Mẹ gốc Việt kể chuyện chăm con “dễ như trở bàn tay” ở Đài Loan

Mẹ gốc Việt kể chuyện chăm con “dễ như trở bàn tay” ở Đài Loan

2016-04-07 13:00
- Nếu ai đó từng nghe câu chuyện của mẹ Thanh Tuyến ở Đài Loan thì hẳn sẽ phải "mắt chữ A, mồm chữ O" vì cách chăm sóc và nuôi dạy con đặc biệt ở đây.
Mỗi lần trở về Việt Nam với gia đình, bé Trần Di Phi (4 tuổi) lại vô cùng hào hứng với mọi trò chơi của các bạn đồng trang lứa. Dù không biết tiếng Việt, nhưng cô bé 4 tuổi vẫn “xì xồ” tiếng Trung và cười khanh khách chẳng chút mệt mỏi. Ai đi qua thấy bé cũng phải khen: “Sao mẹ bé chăm mát tay vậy. Chẳng khụt khịt mũi hay nứt nẻ má chút nào”.
Ấy thế nhưng, sự thật là cô bé Di Phi lớn lên lại nhờ một tay ông bà nội người Đài Loan chăm sóc, bởi sau 2 tháng sinh, mẹ bé (chị Trần Thanh Tuyến, 28 tuổi, Hải Dương) đã phải đi làm, 2 tuần mới về với con 1 lần. 
Nhiều người trong gia đình còn đùa rằng: “Mẹ Tuyến chẳng có khái niệm nuôi con thơ là gì. Còn bé Phi trộm vía, 4 năm chưa hề biết đến một lần sốt hay đi bệnh viện”. Chị Tuyến chỉ biết lỏn lẻn cười hạnh phúc vì mình may mắn có ông bà nội khéo chăm cháu. Chị cũng kể, các bà bầu ở Đài Loan được chăm sóc theo một chế độ rất khác ở Việt Nam. Cùng tìm hiểu về hành trình bầu bí và sinh nở của chị Tuyến nhé!
Mẹ gốc Việt kể chuyện chăm con “dễ như trở bàn tay” ở Đài Loan
Gia đình hạnh phúc của bà mẹ gốc Việt - chị Thanh Tuyến.
Đi đẻ như đi... du lịch
Chào chị Tuyến! Sống ở Đài Loan đã lâu, chị có thể chia sẻ với độc giả của Emdep.vn về cách theo dõi, chăm sóc bà bầu ở bên đó không?
Mình sang từ năm 18 tuổi. Năm 24 tuổi kết hôn với một anh người Đài Loan. Tính đến nay mình cũng định cư ở đây được khoảng 10 năm rồi.
Ngày từ hồi mình mang bầu ở đây, mọi cách theo dõi của bác sĩ khác hoàn toàn ở Việt Nam. Dịch vụ y tế ở Đài Loan rất tốt. Bác sĩ theo dõi cũng cẩn thận. Và thuốc bổ chỉ được uống đúng liều lượng, kê đơn và theo dõi hàng ngày. Không như một lần mình đi khám ở Việt Nam, bác sĩ cứ bắt phải mua thuốc bổ này,  thuốc bổ nọ”.
Vậy khi lâm bồn, chị có ấn tượng gì nhiều về lần vượt cạn đầu tiên này không?
Trong kỳ sinh lần đầu tiên tại đất khách này, mình thấy “đi đẻ như đi du lịch” vậy. Hôm sắp đến ngày dự sinh, mình vào viện để bác sĩ khám. Sau khi đo cổ tử cung và tim thai, mình và ông xã đi ăn bình thường. 
30 phút sau, một y tá đến tận nơi chăm sóc và theo dõi cho mình. Họ cho 2 ống thông đi vệ sinh cho sạch sẽ rồi vào truyền nước. Cứ khoảng 15-30 phút mình được đo cổ tử cung một lần. Khoảng 2 tiếng sau, mình bắt đầu đau bụng chuyển dạ. Bác sĩ nói cổ tử cung mở 10 phân rồi nên vào phòng sinh.
Chỉ 10 phút sau là em bé ra đời. 
Mẹ gốc Việt kể chuyện chăm con “dễ như trở bàn tay” ở Đài Loan
Theo chị Tuyến, sinh nở ở nước ngoài giống như một chuyến... du lịch vậy.
Sau đó, bác sĩ mang em bé vào cho mình xem con thế nào, mặt mũi tay chân ra sao, là con trai hay gái. Rồi họ mang em bé đi, còn mình ở lại được bác sĩ khâu vết rạch cho. Xong ra ngoài nằm ở phòng sau sinh. 
Người ra đưa đến cho mình 1 bát canh thuốc Bắc đùi gà ăn rồi năm đợi đến khi nào đi được tiểu tiện mới được lên phòng nghỉ ngơi. Mình nằm một mình một phòng riêng, có ti vi, nhà vệ sinh sạch sẽ. Cứ 4 lần 1 ngày, bác sĩ lên kiểm tra xem tử cung đã vào vị trí chưa, bụng còn khó chịu không rồi siêu âm xem còn sót gì trong bụng không,... Một ngày mình được xuống chơi với con 3 lần, mỗi lần 20 phút. Họ tự chăm sóc bé mà mình không cần phải chăm hay cho bú suốt 3 ngày liền. 
Sau khi trở về nhà, chị có phải kiêng như những mẹ bỉm sữa ở Việt Nam không? 
Bên này cũng có cách ăn kiêng riêng. Mình không có sữa nên bé uống 100% sữa ngoài. Thông thường mẹ sau sinh sẽ có hộ lý đến chăm sóc 1 tháng, vừa tắm cho bé vừa tắm cho mẹ. 
Chị có dành thời gian nhiều để chăm sóc bé không? Cách chăm sóc trẻ nhỏ ở đó khác với Việt Nam như thế nào?
Ở bên này khác lắm. Bé sinh được 2 tháng là mẹ đã đi làm, có bảo mẫu trông con. Mình cũng vậy, 2 tuần mới được về với con 1 lần. Lúc đầu nhớ lắm, sau dần rồi quen. May mà nhờ ông bà nội khéo tay chăm sóc bé kỹ. Bây giờ mình về bé cũng hay ngủ với ông bà.
Trẻ nhỏ cứ 4 tiếng cho uống sữa 1 lần. Bỉm thì cứ thấy 2 vạch màu xanh đậm hiện lên thì thay. Sau 6 tháng, trẻ được ăn 4 bữa, sáng, trưa, tối và đêm. Nếu đêm ngủ say thì không cần đánh thức dậy. Và không có kiểu ăn dặm như khuấy bột hay ăn dặm chỉ huy. Ông bà cứ cho bé ăn đồ loãng như nước hầm, sữa pha với bột ăn liền đến khi nào biết ăn cơm thì thôi.
Khi về việt Nam, rất nhiều người khen bé Di Phi nhà mình trộm vía xinh xắn, mạnh khỏe. Chị cảm thấy thế nào?
Thực ra mình thấy may mắn vì ở Đài Loan thời tiết khá tốt. Bé nhà mình trộm vía chưa bao giờ sốt hay vào bệnh viện. Mọc răng cũng không bị chảy dãi. Về Việt Nam, sụt sịt mũi xịt thuốc 1 tý là mai chạy nhảy như bình thường.
Gia đình chị cũng chuẩn bị chào đón thành viên thứ 2. Chị có dự định gì cho lần vượt cạn này và chăm sóc bé không?
Lần thứ 2 này, mình dự định sẽ nghỉ sinh 6 tháng để chăm sóc bé. Mình cũng muốn chuyển về gần nhà để cho bé thứ nhất đi học. Mong là mọi chuyện đều suôn sẻ.
Cám ơn chị rất nhiều về cuộc trò chuyện này! Chúc chị sinh bé mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông!
Mai Lynk

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 màu son cho da ngăm cực tôn da

Đọc nhiều nhất