Những ngày cuối tháng 2, trên các con phố đông đúc ở Hà thành, người đi đường thi thoảng lại bắt gặp một vài gánh hàng xếp đầy nhót xanh - thứ quà vặt dân dã, chua chua, chát chát nhưng được nhiều chị em yêu thích.
Ở một số khu chợ nhỏ, những thúng nhót xanh đã bắt đầu xuất hiện và được bày bán bên vệ đường. Theo những người bán hàng cho biết, phải đến giữa tháng 3, nhót trên cây mới bắt đầu chín đỏ. Vì thế, tháng 2 chỉ có những gánh hàng bán nhót xanh non.
Vào ngày này, người Hà thành có thể bắt gặp nhiều gánh hàng bán nhót xanh - thứ quà vặt ngon miệng chỉ có trong tháng 2.
Ăn nhót xanh cũng là thú vui của nhiều người, đặc biệt là các chị công sở. Tại công sở, ngày này thường không thể thiếu một đĩa nhót xanh ăn với muối chẩm chéo. Hoặc chỉ cần 1 túi nhót xanh ương, 1 đĩa muối ớt cay nồng là các chị em có thể nhâm nhi không biết chán.
Chị Liễu - một tiểu thương bán nhót tại chợ Nghĩa Tân cho hay: "Tôi nhập nhót từ các huyện quanh Hà Nội như Nhổn, Hoài Đức, Phú Xuyên. Giờ mới bắt đầu vào mùa nhót nên không có nhiều hàng lắm. Nhưng chỉ cần 1, 2 tuần nữa thì nhót chín về đỏ cả đường đấy".
Một kg nhót xanh, chị Liễu bán với giá 80.000 đồng/kg. "Đầu mùa mà nên giá có đắt hơn một chút. Bán vào thời điểm này thì nhót xanh là thứ quả lạ miệng, mới mẻ nên nhiều người mua hơn.
Thêm vài hôm nữa sẽ có nhiều người bán hàng rong bán hơn. Cách đây 2 hôm tôi bán 10.000 đồng/lạng vẫn có người mua, bây giờ thì có hạ nhiệt hơn rồi. Hầu hết là các chị em đến mua về ăn cho vui. Mấy hôm nay đắt khách, có buổi tôi bán 20kg cân nhót hết veo, lãi khoảng 700.000 - 800.000 đồng. Đến mùa nhót chín đỏ, bán còn đắt hàng hơn nữa", chị Liễu cho hay.
Đầu mùa, giá nhót khá đắt, nếu mua ngoài chợ thì giá có thể lên đến 80.000 đồng - 100.000 đồng/kg nhưng vẫn nhiều người mua
Chị Liễu cũng cho hay, mùa nhót chỉ kéo dài hơn 1 tháng là hết. Loại quả này mọc trên cây không cần chăm sóc quá kỹ lưỡng.
Nhiều cây còn tự cho ra quả, nhưng quả nhót khi chín cây rất mềm, dễ dập nát: "Nhót xanh bán tuy không bị mềm như nhót chín nhưng vẫn bị dập. Nhót một khi đã nát thì nó cứ chảy nước ra, dễ lên men mốc, hỏng các quả khác.
Nên khi tôi nhập về bán đều phải kiểm tra kỹ lưỡng, lọc bỏ quả dập đi. Những quà lành khi bán phải nâng giá một chút để bù cho phần hỏng. Năm ngoái bán nhót chín cây, từng có thùng hàng hỏng mất 1/3, không bán được".
Cũng theo chị Liễu, nhiều người vẫn chuộng nhót chín hơn là nhót xanh. Vì nhót chín có thể ăn được nhiều kiểu, nhiều vị. Nếu thích ăn ngọt, có thể xoa cho quả nẫu ra, khi cắn nước sẽ ngòn ngọt, thơm thơm.
Còn nếu thích ăn chua, sau khi chà hết lớp phấn bên ngoài thì chỉ việc cho vào miệng cắn, vị chua của nhót chín sẽ khiến người ăn phải nhăn mặt nhưng sẽ nhanh chóng cảm thấy được vị ngọt thanh, mát mát nơi cuống họng.
Nhót xanh chấm muối ớt, nhót xanh muối chẻo... là thức quà ngon miệng mà nhiều người thích mê
Chị Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Đến mùa nhót rồi, tôi mua vài cân nhót xanh và muối ớt rồi mang lên cơ quan cùng các chị em ăn cho vui miệng. Tôi cũng làm một ít cho cô con gái đang học cấp II mang lên lớp ăn cùng bạn.
Hồi còn đi học, tôi vẫn thường ăn thứ quả này, chà nhót vào quần đến trắng phớ. Cả năm chỉ có 1 mùa nhót, nếu không tranh thủ thưởng thức thì phải sang năm sau mới được ăn lại nên dù có bây giờ mua có hơi đắt một chút nhưng tôi vẫn mua".
Được biết, hiện các tiểu thương bán hàng rong vẫn đang tập trung để bán nốt mặt hàng cũ là táo nhỏ, sau khi "giải phóng" hết hàng sẽ bắt đầu nhập nhót về bán.
Nhanh chân hơn những gánh hàng rong, một số người có đầu óc kinh doanh đã bắt đầu bán nhót xanh trên mạng xã hội. Giá của nhót được bán tại đây "mềm" hơn rất nhiều so với ngoài chợ, chỉ khoảng 35.000 đồng đến 50.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của PV, số nhót này nhanh chóng được đặt hàng hết chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này cho thấy sức hút khó cưỡng của thứ quả chua chua, thơm mát này.
Lương Chi
Du lịch Đà Nẵng check-in Ghềnh Bàng - điểm đến hoang sơ ít người biết