Mẹo giúp mẹ trải qua 24 giờ sau sinh thật suôn sẻ

Mẹo giúp mẹ trải qua 24 giờ sau sinh thật suôn sẻ

2015-12-12 16:00
- 24 giờ sau sinh là khoảng thời gian kỳ lạ nhất – kể cả với người sinh con lần đầu hay đã có nhiều kinh nghiệm.

24 giờ sau sinh, cơ thể mẹ trải qua biết bao thay đổi, cùng với đó là hàng loạt cảm xúc từ mệt mỏi, đau đớn đến hạnh phúc lâng lâng vào giây phút con cất tiếng khóc chào đời.

Đối với người lần đầu làm mẹ, mọi thứ càng lạ lẫm và khó thích nghi hơn dù trước đó mẹ đã chuẩn bị tâm lý khá vững vàng. Từ cách bế ẵm, cho con bú giọt sữa đầu đời đến cách thay tã thay bỉm và cả cách giao tiếp với con. Mẹ cũng lạ lẫm với những thay đổi trên cơ thể mình. Những cơn co dạ con bắt đầu, vết khâu mổ, vết rạch tầng sinh môn khiến mẹ không thể vận động bình thường, rồi đến hai bầu ngực căng cứng sữa mà cứ mãi lúng túng không biết phải làm sao.

Khi được bế bé con nhỏ trên tay, mẹ lo lắng không biết có chăm con tốt không. Cứ ngắm nhìn con mãi vì sợ con không… thở nữa. Mẹ quên mất khái niệm ngày đêm, chỉ tập trung vào việc đáp ứng mọi nhu cầu của con.

Có những mẹ cảm thấy tình mẫu tử dạt dào ngay khi nhìn thấy gương mặt xinh như thiên thần của con. Nhưng cũng có những mẹ quá mệt mỏi sau cơn vượt cạn mà chưa tìm thấy sự kết nối ấy. Hãy cứ bình tĩnh, cho con được da tiếp da với mẹ ngay sau sinh, mẹ sẽ tìm lại ngay cảm giác thân thương và càng thắt chặt thêm sợi dây tình cảm giữa hai mẹ con.

Cơ thể mẹ thay đổi sau sinh như thế nào

Sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” lớn đưa em bé đến với thế giới này, cơ thể mẹ sẽ đau nhức, mệt mỏi, thậm chí kiệt sức.

Sau sinh mẹ sẽ ra sản dịch (là máu và các dịch còn lại trong tử cung và đường sinh dục). Thông thường sản dịch sẽ hết trong vòng 6 tuần. Thời gian này mẹ nên mang băng vệ sinh loại dày, chú ý thay băng thường xuyên và giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ.

Mẹo giúp mẹ trải qua 24 giờ sau sinh thật suôn sẻ

Một số sản phụ có thể bị táo bón ngay sau khi sinh. Mẹ nên duy trì ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước. Nếu tình trạng vẫn không cải thiện, sản phụ nên xin tư vấn của bác sỹ về việc sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc làm mềm phân.

Thời gian này hàm lượng hoóc-môn trong cơ thể thay đổi sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn rất nhiều, tâm lý cũng không được ổn định. Hãy cố gắng thư giãn để cơ thể hồi phục nhanh sau sinh.

Những thay đổi sau ca sinh thường

Phần lớn những ca sinh thường đều phải rạch tầng sinh môn. Do đó 24 giờ sau sinh, sản phụ sẽ cảm thấy đau nhói ở vết cắt tầng sinh môn. Mẹ có thể chườm nước đá để giảm sưng. Nếu đi tiểu quá khó khăn, mẹ có thể dội nước ấm vào âm đạo, sau đó đi tiểu bình thường.

Bị són tiểu, bí tiểu là hai triệu chứng thường gặp sau sinh nhưng sẽ không kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu do các dây thần kinh kết nối với cơ sàn chậu bị kéo giãn quá mức trong ca vượt cạn.

Thực hiện các bài tập sàn chậu để tăng cơ xương chậu và cải thiện khó khăn khi đi tiểu tiện. Các bài tập này cũng đẩy nhanh quá trình hồi phục sau sinh của sản phụ.

Nếu nuôi con bằng sữa mẹ, ngực mẹ sẽ thay đổi như thế nào

Nếu cho con bú, ngực của mẹ sẽ tiếp tục sản xuất sữa non – những giọt sữa đầu đời cung cấp những kháng thể vô giá, giúp bé chống lại một số loại bệnh sau này. Có thể sau sinh sữa mẹ chưa về ngay lập tức, thậm chí lâu hơn đối với trường hợp đẻ mổ. Ngực mẹ lúc này căng, cứng và nặng hơn rất nhiều.

Mẹ có thể cho bé bú theo tư thế truyền thống. Mẹ ngồi, một tay đỡ đầu và lưng, mông bé, tay kia hỗ trợ. Mặt bé hướng đối diện với bầu vú. Mẹ chú ý cho bé bú đúng tư thế, đúng cách, miệng của bé ngậm trọn quầng vú, không ngậm riêng núm vú để tránh mẹ bị nứt đầu vú.

Ngực mẹ thay đổi thế nào nếu mẹ cho con bú sữa công thức

Nếu bạn lựa chọn nuôi con bằng sữa công thức, mẹ cần sự tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa để ngăn chặn sự tiết sữa. Vì cơ thể mẹ vẫn sẽ tiếp tục sản xuất sữa kể cả khi bé không bú. Các tuyến sữa sẽ cần thời gian để giảm dần lượng sữa tiết ra. Khi sữa về, ngực sẽ căng tức khó chịu. Khoảng 3 ngày sau tình trạng sẽ giảm dần. Nếu mẹ đau do căng tức sữa, mẹ cần dùng thuốc giảm đau, chườm nước đá hoặc vắt bớt sữa đi.

Những thay đổi sau ca sinh mổ?

Sau sinh mổ, mẹ được về phòng hậu phẫu 6 tiếng để theo dõi các bất thường có thể xảy ra. Lúc này thuốc gây tê vẫn còn tác dụng nên sản phụ không thấy đau. Nhưng sau 6 tiếng mẹ sẽ cảm nhận rõ những cơn co dạ con và vết đau do mổ.

Sinh mổ cần thời gian hồi phục lâu hơn sinh thường. Sản phụ sẽ cần sự giúp đỡ của người thân trong bất cứ việc gì. Chú ý không làm việc gì trong ít nhất 1 tuần. Tránh mang vác vật nặng. Tuy nhiên không nên nằm cố đinh một chỗ, nên đi lại nhẹ nhàng để cơ thể mau hồi phục.

Đối với sinh mổ, mẹ cần chú ý đến vết khâu mổ. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, vết mổ chảy máu, mủ hoặc có mùi cần phải đến bệnh viện ngay. Vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Việt Hà – Nguồn: BC
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cháu bà nội tội bà ngoại

Đọc nhiều nhất