Bánh mì bóng đêm được giới trẻ săn lùng ráo riết nay đã chính thức ‘đổ bộ’ Hà Nội
Thời gian qua, món bánh mì bóng đêm Bamimo đã liên tục “làm mưa làm gió” tại Quảng Ninh, không chỉ thu hút dân bản địa mà còn khiến nhiều khách từ tỉnh thành khác phải tìm tận nơi và ăn thử bằng được. Thêm một tin vui là giờ đây, giới trẻ Hà thành cũng đã có thể thưởng thức bánh mì “đen thui như hòn than” này ngay tại thủ đô mà không cần cất công tới tận thành phố mỏ. Bởi thương hiệu bánh mì lạ mắt này đã chính thức có mặt tại Hà Nội với 2 địa điểm đắc địa: Số 66 Lương Văn Can (gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) và số 11 Thanh Niên.
Cơ sở mới của Bamimo tại Hà Nội sở hữu vị trí "vàng", nằm ngay gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và hồ Gươm. Ảnh: Fanpage Bamimo.
Ảnh: dungthuylai.
Sở dĩ có màu đen độc đáo là bởi bánh được dùng mật của mực biển - một loài hải sản sẵn có ở Quảng Ninh, sau khi sơ chế được đông đá rồi bào nhỏ, nhuyễn trộn với tinh than tre, loại phụ gia thực phẩm có độ an toàn cao, tốt cho sức khỏe. Phối trộn hai nguyên liệu này tạo màu cho bánh mỳ, cho ra màu đen bóng đẹp mắt.
Không chỉ ghi điểm bởi màu đen bóng đẹp mắt, phần nhân của bánh được chế biến công phu từ nhiều loại hải sản của Quảng Ninh như: chả cua bể, chả mực, xíu mại tôm,… Nhân bánh chọn lựa kỹ càng từ những hải sản tươi, ngon nhất, sau đó sơ chế rồi xay nhuyễn phối trộn với các phụ gia khác vừa để hạn chế mùi tanh, vừa làm bật mùi vị của hải sản biển. Các loại nhân này được "dẫn" khéo léo bằng một thứ nước sốt đặc biệt.
Ý tưởng bánh mì bóng đêm được ra đời cách đây 1 năm, trong một cuộc trò chuyện giữa anh Trần Khắc Tuấn, đồng sáng lập thương hiệu bánh mì Bamimo, cùng 2 người bạn hữu có chung niềm đam mê ẩm thực. Cả ba nhận thấy Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều có những loại bánh mì riêng biệt, gắn với vùng đất, địa danh. Họ cũng mong muốn một ngày Quảng Ninh sẽ như vậy, để ai đến đây, hễ cứ nhìn thấy bánh mì là nhớ đến đất mỏ.
Ban đầu, anh Tuấn mong muốn làm bánh mì chả mực để đưa món ăn đặc sản này của Hạ Long (Quảng Ninh) trở thành một món ăn đường phố, bình dân hơn, tới gần hơn với đông đảo khách du lịch. Sau khi nghe anh nói vậy, anh Nguyễn Văn Quyết, thành viên sáng lập đồng thời cũng là một đầu bếp có tiếng, liền hỏi ngay: “Anh có muốn bánh mì mang màu đen?”.
Vậy là nhờ sự quyết tâm của 3 người cùng chí hướng - cùng khao khát phát triển ẩm thực địa phương, chiếc bánh mì mang theo tinh hoa đất mỏ được ra đời. Cái tên Bamimo chính là cách viết tắt của “bánh mì mỏ”. Trong đó, sắc đen bóng của vỏ bánh đại diện cho màu của những mỏ than Quảng Ninh – hình ảnh rất đỗi thân thuộc gắn liền với đời sống người dân nơi đây. Còn chả mực, đặc sản nổi tiếng của vùng biển được chọn làm nhân bánh, như “thổi hồn” vào đó chút nắng, chút gió nồng nàn của thành phố mỏ đến với từng thực khách. Thưởng thức chiếc bánh mỳ đen giòn tan, thơm nức hương vị hải sản biển, đã mang đến cho nhiều người những trải nghiệm ẩm thực đặc biệt.
Thoạt nghe có vẻ dễ dàng nhưng trên thực tế, trong suốt 1 năm nghiên cứu và thử nghiệm loại bánh mì mỏ này, anh Tuấn và các cộng sự đã đối mặt không ít khó khăn. Thứ nhất, bánh mì và chả mực là hai thực phẩm hiếm khi “đi” được cùng nhau. Từ trước đến nay, ít thấy sự kết hợp nào giữa bánh mì và hải sản. Bởi vậy, đội ngũ đã dày công nỗ lực tìm cách để hòa hợp 2 nguyên liệu này. Màu đen của bánh cũng là một bài toán khó. Nhóm đã phải tính toán kỹ lưỡng, thử nghiệm rất nhiều lần mới đạt được màu đen ưng ý. “Đen sao cho không bị xỉn, không bị nhạt nhòa quá, cũng không được “shock” quá. Làm thế nào phải ra được độ đen phù hợp”, anh Tuấn trải lòng.
