Vu Lan báo hiếu châu Á khá khác Việt Nam
Tin liên quan
Lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày 14 và 15/7 Âm lịch hàng năm, cũng là tên gọi khác của Rằm tháng Bảy. Theo phong tục truyền thống, vào ngày này, các gia đình chuẩn bị một lễ cúng thần linh và mâm cơm tưởng nhớ tổ tiên, cầu nguyện cho các vong hồn sớm siêu thoát. Lễ Vu Lan còn là dịp để những người con thể hiện tình yêu và báo hiếu công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
Ở Việt Nam, vào ngày này, mọi gia đình đều chuẩn bị hai mâm cúng là mâm cúng tổ tiên và mâm cúng chúng sinh. Ngoài ra tại các chùa chiền còn có nghi thức “Bông hồng cài áo”, bông hồng dành cho ai còn mẹ và bông trắng cho những ai mất mẹ nhằm nhắc nhở về lòng hiếu thảo và tưởng nhớ đấng sinh thành.
Phong tục trong ngày Lễ Vu Lan ở Việt Nam là vậy, còn ở các quốc gia châu Á khác, Lễ Vu Lan vẫn mang ý nghĩa bày tỏ sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tuy nhiên các nghi lễ khá đa dạng và có những nét riêng biệt tùy từng văn hóa mỗi nước.
Malaysia
Người Malaysia gọi ngày Lễ Vu Lan là Ngày Tổ tiên hay Lễ hội tháng 7. Ngoài những lễ nghi truyền thống như tảo mộ, cúng thờ tổ tiên, còn có những hoạt động sinh hoạt tôn giáo, văn hóa mang đậm nét riêng của quốc gia này. Theo phong tục của người Malaysia, ngày này người dân sẽ nghỉ làm và cử hành nghi thức siêu độ vong linh. Các gia đình cũng tập trung đến chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho ông bà, bố mẹ quá cố.
Nhật Bản
Nhật Bản cũng có ngày Lễ Vu Lan và diễn ra vào tháng ngày 15/8 Dương lịch hàng năm, thông thường kéo dài 3 ngày. Người Nhật gọi ngày lễ này là Obon. Obon là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất ở Nhật Bản và được tổ chức để tưởng nhớ người thân quá cố. Người ta tin rằng vào ngày lễ Obon, linh hồn tổ tiên của gia đình sẽ quay trở lại ngôi nhà để đoàn tụ với mọi người. trong Obon và cầu nguyện cho các linh hồn. Dần dần người Nhật coi lễ Obon như là dịp để trở về quê hương, nguồn cội, dọn dẹp và thăm viếng phần mộ của ông bà, tổ tiên.
Vào ngày đầu tiên của lễ Obon, các gia đình treo đèn lồng trong nhà, đồng thời ra thăm mộ của tổ tiên và mời tổ tiên về thăm nhà. Trong suốt thời gian diễn ra Obon, hoạt động Bon Odori – ca múa theo vũ điệu dân gian được tổ chức tại các đường phố, công viên, khuôn viên chùa. Người Nhật coi những điệu nhảy trong lễ hội này như một cách để chào mừng linh hồn tổ tiên về nhà. Ngày cuối cùng sẽ diễn ra lễ thả đèn lồng, những chiếc đèn lồng được thả ở các sông, hồ, được coi như là nghi lễ tiễn đưa linh hồn tổ tiên trở về lại với thế giới riêng của họ.
Ngoài những nghi lễ trên, người Nhật cũng chuẩn bị đồ thờ cúng tương tự như người Việt Nam. Đồ cúng của họ có những chiếc bánh khảo làm từ bột gạo mang nhiều màu sắc như xanh, đỏ vàng, ngoài ra có thêm cả hoa quả nhiều loại.
Trung Quốc
Trung Quốc coi ngày Lễ Vu Lan là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính với tổ tiên và những người đã khuất. Trong suốt tháng 7 Âm lịch, người Trung Quốc tin rằng những linh hồn quanh quẩn và hiện diện ở hạ giới. Vào ngày thứ 15, cõi thiên đàng, địa ngục và cõi người sống mở cửa đón các linh hồn, cho các linh hồn cơ hội được trở về thăm con cháu. Trong dịp lễ, các gia đình chuẩn bị mâm cúng thờ tổ tiên và chúng sinh, đốt tiền, vàng mã. Sau dịp lễ, để đảm bảo các ngạ quỷ có thể tìm đường trở về, mọi người thường thả đèn hoa đăng trôi sông.
Hàn Quốc
Hàn Quốc chọn ngày 8/5 Dương lịch hàng năm là Ngày Cha mẹ và là dịp để con cái báo hiếu đấng sinh thành. Hoa cẩm chướng đỏ được coi là biểu tượng của ngày này.
Tùy từng hoàn cảnh mà con cái có thể tặng bố mẹ nhiều món quà khác nhau, nhưng tối thiểu phải có một bông hoa cẩm chướng. Các con sẽ gài bông hoa cẩm chướng lên áo của bố mẹ nhằm thể hiện tấm lòng biết ơn và hiếu thảo của mình. Ngoài hoa, các món quà lưu niệm hay thiệp chúc mừng cũng được bày bán khá nhiều ở các cửa hàng Hàn Quốc trước dịp lễ này.
Việt Hà
(Theo Wiki, Straitstimes, Gojapan, KoreaBridge)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất