm mọi cách khuyên bảo mong chị T. sớm từ bỏ thói quen lãng phí này.
Thế nhưng, chị T. không những không nghe mà còn tỏ ra bực tức, cáu giận. Không dừng lại ở đó, khi thấy nhà nhiều đồ đạc, chị T. lại đóng vào hộp rồi gửi đi làm từ thiện.
"Đến khi không còn tiền, bệnh nhân này tự đi vay nặng lãi để mua sắm theo sở thích của bản thân. Sau đó, chồng phải đưa túi xách, quần áo ra các cửa hàng bán lại với giá rẻ hơn. Người vợ phải điều trị hơn 2 tháng vừa kết hợp liệu pháp tâm lý và uống thuốc mới dần ổn định", bác sĩ Hiển chia sẻ.
Thậm chí, có trường hợp bà N. (60 tuổi) nhưng chồng vẫn phải đưa đến để nhờ bác sĩ Hiển chữa trị do mua sắm thái quá. Gia đình có kinh tế khá giả, con cái trưởng thành, vợ chồng bà N. không phải đau đầu chuyện tiền bạc.
Bà N. được chồng tin tưởng giao nắm giữ toàn bộ tài chính cũng như lo các khoản chi tiêu trong nhà. Thế nhưng, thay vì vun vén cho gia đình, bà N. lại đưa tất cả tiền có được ra các shop quần áo mua sắm. Thói quen này diễn ra gần như hàng ngày khiến chồng bà lắc đầu ngao ngán.
Sau những phút "lên cơn" nghiện mua sắm, bà N. dường như trở lại với con người thật. Bà nhận ra thói quen mua sắm là sai nhưng sau đó lại cảm giác khó chịu, cuồng chân nếu không được mua sắm.
"Người chồng hỏi han và tâm sự thì bà N. chỉ nói bản thân thích mua nên mua chứ không có nhu cầu sử dụng. Khi thấy vợ tiêu quá nhiều, kèm theo triệu chứng mất ngủ và lo lắng khi không được mua sắm mới đưa đến để điều trị", bác sĩ Hiển kể.
Chữa nghiện mua sắm bằng cách nào?
Theo bác sĩ Bế Thị Hiển, nghiện mua sắm xuất hiện nhiều trong những năm trở lại đây là do kinh tế được nâng cao, nhiều người khá giả, hàng hóa đa dạng nên thích mua sắm để tô điểm cho bản thân.
"Nếu bệnh nhân không có các triệu chứng đi kèm như trên thì có thể người thân tâm sự, khuyên răn nhằm giúp họ nhận ra nghiện mua sắm là thói quen sai gây tổn hao kinh tế gia đình và lãng phí", bác sĩ Hiển nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hiển, không phải cứ nghiện mua sắm là bệnh lý. Bởi chỉ khi nghiện mua sắm kèm xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, bồn chồn, lo lắng, tim đập nhanh, hồi hộp...mới là dấu hiệu của bệnh lý.
Còn đối với nghiện mua sắm, bệnh lý là hiện tượng rối loạn lưỡng cực hưng cảm. Người bệnh có biểu hiện mua sắm liên tục, mua sắm không chán khi có hưng cảm. Tuy nhiên không có các biểu hiện loạn thần như kêu la, hét hay mất trí nhớ.
"Có thể chữa bệnh nghiện mua sắm bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, để dứt điểm cần người nhà tham gia cách ly, không để người nghiện mua sắm giữ tiền hay tiếp xúc với hàng hóa", bác sĩ Hiển cho hay.
Nhiều trường hợp tìm đến bác sĩ Hiển để chữa trị và được tư vấn khi đã nghiện mua sắm đến mức gây thiệt hại kinh tế gia đình. Do đó, bác sĩ Hiển cho rằng, người nhà phải phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Anh Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất