Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 ngày mấy? Có được nghỉ không?

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 ngày mấy? Có được nghỉ không?

Minh LT 2022-04-06 15:55
- Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng với người dân Việt Nam. Vậy Giỗ Tổ Hùng Vương là gì, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 ngày mấy và có được nghỉ không? Xem ngay bài viết dưới đây để có lời giải đáp, bạn nhé!

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 ngày mấy?

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hay Quốc giỗ là trong những ngày lễ lớn và có ý nghĩa quan trọng đối với người dân Việt Nam. Được xem là ngày hội truyền thống của người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như người Việt đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của các vị vua Hùng. 

Theo truyền thống, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm sẽ được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch. Các nghi lễ Giỗ Tổ sẽ được tổ chức tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Năm nay, 2022, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 sẽ rơi vào Chủ nhật ngày 10/4/2022 Dương lịch.

Giỗ Tổ Hùng Vương ngày mấy

Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch và là ngày 10/4/2022 Dương lịch

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có được nghỉ không?

Theo quy định của Bộ luật lao động Việt Nam hiện hành, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn trong năm và trong ngày này, người lao động sẽ được nghỉ 01 ngày có lương. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật lao động Việt Nam, nếu ngày nghỉ lễ và Tết trùng vào ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày làm việc tiếp theo.

Với ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 năm nay rơi vào Chủ nhật ngày 10/4/2022 Dương lịch, nên người lao động sẽ được nghỉ bù thêm 01 ngày vào thứ Hai của tuần kế tiếp, tức ngày 11/4/2022. Điều này cũng có nghĩa là trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, người lao động sẽ được nghỉ 03 ngày liên tiếp từ thứ bảy ngày 9/4/2022 đến thứ Hai ngày 11/4/2022.

Lưu ý: Lịch nghỉ trên chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội. Đối với các cơ quan, tổ chức không áp dụng lịch nghỉ cố định 2 ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật) thì có thể căn cứ vào tình hình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ lễ phù hợp.

Giỗ Tổ Hùng Vương có được nghỉ không

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, người lao động được nghỉ 3 ngày từ 9/4/2022 đến 11/4/2022

Giỗ Tổ Hùng Vương tiếng Anh là gì?

Có nhiều cách gọi ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong tiếng Anh. Theo đăng tải của Tổng cục Du lịch Việt Nam thì “Giỗ Tổ Hùng Vương” được dịch sang tiếng Anh đơn giản là “Hung Kings’ Anniversary”. 

Còn theo các tài liệu của UNESCO thì “Giỗ Tổ Hùng Vương được gọi là “Ancestral Anniversary” (Kỷ niệm Quốc tổ), tên đầy đủ của “Giỗ Tổ Hùng Vương” theo cách gọi này là “The Ancestral Anniversary festival of the Hung Kings”.

Tuy nhiên, theo những dịch giả tên tuổi hiện nay đều khuyên mọi người nên dùng cụm từ “Hung Kings Commemoration” để diễn đạt ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong tiếng Anh.

Giỗ Tổ Hùng Vương ở đâu?

Các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương bao gồm tế lễ, dâng hương, rước kiệu,... để tưởng nhớ công dựng nước của các vua Hùng sẽ được tổ chức tại đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Lĩnh, Xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn (bao gồm những năm có số cuối cùng là “0”) sẽ được tổ chức với quy mô cấp trung ương.

Giỗ Tổ Hùng Vương ở đâu

Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức tại đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Lĩnh

Nguồn gốc của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo Ngọc phả Hùng Vương ghi chép từ thời Hồng Đức Hậu Lê, thì từ thời nhà Đinh, nhà Lý, nhà Tiền Lê cho đến nhà Trần rồi cả nhà Hậu Lê vẫn luôn cùng hương khói vua Hùng trong một ngôi đền. Ở đây, người dân toàn quốc đều có thể đến để lễ bái để dâng hương tưởng nhớ công lao dựng nước của Đấng Thánh Tổ xưa và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình.

Từ thời các triệu phong kiến ngày xưa, ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã được công nhận chính thức và trở thành một trong những ngày Quốc lễ mang ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc Việt Nam. Các triều đại quân chủ và phong kiến của Việt Nam đã giao thẳng cho dân sở tại thực hiện nhiệm vụ trông nom, sửa chữa đền Hùng, cúng bái hàng ngày và làm lễ Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch. 

Sang thế kỷ 20, vào năm 1917 dưới thời vua Khải Định, Bộ Lễ đã chính thức gửi công văn lấy ngày mùng 10 tháng 3  Âm lịch hàng năm làm ngày cử hành “quốc tế”. Cứ vào ngày mùng 10 tháng 3 hằng năm, các quan tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ phải mặc phẩm phục lên đền Hùng để thay mặt triều đình cúng tế.

Cũng từ đó, ngày mùng 10 tháng 3 trở thành ngày “Quốc giỗ”, được dùng cho toàn quốc. Sau khi nền cộng hòa thành lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh, công nhận ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia. Trong ngày này, người lao động sẽ được nghỉ lễ 01 ngày và hưởng nguyên lương.

Nguồn gốc của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Nguồn gốc của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa như thế nào?

Thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ được tổ chức để tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Qua đó phần nào giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Ý nghĩa của Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng

Đề cao niềm tự hào dân tộc, gắn kết mọi người dân 

Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để người dân Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc, đề cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, gắn kết mọi người dân Việt Nam cùng chung một gốc “Con Rồng Cháu Tiên”.

Qua đó, mỗi người dân Việt Nam sẽ tự nhận thức được trách nhiệm của bản thân, phấn đấu nỗ lực không ngừng trong học tập, lao động, rèn đức luyện đạo đức, tài năng để xây dựng đất nước, xứng đáng với những công lao, hy sinh của các thế hệ đi trước, với tổ tiên chúng ta. 

Các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Mặc dù trên lý thuyết, ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, lễ hội Đền Hùng thường sẽ được tổ chức từ một tuần trước đó. 

Đặc biệt là trong những năm chẵn, khi lễ hội được tổ chức ở cấp trung ương thì các hoạt động xung quanh lễ hội cũng đa dạng và kéo dài hơn như thi hát xoan, thi kéo co, thi vật, thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc - nơi các vua Hùng luyện tập thủy binh,...

Trong đó, có 2 lễ chính sẽ được tiến hành trong ngày chính hội Giỗ Tổ Hùng Vương là: 

  • Lễ rước kiệu vua Hùng: Nghi thức này sẽ bắt đầu từ dưới chân núi lên dần qua các đền trước khi đến đền Thượng. Bao gồm các đội múa sư tử, đoàn rước Quốc kỳ và cờ hội, quan viên và nhân dân,...
  • Lễ dâng hương: Đây là phần lễ dành cho tất cả mọi người, người hành hương sẽ di chuyển tới đền Hùng, tại đây mọi người sẽ thắp vài nén hương để tưởng nhớ đến các vị tổ tiên đồng thời gửi gắm những mong cầu của bản thân, mong được Tổ tiên phù hộ.

Các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai?

Như bạn đã biết, trong lịch sử dân tộc ta có đến 18 đời vua Hùng. Vậy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là giỗ ai?

Truyền thuyết kể rằng, Lạc Long Quân (con trai của Kinh Dương Vương và Long Nữ) sau khi kết duyên cùng Âu Cơ đã sinh ra Hùng Vương. (Theo “Hùng Vương và Lễ Hội Đền Hùng - NXB Hội nhà văn, Đại học Lạc Hồng”). Hùng Vương được coi là cháu đích tôn của Kinh Dương Vương. Niên hiệu Hùng Vương sau này cũng được dùng cho hàng chục triều vua Hùng tiếp sau đó. Theo cách lý giải này, thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có thể được hiểu là ngày giỗ Tổ Kinh Dương Vương, tưởng nhớ đến vị Tổ phụ đã khai sinh ra đất nước.

Ngoài ra, theo GS. Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam: “Con số 18 là con số huyền thoại lý giải cho người Việt biết về gốc rễ, cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Sự kiện huyền thoại không có thật nhưng đôi khi sự huyền thoại tác động mạnh đến sự thật. Và sự thật ở đây là phản ánh cội nguồn của dân tộc ta.

Còn xét từ quan điểm âm dương, khi nói về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 hằng năm, có thể cắt nghĩa đó tháng 3 là biểu tượng cho người mẹ. Giỗ mẹ - biểu tượng của âm. Đồng thời là tháng vũ trụ dương khí lên cao nhất, cho nên sẽ tạo nên sự hài hòa giữa vũ trụ và con người mang ý nghĩa tốt đẹp. Ngày Giỗ Tổ sẽ là ngày giỗ chung cho tất cả các vị Vua Hùng”.

Nhìn chung, theo một cách đơn giản nhất thì chúng ta có thể hiểu ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày giỗ chung cho tất cả các vị vua Hùng đã có công xây dựng nền móng cho đất nước Việt Nam hiện nay.

Trên đây là một số thông tin về ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Mong rằng bài viết, các bạn không chỉ tìm được lời đáp cho câu hỏi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 ngày mấy, Giỗ Tổ Hùng Vương có được nghỉ không mà còn hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Chúc các bạn có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ bên người thân, bạn bè!

Minh LT (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 mẹo nhỏ giúp sạc pin điện thoại iPhone nhanh hơn

Đọc nhiều nhất