Lợi ích lớn nhất của việc khám thai là giúp bố và mẹ đảm bảo rằng mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp và nếu có bất kỳ trục trặc gì xảy ra, bố mẹ sẽ ngay lập tức được thông báo.
Buổi hẹn đầu tiên
Đương nhiên, việc bố đi cùng với mẹ là vô cùng cần thiết. Bố sẽ được gặp bác sĩ phụ sản – nhân vật quan trọng thứ hai trong thế giới của bố suốt 9 tháng tới, đôi khi còn quan trọng hơn cả bà ngoại nữa ấy chứ!
Bác sĩ phụ sản sẽ làm vài bài kiểm tra căn bản, đặt lịch khám thai cho bố và mẹ suốt thai kỳ và kiểm tra sự phát triển của đứa bé, nhịp tim và tình trạng sức khỏe của mẹ, nhóm máu và huyết áp,… Con lúc này chỉ nhỏ bằng một quả bóng golf nhưng bé đã có nhịp tim và nếu bố cư xử lịch sự, bác sĩ sẽ cho bố nghe nhịp tim của bé!
Những lần đi khám tiếp theo
Chăm sóc tiền sản là một quá trình kiểm tra thường xuyên để tìm ra những vấn đề liên quan đến việc mang thai càng sớm càng tốt – vậy nên việc đi khám đúng hẹn rất quan trọng. Ngoài ra còn có rất nhiều xét nghiệm và kiểm tra khác nhau có thể khiến bố cảm thấy vô cùng bối rối.
Về cơ bản, các bác sỹ có thể kiểm tra xem có vấn đề gì không (kiểm tra trên hình ảnh siêu âm) và nếu họ nhìn thấy một vấn đề nào đó thì họ sẽ làm thêm xét nghiệm chuẩn đoán triệu chứng để chắc chắn hơn. Thông thường, chỉ có 2 cách kiểm tra là siêu âm và xét nghiệm máu.
Dùng máy siêu âm
Hẳn bố đã nhìn thấy phương pháp này trên tivi vài chục lần rồi – đó là khi bác sỹ dùng một máy quét cầm tay đặt trên bụng vợ bạn và bạn nhìn thấy hình ảnh của một đứa trẻ bé xíu trong tử cung và bố sẽ chẳng biết đâu là hình ảnh của bé cho đến khi bác sỹ chỉ cho bạn xem con bạn nằm ở chỗ nào.
Siêu âm thai thực sự rất hữu ích. Với con mắt nghiệp vụ, các bác sỹ có thể dựa vào hình ảnh siêu âm để cho bố biết chuyện gì đang diễn ra. Đối với vợ chồng bạn thì đây là một cách giải tỏa lo lắng khi biết rằng mọi thứ đều vẫn ổn.
Bác sỹ sẽ yêu cầu siêu âm trong lần khám thai đầu tiên. Điều này sẽ cho phép các bác sỹ có một đánh giá chính xác về quá trình mang thai, xác định thời điểm đứa bé chào đời và biết đâu đấy, mẹ lại sinh đôi, hoặc sinh ba thì sao.
“Gặp” bé
Trong khoảng tuần thứ 18 -20, con đã cao được 6 inches (15cm) và đây chính là thời điểm cho lần siêu âm thứ hai.
Lần siêu âm này rất tuyệt vời. Bố sẽ được nhìn thấy con lần đầu tiên, thậm chí còn được cầm ảnh siêu âm của bé về nhà. Mẹ thì cảm thấy rất hồi hộp và gia đình nhỏ trở nên vui mừng, hạnh phúc. Tấm hình siêu âm đó không chỉ là tấm ảnh đầu tiên của bé, nó còn bao gồm những thông tin quan trọng, kiểm tra xem bé có điểm gì bất thường hoặc những vấn đề về sức khỏe có thể xảy ra sau này không. Bố và mẹ có thể vô cùng thích thú khi nhìn thấy bé lần đầu tiên nhưng mẹ có thể cảm thấy khá lo lắng cho nên bố hãy nói với mẹ rằng tình hình con vẫn ổn, mọi thứ vẫn đang đi theo đúng kế hoạch.
Con trai hay con gái?
Vào giai đoạn phát triển này thì bác sỹ đã có thể xác định giới tính của thai nhi. Vậy nên trước khi đi siêu âm, bố và mẹ thống nhất với nhau là có muốn biết trước giới tính của bé hay không và nếu vợ chồng bạn không muốn biết trước thì nhớ dặn trước bác sỹ siêu âm để tránh trường hợp lỡ miệng “bé giống bố nhé”!
Đó là cái gì vậy?
Tất nhiên, với con mắt của một người vô cùng “nghiệp dư”, bố sẽ không thể biết được những đốm lờ mờ trong phim siêu âm là gì. Chính vì vậy, hãy nhờ bác sĩ siêu âm giải thích thật kỹ lưỡng những gì mình còn thắc mắc, chẳng hạn như đường kính lưỡng đỉnh là gì, chiều dài đầu mông…
Xét nghiệm máu
Không ai thích kim tiêm, xét nghiệm máu và mấy thứ như vậy cả. Nhưng xét nghiệm máu có thể giúp xác định vấn đề chính xác hơn, như bệnh thiếu máu, nhiễm trùng hay thiếu kháng thể chẳng hạn. Xét nghiệm máu là việc làm cần thiết – vậy nên bố nên đi với mẹ, nắm tay mẹ thật chặt (và cố gắng đừng ngất xỉu).
Những xét nghiệm khác
Có một vài xét nghiệm khác mà bác sỹ phụ sản của bạn có thể yêu cầu để kiểm tra tình hình của bé khi cần thiết. Nếu cần tiến hành một xét nghiệm đặc biệt, bố lo lắng là điều hiển nhiên – xét nghiệm này để làm gì cơ chứ? Thực ra, bố nên nghĩ một cách tích cực hơn là việc phát hiện những bất thường sớm vẫn tốt hơn để đến khi sự đã rồi.
(Theo MB)
Chuyện 'ma quỷ quấy nhiễu' và lý giải khoa học