Thêm nữa, dịch bệnh Covid-19 diễn ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình đưa sản phẩm tới thị trường, khiến đội ngũ đôi lúc mệt mỏi. Nhưng nghĩ tới tương lai được đưa hương vị quê hương đi xa hơn, ghi thêm được dấu ấn khó quên cho đất mỏ, họ lại tiếp tục miệt mài.
Một sản phẩm mới, khác biệt với thị trường ắt sẽ nhận được những ánh nhìn hồ nghi, ý kiến trái chiều. Thời điểm bắt đầu, đâu đó có những lời cười chê: “Làm bánh đen thui thế này thì ai ăn?”. Khi ấy, anh Tuấn và cộng sự vững tin rằng chỉ cần hiểu được ý nghĩa đằng sau chiếc bánh, người ta sẽ yêu thích và ủng hộ bánh mì hải sản của vùng đất mỏ than.
Chiếc bánh mỳ đen giòn tan, thơm nức hương vị hải sản biển.
Bất ngờ là sau khi Bamimo ra đời, bánh mì “bóng đêm” đã tạo nên một “cơn sốt” và nhận về nhiều lời khen ngợi của người dân Quảng Ninh và cả khách du lịch từ tỉnh thành khác. Theo nhận xét của một số bạn trẻ đã có dịp thử nghiệm loại bánh này, trông vẻ ngoài có phần hơi lạ nhưng bánh có hương vị rất thơm, ăn khá ngon miệng. Thậm chí, việc Bamimo đặt chân tới Hà Nội được xuất phát từ chính nhu cầu của Hà Nội chứ không nằm trong mục tiêu ban đầu của đội ngũ, anh Tuấn tiết lộ. “Nhiều thực khách đến từ Hà Nội, khi thưởng thức bánh mì mỏ tại Quảng Ninh đã có đánh giá tích cực về mùi vị và nước sốt của bánh. Khi thấy nhiều người đến khảo sát và xin nhượng quyền về Hà Nội, chúng tôi thêm động lực để cố gắng hơn”.
Gần đây, nhiều nơi đã xuất hiện sản phẩm nhái, bắt trend theo bánh mì bóng đêm Bamimo. “Tôi thấy đó là một sự khích lệ, bởi sau những cố gắng của chúng tôi, sản phẩm đã được nhiều người công nhận nên mới thử làm theo”, người đồng sáng lập Bamimo cười vui vẻ.
Anh Tuấn chia sẻ, trong tương lai, đội ngũ Bamimo mong muốn bánh mì mỏ sẽ phủ sóng trên các tỉnh thành lớn trên cả nước. Bên cạnh đó là phát triển những hương vị mới, nhân bánh mới để đáp ứng được nhu cầu và khẩu vị của người dân từng địa phương. Ví dụ như tại Hà Nội, nhóm đã tính toán kỹ và đưa ra thêm những hương vị đặc trưng đất Hà thành vào trong bánh mì để phù hợp hơn với khẩu vị người thủ đô.
Câu chuyện sáng tạo thương hiệu bánh từ niềm tự hào quê hương của Bamimo đã truyền cảm hứng không nhỏ tới nhiều tâm hồn yêu ẩm thực Việt. Đại diện Bamimo - anh Tuấn chia sẻ: “Tình yêu quê hương thì ai cũng có nhưng nhiều người không nhận ra điều đó. Trong sâu thẳm, tôi tin rằng ai cũng tự hào về mảnh đất quê hương mình và thể hiện tình yêu theo cách khác nhau. Ẩm thực là một phần của văn hóa, đặc trưng ẩm thực vùng miền chính là tiếng nói cho vùng đất ấy. Mỗi khi cần giới thiệu bạn bè đến với Hạ Long hay Quảng Ninh nói chung, với tôi, ẩm thực là lời giới thiệu đơn giản nhưng chân thật và sâu sắc nhất, không cần tới văn bản, lời nói hay bất cứ thứ gì khác”.
Với mục tiêu lan tỏa văn hóa Quảng Ninh, anh Tuấn mong cảm hứng đó sẽ được lan tỏa, những người dân địa phương sẽ luôn tìm tòi sáng tạo để mang tới ngày một nhiều hơn những sản phẩm đặc trưng của riêng quê hương mình. “Chúng tôi sẽ không ngừng cố gắng để mang tới sản phẩm bánh mì tốt nhất. Hy vọng bánh mì mỏ sẽ trở thành niềm hãnh diện cho những bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Quảng Ninh như tôi. Đồng thời, khi mang sản phẩm đi tới nhiều vùng đất mới, tôi muốn nhắn nhủ thông điệp rằng: Sáng tạo không cần tìm ở đâu xa, mà có thể đến từ chính những giá trị nguyên gốc ban đầu”.
Bamimo hiện có 5 cơ sở:
Tại Hà Nội:
Bamimo Hồ Gươm: Số 66 Lương Văn Can.
Bamimo Tây Hồ: Số 11 Thanh Niên.
Tại Quảng Ninh:
Bamimo Hòn Gai: Số 28 Phú Gia 3, Vinshome Bến Đoan, Hạ Long.
Bamimo Bãi Cháy: Ngã 6 Bãi Cháy, đường ra bãi tắm Sunworld.
Bamimo Cẩm Phả: Số 78a, Bái Tử Long, Cẩm Phả.
Vy Cầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất