Cộng điểm ưu tiên kỳ thi đại học 2017: Thời của điểm ưu tiên lên ngôi, 30 điểm vẫn khóc ròng ngoài cổng trường đại học

Cộng điểm ưu tiên kỳ thi đại học 2017: Thời của điểm ưu tiên lên ngôi, 30 điểm vẫn khóc ròng ngoài cổng trường đại học

2017-08-02 18:59
- Kỳ thi năm nay đã đi vào lịch sử với cơn bão điểm 10. Các trường top trên chưa bao giờ có điểm chuẩn huy hoàng như vậy. Đặc biệt có trường thí sinh 3 điểm 10 vẫn không thể trúng tuyển nếu không được cộng điểm, bởi trường lấy điểm đầu vào là 30,5.

Chuyện không thể tin được này lại có thật với thí sinh nữ xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh Nhân Dân. Điểm chuẩn trúng tuyển với thí sinh nữ của trường này là 30,5. Và nếu thí sinh khu vực 3 thi Toán: 10, Văn: 10, Anh: 10 thì vẫn trượt như thường.

Tình cảnh “học giỏi vẫn trượt” cũng xảy ra với những thí sinh trót nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Nghiệp vụ An ninh. Theo đó, ngành này lấy điểm trúng tuyển là 29.0. Tuy nhiên, có 2 thí sinh cùng mức điểm 29.0 lấy 1 thí sinh có tổng điểm 3 môn là 25.5 và điểm tiếng Anh đạt 8.2. Tính ra, thí sinh có điểm thực là 25.5 này đã vượt qua hàng trăm thí sinh có điểm thực là 25.5 đến 29.0.

Và cuộc đua lúc này với các thí sinh thuộc trường top trên không phải của những người giỏi nữa mà của ai được ưu tiên hơn.

Trò chuyện với một thí sinh vừa trượt ngành Bác sỹ đa khoa ĐH Y Hà Nội, thí sinh này tâm sự được 27.5 điểm. Nhưng bạn lại học ở khu vực 3 nên đã thua thí sinh điểm thi thực tế chỉ 24,5.

Cộng điểm ưu tiên kỳ thi đại học 2017: Thời của điểm ưu tiên lên ngôi, 30 điểm vẫn khóc ròng ngoài cổng trường đại học

Hiện nay, cuộc đua lúc này với các thí sinh thuộc trường top trên không phải của những người giỏi nữa mà của ai được ưu tiên hơn. Ảnh minh hoạ.

Theo bạn thí sinh này, việc cộng điểm lên tới 3,5 điểm khiến cuộc đua trở nên thiếu công bằng. Trong danh sách trúng tuyển ở các trường đại học “tốp trên”, chủ yếu là thí sinh được cộng điểm. Trong khi, chỉ cần hơn 0,2 điểm là có thể vượt qua cả trăm thí sinh khác rồi.

Chưa bao giờ thời của tiêu chí phụ, điểm ưu tiên lại có “giá” như năm nay. Nhiều thí sinh đổ lỗi, tất thảy mọi sự cũng do bệnh thành tích của bộ GD&ĐT? Nếu bộ không “tham lam” góp 2 kỳ thi làm 1 thì có lẽ không có nhiều “nước mắt học trò” ngang trái như năm nay.

Nhất là khi đề thi mà nhiều thí sinh cho rằng “dễ hơn em tưởng” năm nay, nhiều người lo ngại việc tuyển người tài cũng không đơn giản khi chỉ tiêu các trường top trên không nhiều mà cả nước có hàng ngàn điểm 10. Có lẽ với thực tế đề dễ như năm nay, không ít thí sinh trượt oan ức chỉ vì học ở thành phố, thị xã thầm mong nếu được làm lại thì các em mong được học ở nơi có điểm ưu tiên cao.

Nhiều người tranh cãi rằng: “Ở nơi khó khăn, các em cần phải được đi học để thoát nghèo”. Rằng: “Bạn cứ thử lên vùng núi mà xem, muốn học cũng chẳng có giáo viên dạy mà học ý chứ. Ở đó mà ngồi ước nữa”....

Thực tế, đúng là các em ở những vùng này khó khăn. Các em học giỏi là cực kỳ đáng trân trọng. Nhưng nếu vậy cũng chỉ nên cộng số điểm vừa phải. Chứ cộng điểm ưu tiên nhiều như vậy, nhiều người sẽ than thiếu công bằng và bất công quá. Học ngày học đêm, học giỏi để rồi chẳng bằng thí sinh có điểm ưu tiên nhiều. 

Câu chuyện cộng điểm ưu tiên kỳ thi đại học 2017 năm nay cũng chỉ là câu chuyện "đến hẹn lại lên" và năm nào cũng có thí sinh than thở, kêu ca. Nhớ năm nào, dư luận được một phen lên đồng vì cảnh cha mẹ, học sinh điều chỉnh nguyện vọng như “lên sàn chứng khoán”.

Thậm chí, phụ huynh còn thuê cả xe cấp cứu để kịp thời gian điều chỉnh nguyện vọng. Không cấp cứu sao được khi chậm một phút đồng nghĩa các em sẽ mất cơ hội vào đại học. Và trong một xã hội mà nhà nhà, người người đều nghĩ phải đỗ đại học, phải học đại học, phải có bằng đại học thì đây đúng là bước ngoặt của cuộc đời.

cộng điểm ưu tiên thi đại học

Nhiều người cho rằng, các thí sinh ở những vùng này khó khăn và học giỏi là cực kỳ đáng trân trọng. Nhưng cũng chỉ nên cộng số điểm vừa phải. Ảnh minh hoạ.

Và năm nay, một lần nữa, kỳ xét tuyển đại học lại tiếp tục ghi nhận chuyện ngược đời “thi điểm cao thì trượt, điểm thấp lại đỗ” bởi khác nhau điểm ưu tiên. Điều này khiến nhiều người than thở, đây là thời mà thí sinh “ăn nhau” ở tiêu chí phụ. Cứ như thế này, chẳng ai dám chắc, các em sắp vào lớp 10 chẳng xin về quê học. Lúc đó, có lẽ trường làng lại thành có “giá”!

Thời điểm này, có nhiều phụ huynh và thí sinh quanh PV còn nghĩ, nếu thi THPT và đại học vẫn giữ điểm ưu tiên này, có lẽ họ định hướng đi học nghề "cho lành" để khỏi “đau tim” vì điểm tuyệt đối vẫn trượt như thường. 

Diệp Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 điểm du ngoạn thú vị không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình

Đọc nhiều nhất