Hoàng thành, Văn Miếu quét vôi mới tinh tươm: Bảo quản di tích không thể như quét vôi nhà!
Tin liên quan
Theo dõi việc quét vôi, tu bổ Đoan Môn những ngày qua, dưới góc độ chuyên gia từng tham gia thiết kế tu bổ di tích này năm 1992, ông nhận thấy có những điểm gì chưa hợp lý?
Tôi không đủ can đảm để “theo dõi”, vì sợ bị sốc. Xem ảnh chụp, tôi nhận thấy người ta đã quét vôi vàng lên cả phần mái (giả ngói ống) của hai cổng hai bên Đoan Môn.
Năm 1992, khi khu vực này còn là trụ sở Bộ Quốc phòng, tôi vào khảo sát lập thiết kế phục hồi (với giấy giới thiệu có dán ảnh), nhưng không được phép chụp ảnh nên hồ sơ thiết kế ấy chỉ có bản vẽ hiện trạng, không có ảnh như mọi hồ sơ khác.
Không những vậy, sau khi di tích được bàn giao cho Hà Nội thì lại được tu bổ, nên tôi không thể trả lời về “những điểm gì chưa hợp lý”. Chỉ có thể nói rằng năm 1992, chúng tôi đã phải mất khá nhiều công sức để tìm lại diện mạo kiến trúc Đoan Môn. Ví dụ phải đập bỏ lớp vữa trát kín các cửa sổ để có thể có cơ sở khoa học phục hồi lại gạch lỗ hoa ở đó.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội trả lời báo chí việc quét vôi Đoan Môn dựa theo gốc của lần tu bổ năm 1998, rằng màu vôi ve chỉ có sắc vàng như thế. Điều đó có đúng không thưa ông?
Việc quét lại vôi cho di tích không thể nói đơn giản là dựa theo gốc của lần tu bổ năm 1998. Càng không thể nói màu vôi ve chỉ có sắc vàng như thế. Nếu làm nghiêm chỉnh, đúng nghĩa trùng tu-bảo quản di tích thì phải gõ tường vôi, bóc tách để nhận thức được từng lớp vôi đã quét trước đây. Trên cơ sở đó, một hội đồng khoa học mới quyết định quét vôi màu gì. Theo tôi biết thì các “vụ” màu vôi gây sốc đều vì không làm như vậy.
Đáng nói là tại sao cứ ngụy biện là quét theo màu cũ? Nếu năm 1998 sai thì cứ thế sai tiếp? Bây giờ Hoàng thành đã được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới thì không thể đơn giản đến tùy tiện như vậy.
Ngoài chuyện tìm lại, lập Hội đồng quyết định màu vôi gốc, thì cần phải nghiên cứu dùng công nghệ cổ truyền kết hợp hiện đại để chế ra một loại vôi vừa đúng màu gốc, vừa có khả năng chống được rêu mốc, lại vừa không gây phản cảm vì sự mới (hoàn toàn có thể dìm màu trầm xuống). Trùng tu di tích mà để lộ những can thiệp mới thì sao gọi là khoa học được?
Một trong những quan điểm của những người thực hiện là “quét vôi để ăn Tết”, hoặc giống như “quét vôi nhà mình”. Ông có thể chấp nhận lời giải thích này?
Nói như vậy là tự phủ nhận việc quét vôi để bảo quản định kỳ như trả lời báo chí. Bất cập lớn nhất của việc tân trang Đoan Môn chính là người ta đã quan niệm giống như “quét vôi nhà mình” và “để ăn Tết”.
Sửa sang, vôi ve nhà cửa ăn Tết bao giờ chả muốn làm cho mới, cho đẹp hơn cũ. Tư duy ấy mà áp vào “quét vôi bảo quản di tích” thì hỏng rồi! Nhằm để dịp Tết mới quét vôi định kỳ (?), cho mới, cho sạch sẽ… nhưng khi công luận không đồng tình thì lại ngụy biện là “cảm quan lúc có rêu và không có rêu nó khác”. Vậy nghĩa là vôi quét ở Đoan Môn không hề có chất chống rêu mốc như ở Văn Miếu ?!
Không riêng Hoàng thành mà Văn Miếu và nhiều di tích khác mỗi lần quét vôi, sửa sang đều khiến dân tình ồn ào. Các ban quản lý viện dẫn di tích của nhiều nước trong khu vực luôn rực rỡ, trong khi nhiều người vẫn thích vẻ cổ kính rêu phong của di tích. Là người từng đã hơn hai chục năm trùng tu di tích, ông có quan điểm thế nào về điều này?
Có người còn ngụy biện là “Thời nay chưa bao giờ có ai đặt câu hỏi khi di tích mới xuất hiện nó có lộng lẫy, sặc sỡ sắc màu không?”. Làm gì có công trình nào mới xuất hiện mà lại được gọi là di tích được đây? Người ngoài nghề thì chả bàn, nhưng nếu làm trong các Ban Quản lý di tích mà nói thế thì chắc chắn là ngồi nhầm chỗ. Còn viện dẫn Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… luôn rực rỡ thì chính xác là vong bản!
Xin nhắc một nguyên tắc hàng đầu của trùng tu di tích là: Giúp di tích cổ tồn tại bền vững với thời gian mà không để lộ các can thiệp mới/hiện đại!
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất