Rèm cửa sổ là vật dụng không thể thiếu trong bất cứ gia đình nào và chúng được thiết kế có dây kéo để thuận tiện cho việc sử dụng. Nhưng chính sự tiện dụng này lại là thủ phạm gây nên những tai nạn thương tâm cho trẻ. Điều này có thể sẽ khiến các ông bố, bà mẹ cảm thấy vô lý khi nghe thấy. Nhưng đó lại là sự thực. Lý do là bởi trẻ thì luôn có bản tính tò mò và thích khám phá, chính vì vậy, trẻ rất dễ dàng bị dây rèm cửa cuốn vào cổ hoặc rơi vào người nếu trẻ nghịch ngợm.
Rèm cửa là vật dụng vô cùng quen thuộc trong mỗi gia đình nhưng nó có thể khiến con bạn gặp những nguy hiểm không ngờ
Tai nạn từ rèm cửa – tưởng hiếm mà không hiếm
Trong một bài báo trên tờ NBC news vào tháng 10 năm 2014 cho biết, mỗi tháng trung bình sẽ có một trẻ em tử vong do bị nghẹt thở vì dây rèm cửa sổ. Đây là số liệu được thống kê từ Uỷ Ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC). CPSC còn cho biết thêm rằng trong suốt 30 năm qua, ít nhất 332 trẻ em, hầu hết là dưới 2 tuổi đã từng bị siết cổ bằng dây kéo rèm cửa sổ. Trong đó, 165 bé đã từng bị thương và có một số trẻ bị tổn thương não vĩnh viễn hoặc tổn thương tứ chi cần chăm sóc suốt đời.
Cũng trong bài báo này, NBC news đã liệt kê một vài tai nạn đáng buồn từ những chiếc dây rèm cửa quen thuộc. Đầu tiên là trường hợp của cô bé Cheyenne Rose (1 tuổi) sống tại thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri Hoa Kỳ. Cô bé đã ra đi bởi chính sợi dây rèm cửa ngay trong căn phòng ngủ của mình. Trường hợp thứ hai là bé Cormac, cậu con trai 2 tuổi của bà mẹ Erica. Erica cho biết vào ngày 01/03/2014, khi bước vào phòng, cô đã bàng hoàng khi thấy bé Cormac nằm bên dưới cửa sổ cùng hai con thú nhồi bông yêu thích. Đến gần, cô thấy môi và móng tay con đã bị thâm tím vì mắc kẹt dây rèm cửa sổ. Tuy nhiên vì phát hiện quá muộn, Cormac đã tử vong khi đưa vào viện. Một trường hợp nữa xảy ra vào năm 2013, cậu bé Colton đã qua đời chỉ hai ngày trước sinh nhật lần thứ hai. Erin Shero, mẹ của Colton cho biết cô rời khỏi căn phòng chỉ hai phút đồng hồ để chuẩn bị cho cậu bé một bữa ăn nhẹ. Nhưng đổi lại, cô đã nhận được một sự thật kinh hoàng.
Tại Mỹ, trung bình mỗi tháng sẽ có một trường hợp tử vong do rèm cửa. (Ảnh minh họa)
Tổ chức Parents for Window Blind Safety đã thực hiện một video mô phỏng lại tai nạn từ rèm cửa để cảnh báo nguy hiểm từ vật dụng quen thuộc này. Trong video, cũng chỉ vì một phút lơ là của bố mẹ đã khiến một việc vô cùng đáng tiếc xảy ra.
Tại Việt Nam, báo chí mới chỉ ghi nhận được một trường hợp tai nạn vì rèm cửa tại Hà Nội vào tháng 11/2014. Đó là trường hợp của bé Văn, học sinh lớp 2 (7 tuổi) trường tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) đã bị ngừng tim do ngạt thở vì bị rèm cửa thít chặt cổ. Cụ thể, trong giờ ra chơi, một số học sinh cùng lớp với Văn đã nghịch ngợm và dùng dây rèm cửa quấn ngang cổ Văn. Khi ghế đổ, bé Văn bị dây rèm cửa thít chặt cổ và treo lơ lửng trên cửa sổ. Ngay sau đó, Văn đã được bảo vệ và nhân viên y tế của trường đưa xuống. Tuy nhiên, lúc đó, Văn đã ngừng thở và ngừng tim do ngạt. May mắn rằng sau 2 phút được nhân viên y tế cấp cứu, Văn đã tự thở lại được bình thường.
Bé Văn với vết thắt ở cổ
Báo động khẩn dành cho các bậc phụ huynh
Có thể nhận thấy rằng rèm cửa thực sự là một mối nguy hiểm lớn với các gia đình có con nhỏ khi mà những chiếc rèm cửa hiện hữu ở khắp nơi, trong bất cứ gia đình nào. Và chỉ cần một chút sơ sẩy nhỏ thôi, chúng cũng có thể trở thành thủ phạm cướp đi đứa con của bạn. Những tai nạn từ rèm cửa có thể kể đến bao gồm:
- Bị ngạt thở, thít cổ do vướng vào dây rèm
Bé hoàn toàn có thể bị thít cổ nếu vướng phải dây rèm (Ảnh minh họa)
- Bị rèm rơi vào người. Điều này đặc biệt cần lưu ý với các bé dưới 2 tuổi và rèm là rèm gỗ hoặc có trọng lượng nặng
Những chiếc rèm bằng gỗ rất nặng và có lực rơi mạnh khi giật dây rèm (Ảnh minh họa)
- Bị rèm đâm vào người, mặt (với những rèm cửa dạng thanh)
- Nuốt các chi tiết nhỏ trên rèm cửa vào miệng.
Vậy bố mẹ cần phải làm gì để bảo vệ con khỏi những nguy hiểm này?
- Không kê cũi, giường, tủ hay để ghế gần cửa để ngăn chặn khả năng trẻ leo lên cửa sổ rồi ngã xuống dưới, hoặc bị nghẹt thở vì vướng dây.
- Nên sử dụng rèm cửa sổ không dây khi nhà có con nhỏ hoặc nếu đã lắp rèm có dây, cần để dây tránh xa tầm với của trẻ.
- Hạn chế lắp các loại rèm cửa có trọng lượng nặng hoặc có sức rơi mạnh khi thả xuống.
- Hạn chế lắp các loại rèm cửa dạng thanh khi nhà có bé dưới 2 tuổi.
- Hãy chắc chắn rằng, rèm cửa không có bất kỳ chi tiết nhỏ nào mà trẻ có thể nuốt vào.
- Không để bé chơi một mình khi không có người lớn bên cạnh.
Ngọc Anh
Những ứng viên 'đe dọa' ngôi nữ hoàng giải trí của Hà Hồ