Thực đơn cho bé chỉ thích ăn các món dai, giòn, mẹ nào có con trên 1 tuổi cần ghi nhớ!
Tin liên quan
Lần đầu làm mẹ, ngay từ khi con trai mới 4 tháng tuổi, chị Nguyễn Hằng Hải, sinh năm 1990, ở Thành phố Hà Tĩnh đã dành thời gian để tìm hiểu về các phương pháp ăn dặm. Với 3 phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm chỉ huy, và ăn dặm truyền thống, chị Hải đã tìm ra ưu nhược điểm của từng phương pháp và dựa vào khả năng của con cũng như điều kiện của bản thân để giúp con luôn hào hứng với món ăn và con có thể phát triển kỹ năng.
Chị Hải và con trai.
Chị Hải cho biết: “Mình đã lựa chọn kiểu nhật kết hợp BLW, bé Beer được tiếp xúc với các món thô hoàn toàn từ khi hơn 6 tháng tuổi, sau 10 ngày làm quen cháo, rau củ hấp luộc tỷ lệ 1:10. Ban đầu Beer gần như chỉ "ngắm ngía" và "nghiên cứu" với các món rau củ mẹ hấp. Rồi biết đưa lên miệng để cắn nhưng nhả chứ chưa nuốt. Sau 2-3 lần thì biết nuốt và có ọe 2-3 lần, nhưng sau những lần đó, Beer đã xử lý tốt hơn”.
Theo chị, phương pháp BLW giúp con trai phát triển kỹ năng nhai nuốt dạng thô tốt hơn là việc bé chỉ biết nuốt như các món cháo truyền thống. Sau khi bé được hơn 7 tháng, chị Hải đã tăng dần độ thô và bổ sung thường xuyên hơn các món rau củ, bánh ăn dặm để bé Beer phát triển kỹ năng nhai nuốt và đôi tay khéo léo hơn. Nhờ vậy, từ 8 tháng Beer đã có thể ăn bánh quy và bánh đa, trái cây có độ giòn xốp.
Chị Hải cho biết: “Do được ăn theo tinh thần Nhật là các món được chế biến riêng theo nhóm tinh bột, đạm, vitamin khoáng chất nên bé Beer khá nhạy vị, phân biệt được vị nào thích vị nào không thích, vị nào lạ miệng cũng như độ kết cấu của thức ăn: giòn hay nhuyễn, lỏng hay mềm. Dù cho vào miệng rồi nhưng nếu không đúng kết cấu hay vị Beer thích thì bạn ý sẵn sàng nhè ra, vì vậy, khi chế biến đồ ăn dặm cho bé, mình cũng phải có những bí quyết để phù hợp với con”.
Nói về kinh nghiệm chế biến đồ thô cho bé Beer, chị Hải cho rằng, bên cạnh tham khảo các thực phẩm nằm trong danh mục các mốc bé ăn được và chưa ăn được để kết hợp thì cái quan trọng vẫn là lựa theo khả năng xử lý thức ăn của con và sở thích của con. Nếu không theo con thì có nghĩa món ăn đó sẽ thất bại.
Bé Beer hào hứng với các bữa ăn của mẹ.
“Với mình, món ngon là món được con đón nhận và ăn ngon lành, còn nếu như con từ chối thì dù mẹ có thấy ngon đến đâu thì món đó coi như thất bại. Bản thân mỗi bé có những mốc phát triển khác nhau, nên mình không cố áp đặt con theo cách nào cả. Những món mình chế biến cho con vẫn rất Việt Nam theo tinh thần Nhật và thực hành trên phương pháp ăn dặm chỉ huy. Nếu như mẹ nào có ý định theo đuổi ăn dặm chỉ huy tức là cho con ăn thô sớm thì nên nghiên cứu kỹ để vững tâm và có lòng tin.
Các mẹ có thể tham khảo cuốn “Ăn dặm không phải là cuộc chiến” để hiểu hơn về phương pháp ăn dặm chỉ huy cũng như có cái nhìn đúng đắn về những lợi ích của ăn thô từ sớm. Đừng vì thiếu kiến thức mà vô tình tước đi quyền được nhai của con. Ăn thô muộn sẽ khiến con càng dễ bị hóc vì sau một thời gian dài chỉ biết nuốt bé sẽ còn phản xạ nhai và cảm nhận món ăn mẹ nấu. Đó là lý do tại sao nhiều bé ăn cháo lâu ngày trở nên biếng ăn khi ở độ tuổi 2-3. Đừng ngại con ọe hay phải dọn dẹp chiến trường của con mà không tạo cho con môi trường để con phát triển kỹ năng xử lý thức ăn của con”.
Một số thực đơn cho bé yêu ăn dặm của chị Hải:
Chị Hải tâm sự: “Với Beer, được chủ động ăn là niềm vui. Ở một tỉnh lẻ như mẹ con mình thì để theo đuổi phương pháp ăn này không phải là dễ. Vì ở đây các ông các bà thậm chí các bà mẹ trẻ như mình cũng đã theo kiểu lối mòn truyền thống, chỉ nấu 1 nồi cháo và ăn cả ngày. Rất may, mình được chồng ủng hộ dù trước đó cũng mất thời gian để tranh luận. Quan trọng nhất là con có những trải nghiệm ăn dặm thú vị thì mẹ không cảm thấy vất vả gì”.
Châu Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất