Những câu nói của ông bà dễ làm hư cháu

Những câu nói của ông bà dễ làm hư cháu

2016-05-11 11:03
- Ông bà thương cháu là chuyện hiển nhiên, nhưng cũng vì quá nuông chiều mà người già thường vô tình làm hư cháu bởi những câu nói theo quan niệm vốn có của họ.

Ông bà chăm cháu là nguồn hỗ trợ đắc lực giúp vợ chồng giảm bớt áp lực, đồng thời cũng giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu thương phong phú hơn trong cuộc sống. Tuy vậy, với tâm lý người già, vì cưng chiều cháu mà đôi khi ông bà có những câu nói dễ ảnh hưởng bất lợi cho tính cách và kỹ năng sống của trẻ sau này.

Những câu nói của ông bà dễ làm hư cháu

Đánh đồ vật và vỗ về “Chết nè, dám làm đau cháu của ông/bà”

Trẻ con tập đi khó tránh chuyện va chạm hay té ngã. Khi đau, trẻ thường khóc quấy và nhõng nhẽo không ngừng, những lúc như vậy, ông bà thường vội vội vàng vàng chạy đến bế cháu và có những hành động dỗ dành kiểu “trẻ con” như đánh đồ vật vừa làm cháu đau, đồng thời vừa luôn miệng xuýt xoa: “Chết nè, ai bảo dám làm cháu của ông/bà đau hả” v.v… Hành động này đơn thuần là ông bà xót cháu và muốn dỗ cháu nín khóc, nhưng thực tế nó có thể tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ. Quan sát lời nói và hành vi của ông bà, trẻ sẽ cảm thấy việc mình té ngã không phải lỗi của mình, luôn là lỗi của đồ vật hay bất cứ ai khác xung quanh. Lớn lên, trẻ sẽ luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác, thiếu khả năng tự nhận thức.

“Đừng nói cho mẹ cháu biết nhé”

Mẹ nào cũng hy vọng con cái trưởng thành khỏe mạnh nên nhiều lúc sẽ đặt ra những hạn chế để đề phòng ảnh hưởng bất lợi cho con, chẳng hạn như không cho con ăn vặt hay các món đồ chơi nguy hiểm. Kỳ thực, ông bà cũng mong cháu khỏe mạnh giống như vậy, nhưng trước sự đòi hỏi và mè nheo của trẻ, người già thường dễ “mềm lòng” hơn và có hành động dung túng cho cháu, lén cho cháu ăn hay chơi những thứ mẹ cấm và dặn dò: “Đừng nói cho mẹ cháu biết nhé, mẹ cháu không cho đâu…”. Cách nói này khiến trẻ hình thành tâm lý “Mẹ đối xử với mình không tốt nên mới cấm cái này cái kia”.

Những câu nói của ông bà dễ làm hư cháu

“Không sao, cháu cứ lấy một cái đi”

Nhiều lúc mẹ sẽ cùng ông bà và cháu đi mua sắm, trẻ con hiếu kỳ và chưa biết rằng phải mua và trả tiền rồi thì món đồ nào đó mới thuộc về mình, thường chúng thích thứ gì sẽ nhanh tay lấy mà không cần sự cho phép, lúc này mẹ thường nghiêm nghị ngăn lại, có khi còn khiển trách trẻ, tuy nhiên ông bà lại khác, đa số người già sẽ bao dung và chiều cháu hơn, để mặc cháu thực hiện hành vi không tốt đó, thậm chí còn nói: “Không sao, cháu cứ lấy một cái đi”. Thói quen này khiến trẻ hình thành ý nghĩ: “Chỉ cần mình không lấy nhiều là được”, lớn lên có thể khiến trẻ có thói quen ăn cắp vặt.

“Cháu còn nhỏ như thế thì biết cái gì”

Khi trẻ làm sai, mẹ thường có cách giáo dục nghiêm khắc hơn, giảng giải cái sai cho trẻ hiểu, thậm chí nếu nghiêm trọng có thể trách phạt trẻ. Tuy nhiên, ông bà luôn xót và bênh vực cháu với câu nói: “Cháu nó còn nhỏ thì biết gì”. Trẻ con tuy nhỏ nhưng quan sát rất nhanh, về lâu dài khi bạn yêu cầu trẻ làm việc gì đó, rất có thể sẽ nhận lại được câu trả lời kiểu: “Con còn nhỏ sao con làm được…”.

Những câu nói của ông bà dễ làm hư cháu

“Mẹ cháu không cần cháu nữa rồi”

Câu nói nghe chừng phản cảm này nhưng nhiều mẹ không thể trách được vì rõ ràng ông bà chỉ đang nói đùa với cháu. Tuy vậy, đối với tâm hồn đơn thuần của trẻ con, rất có thể trẻ nghĩ đây là câu nói thật. Trẻ sẽ cho rằng: “Cả ông bà cũng nói vậy thì mẹ thật sự không cần mình nữa rồi”. Đây là đả kích và tổn thương không nhỏ đối với trẻ. Sự sợ hãi này có thể dẫn đến những tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng cả đến tình cảm của hai mẹ con.

“Cháu không ăn cơm, ông bà không thương cháu nữa đấy”

Cách nói mang tính “uy hiếp” này khiến trẻ mất đi sự tín nhiệm đối với người lớn, lại vừa truyền đạt ý nghĩa rằng: “Muốn người khác nghe lời thì phải uy hiếp”. Điều này có thể khiến trẻ lớn lên trở thành một người bạo lực, mưu mô và thiếu thành thực.

“Sao cháu ngốc quá vậy”

Ông bà đưa cháu đi chơi, đôi lúc nhìn thấy mấy đứa trẻ khác chơi thật giỏi nên sốt ruột buột miệng bảo cháu mình: “Sao cháu ngốc quá, cái này phải làm như thế này này… lại đây ông bà dạy cho”. Thật ra người già chỉ muốn cháu mình xuất sắc hơn người khác nhưng tốt nhất là không nên bảo trẻ ngốc nghếch trước mặt người khác, vì dễ làm tổn thương lòng tự tin của trẻ, khiến trẻ sinh ra tâm lý tự ti rằng “Mình thật sự rất ngốc”.

Minh Thư

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư

Đọc nhiều nhất