6 bộ phận cơ thể phát "tín hiệu" bé bị nhiệt và cách trị hữu hiệu
Tin liên quan
Người lớn bị nhiệt còn có thể tự mình phán đoán, nhưng trẻ nhỏ phải cần sự quan sát của phụ huynh để kịp thời nắm bắt các tín hiệu và có biện pháp điều trị, đảm bảo sức khoẻ cho bé.
1. Sáu bộ phận có thể phát “tín hiệu” bé bị nhiệt cơ thể
Màu sắc hậu môn
Khi tắm cho bé, bạn nên chú ý hơn đến hậu môn vì bộ phận này thường bị bỏ qua. Khi bé khoẻ mạnh bình thường, hậu môn sẽ có màu hồng hào, nhưng nếu đường ruột bị nhiệt, màu sắc hậu môn sẽ trở nên đỏ hơn bình thường, nếu càng sẫm màu thì khả năng bé bị nhiệt nặng trong cơ thể càng lớn.
Khoé mắt
Cơ thể con người rất thông minh, mọi bộ phận đều có thể “nói” tình trạng bệnh tật. khi thấy mắt bé đổ ghèn chính là tín hiệu cơ thể bị nhiệt ở gan. Bé bị tình trạng này còn có thể kèm theo nhiều biểu hiện “khó ở” khác như dễ cáu gắt, quấy khóc v.v…
Lưỡi
Nếu thấy đầu lưỡi, hai bên lưỡi của bé bị đỏ, bạn cũng nên chú ý vấn đề bé bị nhiệt ở tim, còn gọi là “tâm hỏa”. Ban ngày bé thường tỏ ra rất khát nước, ban đêm thường trở mình, ngủ không ngon giấc hoặc không buồn ngủ.
Khoé miệng
Bạn thích hôn chiếc miệng nhỏ xinh của bé nhưng lại thường bỏ qua sự quan sát tín hiệu sức khoẻ từ đây. Nếu thấy khoé miệng bé có nhiều mảng da trắng bị bong tróc có thể bé đang bị nhiệt ở tỳ, bạn nên có biện pháp kịp thời điều trị.
Độ mềm rắn của phân
Khi phát hiện bé hay xì hơi có mùi hôi, ngoài việc phải quan sát độ mềm rắn của phân khi bé đại tiện ra, bạn còn chú ý thêm biểu hiện của bé khi đi vệ sinh, xem bé có thoải mái và thuận lợi hay không. Nếu bé tỏ ra đau đớn và dùng sức nhiều mới đại tiện được, phân thải ra rất cứng và có mùi hôi khó chịu, chứng tỏ bé đang bị nhiệt dạ dày.
Nhiệt độ và độ ẩm lòng bàn tay
Lòng bàn tay bé thường mát mẻ và hơi ẩm là bình thường, nhưng nếu vừa khô vừa nóng, buổi tối đổ mồ hôi nhiều thì khả năng bé bị “hư hoả”, do thể chất yếu và có thể do bạn cho bé ăn quá nhiều thực phẩm lạnh, tính hàn.
2. Nguyên tắc chăm sóc khi bé bị nhiệt
Đảm bảo chăm bé bằng sữa mẹ
Khi bé bị nhiệt thì loại thực phẩm tốt nhất là sữa mẹ càng phải được đảm bảo để bé hấp thu đủ dưỡng chất cần thiết, tăng sức đề kháng. Trong sữa mẹ, nồng độ Fructose oligosaccharide (chất xơ hòa tan) là rất cao, có đến hơn 130 chủng loại, đặc biệt Galacto-oligosaccharide (GOS) là nhiều nhất, những chất này tồn tại trong đường ruột ở hình thức chuỗi ngắn của đường galactose, có thể nhanh chóng thúc đẩy sự sinh sôi của các vi khuẩn có lợi, giúp bé đẩy lùi chứng nhiệt cơ thể.
Chú ý chế độ ăn dặm hằng ngày
Đối với những bé lớn hơn hoặc nếu bé đã ăn dặm, trong khẩu phần ăn hằng ngày, bạn nên chú ý hơn trong việc lựa chọn thực phẩm. Tốt nhất là có chế độ ăn thanh đạm, nhiều rau xanh, củ quả như củ cải, rau cần, cà chua, cải ngồng v.v… Hạn chế cho bé ăn đồ cay, nhiều dầu mỡ và nhiệt lượng cao. Khi chế biến món ăn, bạn có thể phối hợp nhiều công thức để cân bằng dinh dưỡng cho bé. Ngoài ra, một số món canh hạ hoả cũng có thể làm cho bé ăn như canh đậu xanh, canh táo đỏ nấu cẩu kỷ tử v.v…
Bé khi bị nhiệt sẽ không muốn ăn hoặc ăn uống khó khăn. Vì vậy bổ sung thêm trái cây sẽ giúp kích thích vị giác, giúp bé ăn được nhiều hơn và có đủ dưỡng chất cho cơ thể. Các loại trái cây thường giàu dinh dưỡng và hỗ trợ tích cực cho tiêu hoá, còn thúc đẩy sự phát triển khoẻ mạnh của trẻ. Bạn cũng có thể cho bé uống thêm nước ép trái cây để thay đổi khẩu vị và tạo sự hấp dẫn cho những bữa ăn.
>> Mẹo giải nhiệt mùa hè cho bé bằng bột sắn dây
Đảm bảo môi trường nghỉ ngơi cho bé
Tập cho bé thói quen uống nước đun sôi để nguội với chế độ khoa học, nhằm tránh tình trạng cơ thể mất nước do bị nhiệt, đồng thời giúp làm sạch dạ dày, đường ruột và thải độc cơ thể. Ngoài ra, môi trường nghỉ ngơi cho bé cần đảm bảo tốt hơn lúc bình thường vì khi bị nhiệt, bé khó chịu và rất khó ngủ, nếu không ngủ đủ giấc sẽ làm tình trạng nặng hơn. Bầu không khí cho bé ngủ phải luôn sạch sẽ, thông thoáng, tạo thêm những chi tiết thú vị hay những món đồ “dễ ru ngủ” để bé nhanh chóng có giấc ngủ sâu.
3. Một số món ăn cải thiện tình trạng bé bị nhiệt
Canh mộc nhĩ, mè đen
Mè đen 10gr, mộc nhĩ một ít ngâm nước ấm cho mềm rồi bỏ chung mè đen cho vào nồi, thêm nước, đường phèn và nấu sôi. Công hiệu: thanh lọc và làm nhuận cơ thể, thích hợp nhất với trẻ bị đi đại tiện khó khăn do nhiệt.
Cháo gạo lức, bạc hà
Bạc hà 12gr, gạo lức 50gr, đường phèn. Nấu hỗn hợp gạo lức, bạc hà thành cháo, thêm đường phèn vừa ăn là được. Công hiệu: Tiêu viêm, thanh nhiệt.
Cháo hạt sen
Hạt sen 15gr, hoa bách hợp khô 15gr, trứng gà 1 quả, đường phèn. Hạt sen rửa sạch bỏ tim, cho cùng hoa bách hợp vào nồi, thêm nước vừa đủ và chưng cho đến khi hạt sen mềm, thêm một quả trứng gà và đường phèn vừa ăn. Sau khi trứng đã chín, tắt bếp để nguội cho bé dùng. Công hiệu: Kiện tỳ, bổ khí huyết, nhuận phổi, định tâm, an thần.
Ngân nhĩ chưng lê
Lê 1 quả, ngân nhĩ 30gr, đường phèn. Ngân nhĩ rửa sạch, xắt miếng nhỏ; lê gọt vỏ bỏ hạt, xắt viên vừa ăn. Cho hỗn hợp cùng đường phèn vào nồi chưng cách thuỷ trong 30 – 40 phút. Công hiệu: Nhuận âm, giải độc, thanh phổi, tiêu viêm, hạ hoả.
Lưu ý: Một số thành phần trên nếu không có sẵn, mẹ có thể tìm mua cho bé tại các hiệu thuốc Đông y nhé!
Nguyệt Quế
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất