Ngao ngán suy nghĩ của sĩ tử: "Con không đỗ Đại học là tại bố mẹ"
Tin liên quan
Tháng 4 này, các em học sinh lớp 12 bắt đầu "chạy nước rút" việc ôn tập bài vở đồng thời hoàn thiện dần hồ sơ để đăng ký xét tuyển Đại học vào tháng 7 tới. Đây là cột mốc quan trọng trong cuộc đời học sinh và cũng là thời điểm các bậc phụ huynh ra sức chăm chút, kỳ vọng cho các sĩ tử. Và từ lúc này, các sĩ tử cũng bắt đầu cảm thấy áp lực hơn khi không chỉ gánh trên vai mục tiêu đỗ Đại học mà còn phải đỗ đúng trường như nguyện ước của cha mẹ.
Em Nguyễn Anh Thư (học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bản thân em còn rất mông lung trong việc chọn trường, chọn nghề nghiệp trong tương lai, thế nên em quyết định "nhắm mắt đưa chân" theo bố mẹ. Bố mẹ bảo chọn trường gì thì sẽ chọn trường đấy để nộp hồ sơ, theo Thư, đây là cách để giảm áp lực cho chính mình.
"Bạn bè em đều chọn những trường top đầu để thi vào như Ngoại giao, Ngân Hàng, ĐH Quốc gia, Bách Khoa... thế nên bố mẹ em cũng hướng em vào trường Ngân Hàng, thứ nhất là nếu học xong ra sẽ dễ xin được việc, thứ hai là trường top đầu nên nếu em đỗ thì cũng giúp bố mẹ nở mày nở mặt hơn. Nói thật là em muốn thi vào trường ĐH Ngoại giao, nhưng điểm đậu vào ngành em thích rất cao. Thực tế, ngành bố mẹ muốn em thi vào trường ĐH Ngân Hàng cũng cao tương đương, phần trăm đậu rất thấp.
Đằng nào cũng không thể theo học trường mình thích nên em đồng ý nộp hồ sơ vào trường mà bố mẹ yêu cầu, nếu không đậu thì cũng là vì bố mẹ yêu cầu nộp vào đấy, lỗi chẳng phải do em. Chứ nếu em khăng khăng thi vào trường em thích rồi trượt thì bố mẹ lại có cớ, bảo sự tình thế này là vì em không nghe bố mẹ sắp xếp" - Thư cho hay.
Gánh nặng thi cử, đặc biệt là phải rạng rỡ gia đình khiến nhiều sĩ tử mệt mỏi, trốn tránh (Ảnh minh họa)
Em Hoàng Nhật Linh (lớp 12 THPT Chu Văn An, Hà Nội) cũng cho hay đang được bố mẹ hướng vào ngành kỹ thuật ĐH Bách khoa vì sau khi ra trường có thể dùng mối quan hệ xin được việc dễ hơn. Nhưng Nhật Linh lại muốn thi vào ĐH Điện lực nhưng không được bố mẹ chấp thuận.
Linh chia sẻ: "Thật ra, ngành em muốn theo học ở ĐH Điện Lực không khác biệt nhiều với ngành bố mẹ em muốn em nộp hồ sơ vào ở trường Bách Khoa. Nhưng vì ĐH Bách Khoa là trường top đầu, rất nổi tiếng nên bố mẹ muốn em thi vào đó. Em biết vì bố mẹ nghĩ nếu học Bách Khoa ra sẽ có chất lượng đầu ra tốt hơn, bằng tốt nghiệp của Bách Khoa cũng giá trị hơn nên muốn em thi vào. Hơn nữa, mang danh sinh viên Bách Khoa sẽ oách hơn nhiều so với trường ĐH Điện Lực dù học cùng một khoa ngành".
Linh tâm sự, mỗi ngày đều nghe bố mẹ kể về những tấm gương con cái bạn bè thi đỗ Bách Khoa nên muốn con mình đỗ trường này để "bằng bạn bằng bè", thế nên bản thân Linh cảm thấy rất mệt mỏi vì phải gồng gánh những hi vọng của bố mẹ. Nếu quyết định nộp đơn vào trường ĐH Điện Lực thì chỉ cần 19 - 21 điểm là đã có thể đỗ được ngành mà em mong muốn. Nhưng để đỗ được ngành đấy ở trường Bách Khoa thì em phải đạt được ít nhất 23 điểm. Sự chênh lệch điểm số này không hề dễ dàng trong kỳ thi THPT, đặc biệt là khi đề thi đang có nhiều biến chuyển cả về định lượng lẫn chất lượng.
Vì lo lắng không thể đỗ được ĐH Bách Khoa như bố mẹ mong đợi, nên Linh ra sức "cày kéo", học ở mọi lò luyện thi để hi vọng kiếm được thêm điểm đến mức gầy rộc cả người.
Phụ huynh nghĩ gì khi nói về áp lực thi cử?
Sau khi nghe câu chuyện của em Anh Thư, chị Nguyễn Hoài Lân (Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra khá bất ngờ khi các em học sinh có suy nghĩ sẽ đá quả bóng trách nhiệm sang cho bố mẹ nếu không thể đậu đại học. Chị cho hay, quan điểm của chị là không ép buộc con khi chọn trường, nhưng bố mẹ phải có định hướng để con có được sự lựa chọn tốt nhất.
"Mình khá bất ngờ khi nghe em học sinh chia sẻ là chọn nộp đơn vào trường bố mẹ muốn để nếu có không đỗ thì cũng không thể đổ trách nhiệm do con học kém mà vì bố mẹ chọn trường không chuẩn. Tại sao lại để tình trạng đó xảy ra, nếu con không đỗ được thì dù đó là trường nào, theo ý muốn của con hay của bố mẹ cũng sẽ để lại vết sẹo trong lòng cả hai. Tại sao cả hai bên không ngồi lại cùng nhau để tìm ra được con đường tốt nhất cho con mình? Mình cho rằng suy nghĩ của các em đang sai nếu cho rằng làm như vậy sẽ đá được trách nhiệm cho bố mẹ".
Chị Lân cũng chia sẻ quan điểm, chị cho rằng học trường nào không quan trọng, cái quan trọng là khi tốt nghiệp ra trường, các con có nắm được đủ yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra hay không.
"Bản thân mình là một người tuyển dụng, mình rất ít khi hỏi các bạn đến xin việc rằng các bạn học trường gì. Mình chỉ quan tâm đến chuyên ngành các bạn ấy học, kinh nghiệm thực tế và liệu có đam mê công việc mình ứng tuyến hay không thôi. Thế nên khi con mình luyện thi Đại học, mình cũng chỉ cùng con tìm xem ngành nghề nào thích hợp, ngôi trường nào vừa tầm với con chứ không yêu cầu con phải thi trường top đầu để hãnh diện với bạn bè" - chị Lân cho hay.
Chị Hồ Thanh Tâm (Đống Đa, Hà Nội) - phụ huynh một học sinh lớp 12 cũng cho hay, quả thực vợ chồng chị rất kỳ vọng vào kết quả thi Đại học của con. Chị cũng thừa nhận việc con đỗ trường top đầu không chỉ là để sau này ra trường dễ xin việc hơn mà còn để giúp bố mẹ được hãnh diện với mọi người. Nhưng chị Tâm cũng khẳng định, nếu con không muốn thi vào trường mà bố mẹ chọn thì có thể thoải mái đưa ra lựa chọn riêng, vợ chồng chị sẽ không cấm cản.
"Con có cuộc sống của riêng con, sẽ phải chịu trách nhiệm với những quyết định của mình, thế nên mình không muốn vì bố mẹ mà con từ bỏ niềm yêu thích hay lấy đấy là cái cớ để lựa chọn cách đi sai lầm. Có lẽ các con cũng nên biết cách chia sẻ với bố mẹ, chứ không nên thụ động chờ đợi quyết định của bố mẹ" - chị Tâm chia sẻ.
Lương Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất