Này anh, hôm nay mấy giờ, anh sẽ về với con???

Này anh, hôm nay mấy giờ, anh sẽ về với con???

2015-02-09 10:12
- Mỗi lần em gọi điện, anh đều nói là “đang bận”, “đang làm”, "đang đi đường",... Khi không có cách nào chống chế, anh nói rằng “lát nữa anh về”...

 

“Lát nữa” của anh chắc cũng sau 10h đêm. Em thường thở dài, trách anh sao không về sớm để con ngủ rồi. Anh tỏ ra khó hiểu, rằng vì sao chuyện con ngủ và thức trước khi anh về lại khiến em băn khoăn nhiều đến thế, khi mà dù anh có về sớm hay muộn, con vẫn ăn ngủ bình thường chứ sao???

Đâu đó, ai đó nhắc nhở em và đám đàn bà nhìn không quá sống mũi rằng, đừng có dại mà kiểm soát chồng mình, đừng có réo lên “anh ơi anh à”. Họ dạy chúng em hãy độc lập lên cho chồng biết nể, hãy lạnh nhạt lên cho chồng biết sợ, hãy tự chủ, tự do… Nhưng thực lòng, nói với anh điều này mà em đau lòng quá: rằng anh với em thì thế-nào-cũng-được, anh lừa dối hay bỏ rơi em, em cũng vẫn có cách giải quyết riêng của mình. Nhưng còn con, nó cần anh lắm, nó đâu biết “thủ đoạn” để kéo bố về nhà. Con chỉ đơn giản là cần được yêu thương, mà khi không được yêu thương đủ thì nó tự lui vào vỏ ốc của mình, tự trang trải nỗi cô đơn của mình, thế thôi. “Con cần cha, như nhà cần cột”, xã hội văn minh hiện đại đến đâu rồi, thì chuyện ấy vẫn là chuyện mới. Đừng nhìn những người mẹ đơn thân, những người mẹ phải chăm lo cáng đáng hết mọi việc với cái nhìn ước ao. Suy cho cùng, đó là điều bất đắc dĩ, sự chẳng đặng đừng.

Em không định “cò kè” với anh từng chút công việc nhỏ kiểu cơm nước nồi niêu. Em cũng biết là anh đưa tiền đã đủ. Nhưng chỉ mong anh hãy cho con mình tình yêu thương! Anh có thể nói rằng anh rất thương con, luôn có con trong lòng anh, rằng anh có thể ly dị em chứ con thì không bao giờ anh bỏ, rằng anh luôn chu cấp tiền nuôi con,... Vậy, anh có nghĩ được điều gì ngoài tiền và trách nhiệm về vật chất hay không?

Ai đó nói rằng, đàn ông Việt không biết thương con, bởi chưa từng phải thức khi con sốt, chưa từng phải rửa ráy mỗi lúc con ị, tè, chưa từng phải chăm sóc, chắt chiu cho đứa trẻ từng thìa cháo, thìa cơm, nên giữa cha và con không thể gần gũi được. Hình như cũng đúng. Em nhớ, trước đây ở quê, cứ mỗi lần trong nhà có phụ nữ sinh con thì đàn ông né tránh, chỉ có bà, có chị và mẹ là gẫn gũi với sản phụ và em bé. Thậm chí các cụ kiêng, không cho người chồng nằm cùng giường với người vợ trong thời gian ở cữ. Lớn lên một chút, mọi việc cháo sữa, ị tè của con cũng mặc nhiên là việc của “đám” đàn bà.

Hôm trước, em trông thấy trên tờ tạp chí, hình ảnh những người cha phương Tây cởi trần, áp đứa con đỏ hỏn vừa cắt rốn của mình vào ngực, vì mẹ các bé vừa sinh xong, còn đang mệt và đau. Nước mắt em lăn dài, không thể nào ngăn được. Em đọc những dòng chú thích rằng người thân phải áp bé vào ngực ngay khi bé vừa sinh ra, và để da tiếp da, mới tạo cơ hội yêu thương, mới tăng sức đề kháng và đánh thức sự nhạy cảm trong mọi giác quan của bé. Em nghĩ đến ngày em sinh con, anh còn chút công việc chưa giải quyết xong nên vừa đặt con vào lòng mẹ, anh đã chạy ngay đến công ty. Tất nhiên em không nghĩ là anh vô trách nhiệm, anh vui mừng vì có con lắm chứ, anh khoe với bạn bè gần xa, không giấu nỗi vui mừng. Nhưng anh có nghĩ, nên thay đổi cách chúng ta “ăn mừng” để con biết rằng anh có mặt? Sao anh không thay em, áp con mình vào ngực, để nghe từng hơi thở của con?

Có lần, một người phụ nữ nhận một đứa con nuôi đã chia sẻ với em rằng, muốn yêu một đứa trẻ thì vô cùng đơn giản, hãy cứ áp da thịt nó vào vòng tay và bầu ngực của mình. Như thế, mọi xa cách sẽ tan biến hết, chỉ còn da thịt, máu mủ của con người với nhau; sẽ cảm thấy tha thiết muốn che chở, bảo vệ cho đứa trẻ. Vậy mà người cha, cả một cuộc đời, có bao nhiêu lần ôm con? Bao nhiêu lần lau nước mắt cho con? Bao nhiêu lần ngồi chơi với con mà không “chấm chấm quẹt quẹt” đến smart phone của mình?

Em vẫn nhớ về câu chuyện “Am mây ngủ”. Câu chuyện về tình cha con dưới cái nhìn của một thiền sư. Câu chuyện nhẹ nhàng, thấm thía, xoay quanh chi tiết công chúa Huyền Trân - con gái vua Trần Nhân Tông được gửi đi làm hoàng hậu ở xứ Chiêm Thành. Sinh ra và lớn lên trong cung vàng điện ngọc, ở vào giai đoạn Đại Việt đang cực thịnh, công chúa gần như không có gì đau khổ, ngoài chuyện mẹ của nàng mất sớm. Đứng trước hoàn cảnh phải xa lìa dòng tộc, hoàng cung, phải đến một đất nước cách kinh đô Đại Việt cả tháng liền di chuyển, ở một vùng ngôn ngữ và văn hóa khác, làm vợ một ông vua gấp đôi tuổi mình vốn đã có sẵn rất nhiều thê thiếp, công chúa hẳn có nhiều điều hoang mang... Nhưng là phận gái, nàng gần như không có tiếng nói gì trong triều đình. Cho đến khi nàng được gặp cha, Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi ấy đã là một vị Thiền sư, ở Am Ngọa Vân vùng núi non Yên Tử. Ông nói với nàng về sự cần thiết phải xây dựng mối quan hệ thân tình hai nước, phải gắn bó hai giống nòi Chiêm - Việt để chấm dứt giao tranh, phải tạo lòng tin trong dân chúng Chiêm Thành rằng người Việt với người Chiêm không phải kẻ thù. Và, quan trọng nhất, người cha ấy đã khiến con gái tin rằng: cha ở trong chính bàn tay con, chỉ cần xòe tay ra là con biết cha mẹ, giống nòi, dân tộc này bên con.

Trong triều đình khi ấy, và cả những lời đánh giá sau này, vẫn có những người cho rằng công chúa ra đi vì sự toan tính chính trị của cả một triều đại. Nhưng Huyền Trân chắc chắn là không ai hiểu cha bằng nàng, rằng cha nàng bình an tự tại, bởi ông là người đã lên núi xuất gia, ông không định đem con gái mình ra làm trò tráo đổi lấy đất đai, lãnh thổ. Lòng tin ấy, sự kính trọng, thấu hiểu và tình thương ấy, khiến con người ta hướng thiện, sống tha thiết và dám hi sinh cho lý tưởng thanh cao.

Câu chuyện ấy làm anh nghĩ gì? Có người cha nào và cô con gái nào thấu hiểu lẫn nhau bằng cái nhìn trong sáng, thấu suốt và nhân văn đến vậy không anh? Làm sao để con mình, cũng cảm nhận được tình yêu thương và tin tưởng cha nó đến thế?...

Và, hôm nay thì mấy giờ, anh sẽ về với con?

Nguyên Ân
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nỗi niềm của những cô gái dành cả 'thanh xuân' để đi ăn cưới bạn bè

Đọc nhiều nhất