Nỗi đớn đau và nghị lực của người vợ có chồng nhiễm “H”
Tin liên quan
Từng bước nặng nề nhưng là trăm ngàn mũi kim đâm vào lòng tôi, khiến trái tim tôi như ứa máu. Cha mẹ sinh thành dưỡng dục mấy chục năm trời chưa báo hiếu được ngày nào tôi cũng đành cãi lời. Tôi biết bố mẹ thương tôi nhiều lắm, khuyên tôi ly hôn để nuôi con một mình cũng vì bố mẹ lo cho sự an toàn của tôi và các cháu...
Biết phải làm sao? Tôi không thể bỏ lại gia đình nhỏ của mình, nơi có những đứa con thơ đang ngóng đợi mẹ về. Tôi cũng không đành bỏ rơi anh – người chồng đáng thương, tội nghiệp của tôi lúc anh yếu đuối và cần tôi nhất. Vợ chồng là duyên, là nợ, lấy phải nhau rồi thì cố gắng chịu đựng số phận của mình. Có lẽ, những khổ, đau bất hạnh hôm nay là cái số, cái kiếp mà tôi phải gánh…
Cứng cỏi là vậy nhưng đó là kết quả của mấy tháng trời tôi không ăn, không ngủ, suy nghĩ đến hao mòn cả tấm thân. Những ngày đầu khi biết tin chồng nhiễm HIV, tôi tưởng như mình có thể chết đi sống lại được. Hoảng loạn, tôi không biết mình phải bấu víu vào đâu. Chồng tôi là người đàn ông từng rất yêu vợ, thương con nhưng vì bị bạn bè xấu lôi kéo mà sa chân vào con đường nghiện ngập, rồi cũng từ đó, chẳng biết qua con đường chích hút hay quan hệ tình dục bừa bãi mà anh bị lây nhiễm HIV.
Suốt thời gian đó, gia đình tôi giống như đang có tang. Người ngoài xì xào, nhòm ngó, trong nhà là tâm trạng u ám, căng thẳng, mệt mỏi, các con tôi cũng chịu những xáo trộn không hề nhỏ từ sai lầm khủng khiếp mà cha chúng gây ra. Biết mình là người có lỗi, chồng tôi chỉ âm thầm, lặng lẽ sống trong cái bóng của chính mình chứ không một lần dám ca thán với vợ con. Anh vẫn là người hiền lành, lam lũ, chịu khó làm lụng, đỡ đần vợ mọi việc, chẳng nề hà gì. Lúc nghiện ma túy anh cũng chỉ dám tiêu số tiền mình làm ra chứ không hề động vào tiền của tôi, không để các con phải thiếu ăn hay bỏ dở học hành.
Tin anh bị nghiện, nhiễm H lan ra, anh bị công ty đuổi việc, cũng không ai dám thuê anh làm bất cứ việc gì vì họ sợ bị trộm đồ, bị lây nhiễm căn bệnh thế kỉ không có thuốc chữa. Biết bố bị bệnh, các con tôi vô cùng sợ hãi. Chúng bảo ở trường không ai dám chơi với chúng. Bạn bè xa lánh, bị nói xấu, bị nghi kị, bắt nạt, các con chỉ biết khóc. Thậm chí đã có những lá đơn đề nghị nhà trường không cho các con tôi đi học vì sợ lây bệnh sang các bạn. Bản thân tôi cũng bị họ hàng, anh em, bố mẹ hết lần này đến lần khác gọi ra khuyên nhủ. Tôi cũng bị những người cùng công ty nghi ngại, không dám tiếp xúc, không muốn làm chung. Mệt mỏi, đau khổ, đó là những trạng thái cảm xúc kinh khủng tôi đã phải trải qua khi đối diện với căn bệnh quái ác của chồng. Lo cho sức khỏe của anh 1, tôi lại càng thêm thương cái thân tôi, thương đàn con còn bé dại của mình 10. Chúng còn quá nhỏ để chịu miệng lưỡi của người đời, còn quá nhỏ để vượt qua cú sốc kinh khủng này. Không ít lần, nhìn các con trốn trong góc nhà khóc, không dám đi học vì sợ bị bạn gọi là con nhà Si đa, tim tôi như thắt lại.
Mất hàng tháng trời, tôi mới có thể quay lại trạng thái bình thường, tập quen và chấp nhận hiện thực phũ phàng trước mắt. Việc đầu tiên là tôi đưa các con và bản thân đi xét nghiệm. Có kết quả rồi tôi mang về nộp cho nhà trường nơi các cháu học và công ty tôi làm việc, đề nghị nhà trường và công ty đứng ra bảo vệ quyền lợi cho chúng tôi. Sau đó, tôi động viên chồng đi cai nghiện. May sao, các con tôi đều ngoan ngoãn, thấy mẹ không hắt hủi bố chúng cũng như được tiếp thêm sức mạnh. Các cháu vẫn cố gắng học hành chăm chỉ, luôn đạt kết quả tốt. Ngoài giờ học, các cháu giúp đỡ tôi chăn lợn gà, trồng rau, bán thêm trà đá để có tiền trang trải. Nhìn thấy cả gia đình tôi đều quyết tâm như vậy, hàng xóm láng giềng rồi anh em người thân đều giúp đỡ, tạo điều kiện để chúng tôi kiếm thêm thu nhập.
Chồng tôi ban đầu hết sức sợ hãi, buông xuôi chờ chết nhưng thấy vợ con một lòng một dạ vì mình nên cũng cố gắng cai nghiện. Tôi bảo anh rằng nếu anh chết sớm thì vợ con anh không thoát nợ đâu mà sẽ khổ sớm, bơ vơ sớm. Anh sống thêm ngày nào thì vợ anh có chỗ dựa ngày ấy, các con anh cũng có cha như nhà có nóc thêm được ngày ấy. Tôi biết, việc cai nghiện là hết sức khó khăn, rất nhiều trường hợp đã cai thành công rồi lại tái nghiện trở lại. Vậy mà, chồng tôi đã làm được. Anh bảo, cứ nghĩ đến cảnh mình nằm trong quan tài, vợ con chít khăn trắng đứng vòng quanh khóc, rồi cảnh nhà cửa lạnh lẽo, vợ góa con côi là anh không chịu nổi. Nhìn anh khỏe mạnh, tỉnh táo, không còn những cơn ngáp vặt vì thèm thuốc, không còn ánh mắt lờ đờ mệt mỏi, tôi như được tái sinh thêm lần nữa. Nhưng vẫn còn căn bệnh thế kỉ đang chờ chúng tôi phía trước. Tôi đưa anh đến bác sĩ để khám và tư vấn. Anh được bác sĩ chỉ định điều trị theo phác đồ. Vẫn còn những ánh mắt nghi ngại, sự xa lánh ngại ngùng của hàng xóm láng giềng, không ai muốn tiếp xúc vì sợ lây nhưng tôi động viên anh phải cố gắng, không lúc nào được chán nản, lùi bước.
Cả gia đình chúng tôi đều đặn xét nghiệm máu để cho mọi người thấy dù sống chung, tiếp xúc hàng ngày nhưng chúng tôi không hề bị lây nhiễm. Đặc biệt là tôi, vợ chồng tôi vẫn hòa hợp mọi thứ, vẫn sinh hoạt vợ chồng đều đặn và sử dụng các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Chồng tôi cũng đã xin được việc làm, góp sức cùng tôi lo tiền để trang trải cuộc sống.
Tôi vẫn từng ngày hi vọng sức khỏe chồng tôi sẽ được cải thiện. Nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng được, chỉ sau một năm ngắn ngủi chúng tôi đã trải qua từng ấy biến cố lớn lao của cuộc đời. Có nước mắt, có đau khổ, cũng có những lúc tưởng chừng như hạnh phúc đứt gánh giữa đường, thật may, tất cả đã đều đi qua. Có những đêm vợ chồng nằm bên nhau, anh thủ thỉ với giọng đầy ngọt ngào: “Cảm ơn em đã tiếp thêm cho anh sức mạnh, để anh được hồi sinh…”. Niềm hạnh phúc ấy với tôi là quá đủ - để quên hết những đắng cay đã cũ…
Linh Ngọc
(Theo Congluan)
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất