9 nguyên tắc dùng đũa của người Nhật: ai cũng nên học để ăn uống lịch sự hơn
Tin liên quan
Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là một đất nước truyền thống với nhiều phong tục, lễ nghi đa dạng. Đặc biệt, văn hóa dùng đũa trong bàn ăn cũng được quy định khá nghiêm ngặt kèm nhiều điều cấm kỵ ít ai ngờ. Do đó, khi sang Nhật hoặc thường xuyên tiếp xúc với người Nhật thì bạn nên tìm hiểu trước các nguyên tắc này để không phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi ăn nhé.
Nguyên tắc dùng đũa của người Nhật:
Nguyên tắc 1: Không được cắm đũa vào bát cơm
Cắm đũa vào bát cơm chỉ được sử dụng cho người chết cũng như trong đám tang nên đây là điều cấm kỵ trong văn hóa dùng đũa của người Nhật Bản.
Nguyên tắc 2: Không cắm đũa vào thức ăn
Ngoài việc tránh cắm đũa vào bát cơm thì bạn cũng không nên cắm đũa vào thức ăn để đưa vào miệng mà hãy dùng đũa gắp sẽ lịch sự hơn. Người Nhật cho rằng, việc cắm đũa vào món ăn là hành động thiếu tôn trọng đối với người đã nấu ra món ăn đó.
Nguyên tắc 3: Không gắp chuyền thức ăn
Ở Nhật Bản có tập tục dùng đũa gắp chuyền xương cốt người chết để cho vào các hũ đựng nên trong bàn ăn người Nhật cấm kỵ thói quen dùng đũa gắp chuyền thức ăn cho người khác.
Nguyên tắc 4: Không gác đũa ngang bát cơm
Hành động gác đũa ngang bát thế này sẽ khiến người khác hiểu rằng bạn đã no, không muốn ăn nữa hoặc thức ăn không ngon. Do đó, tốt nhất nếu dừng đũa thì bạn chỉ nên gác lên đồ gác đũa đã chuẩn bị sẵn.
Nguyên tắc 5: Không và cơm trực tiếp vào miệng
Thói quen này có lẽ người Việt Nam sẽ mắc lỗi nhiều nhất khi sang Nhật. Bởi ở Việt Nam thì thói quen này là bình thường nhưng ở Nhật lại là điều tối kỵ và không lịch sự. Ngoài ra, do cơm ở Nhật thường có độ dính nên bạn chỉ cần dùng đũa gắp từng đũa cơm cho vào miệng là được.
Nguyên tắc 6: Không cắn đầu đũa
Thói quen cắn đầu đũa sẽ bị xem là bất lịch sự khi ngồi trên mâm cơm với người Nhật. Việc cắn đầu đũa này không chỉ tạo ra âm thanh mà còn mất vệ sinh khi nước bọt của bạn dính trên đũa sau đó lại gắp vào thức ăn chung.
Nguyên tắc 7: Không di chuyển đũa hướng vào người đối diện khi nói chuyện
Nhiều bạn có thói quen di chuyển đôi đũa qua lại khi trò chuyện trong mâm cơm. Thế nhưng, đây không chỉ là điều bất lịch sự ở Nhật mà ngay cả Việt Nam cũng tránh thói quen này.
Nguyên tắc 8: Không nên cầm đồng thời bát canh và đôi đũa
Nếu bạn muốn uống canh thì nên bỏ hẳn đũa xuống. Bởi nếu cầm theo đôi đũa sẽ gây vướng víu và có khả năng làm rơi đũa hoặc đổ bát canh. Văn hóa ăn uống của người Nhật rất từ tốn và tinh tế, do đó mọi hành động làm rơi vãi hoặc đổ thức ăn đều khiến người cùng mâm cơm không hài lòng.
Nguyên tắc 9: Cách tách đũa gỗ
Các loại đũa tre/gỗ dùng một lần thường phải tách đôi trước khi sử dụng. Và trong văn hóa ăn của người Nhật cũng có quy định rõ ràng về việc này.
- Bạn nên tránh cầm đôi đũa theo chiều đứng trước mặt và tách sang hai bên.
- Cách làm đúng ở Nhật là bạn nên cầm đôi đũa theo chiều ngang và tách ra theo hướng từ trên xuống.
Có lẽ đây cũng là một cách thể hiện ý tứ tinh tế của người Nhật, nếu bạn tách đũa sang hai bên thì có khi bạn dùng lực quá nhiều sẽ trúng sang hai người ngồi bên cạnh.
Trên đây chỉ là một vài nguyên tắc quan trọng về cách dùng đũa trong mâm cơm của người Nhật. Trên thực tế, ở một đất nước truyền thống và tôn trọng lễ nghi như Nhật Bản thì các nguyên tắc ăn uống được quy định từ ngày xưa có lẽ không thể nào đếm xuể hết được.
Đối với người Nhật, do đã quen cách ăn uống này từ nhỏ nên ít khi nào họ mắc phải sai lầm. Nhưng đối với người nước ngoài, nếu không biết trước và lưu ý thì có khả năng bạn sẽ làm phiền lòng người khác ngay trên mâm cơm. Do đó, bỏ túi ngay các nguyên tắc dùng đũa trên để không gây bất cứ lỗi lầm nào khi ăn cơm với người Nhật bạn nhé!
(Theo Đoan Trang/ Trí Thức Trẻ)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất