Độc đáo phiên chợ vùng cao của người dân nơi địa đầu tổ quốc

Độc đáo phiên chợ vùng cao của người dân nơi địa đầu tổ quốc

Nguyệt Minh 2016-05-07 08:00
- Chợ phiên Quản Bạ được nhiều du khách biết đến với những nét đặc trưng về đời sống, văn hóa của miền sơn cước Hà Giang.
Chợ vùng cao Quản Bạ (Hà Giang) được coi là phiên chợ độc đáo của mảnh đất địa đầu tổ quốc. Nếu đã có dịp ghé thăm chợ phiên Quản Bạ hay chợ phiên ở các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang thì chắc hẳn  bạn sẽ... chẳng muốn về. Những nét đặc sắc trong một phiên chợ tuy dân dã nhưng níu chân bao người ở lại.
Khác với chợ phiên các nơi, mỗi lần tới phiên chợ vùng cao, người Quản Bạ từ già, trẻ, trai, gái đều háo hức xuống chợ. Có khi họ xuống chỉ để gặp nhau, trò chuyện, để uống chén rượu, ăn bát thắng cố… chứ không hẳn là việc buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Phiên chợ vùng cao Quản Bạ- nét độc đáo văn hóa miền sơn cước
Chợ vùng cao không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, đó còn là đời sống tinh thần của người dân.
Phiên chợ họp định kỳ mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật, ai có gì thì đem thứ ấy ra bán. Có lẽ những món hàng được bán nhiều nhất ở đây là rượu ngô, lợn cắp nách…
Khu chợ gia súc với đủ thứ âm thanh huyên náo, dãy hàng ăn là nơi đông đúc nhất chợ, không chỉ thu hút trẻ nhỏ mà còn đặc biệt là nơi hội họp của cánh đàn ông. Chợ vùng cao Hà Giang thể hiện nét văn hoá đặc trưng của các dân tộc như: văn hóa xuống chợ uống rượu, mời rượu bạn bè người quen...
Gian hàng thổ cẩm đầy màu sắc phong phú có lẽ là điểm thú vị nhất của chợ với biết bao thiếu nữ má hồng tất bật ra vào lựa đồ. Điểm đặc biệt hơn.những người chủ của gian hàng này lại là cánh đàn ông đang thoăn thoắt đôi tay dệt vải.
Những phiên chợ ở các xã có thể mỗi tuần họp 2 ngày. Thậm chí, có cả những phiên chợ “lùi”, cứ 6 ngày họp 1 lần như chợ Phố Cáo (huyện Đồng Văn), chợ Lũng Phìn (huyện Đồng Văn) chỉ họp vào các ngày Dần và ngày Thân, chợ Xà Phìn họp vào ngày Tỵ và ngày Hợi, chợ Tráng Kìm (huyện Quản Bạ) họp vào ngày Mùi và ngày Sửu…
Phiên chợ vùng cao Quản Bạ- nét độc đáo văn hóa miền sơn cước
Những gian hàng đơn sơ nơi địa đầu tổ quốc. 
Chợ ở đây cũng rất đơn sơ, mỗi gian hàng chỉ là chiếc lán nhỏ được dựng lên bằng gỗ, tre, nứa và lợp bằng lá cọ, hay đơn giản là căng mảnh bạt lên. Phía ngoài cổng, người ta chỉ kiếm một chỗ ngồi, để hàng hóa trước mặt và chờ người đến mua.
Ở Hà Giang chủ yếu có các dân tộc như: Tày, Mông, Dao, Lô Lô, Nùng, La Chí… Đến phiên, bao sắc váy, áo của các mẹ, các chị, các em gái háo hức kéo nhau xuống chợ. Các thiếu nữ xúng xính trong những bộ váy truyền thống sặc sỡ, tay cầm ô, lưng gùi quẩy tấu, các chàng trai thì mang gà, cắp lợn, dắt bò… Các ông bố, bà mẹ thì đưa con đi theo. Những người đàn ông trung tuổi không quên xuống chợ ăn thắng cố, làm đôi ba chén rượu.
Chợ tan cũng là lúc men say trong người khiến bước chân xiêu vẹo, thậm chí có người còn không thể tự về nhà, mà vợ phải dìu về hoặc để xe ngủ lại ven đường.
Khách từ phương xa khi tới chợ thường chọn cho mình món quà làm kỷ niệm hoặc đem về tặng người thân, đó có thể là chiếc khăn đội đầu với nhiều màu sắc, hay chiếc túi thổ cẩm với những hoa văn cầu kỳ.
Phiên chợ vùng cao Quản Bạ- nét độc đáo văn hóa miền sơn cước
Trong những gian hàng bán đồ ăn. 
Cuộc sống ngày càng phát triển, chợ ở Hà Giang hôm nay cũng có nhiều đổi thay, nhưng những phiên chợ vùng cao vẫn mãi là nét đẹp của mảnh đất nơi địa đầu của tổ quốc, là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng cao nơi đây.
Ngoài chợ phiên Quản Bạ, những phiên chợ bò ở Mèo Vạc, chợ thị trấn Đồng Văn… là những phiên chợ độc đáo, thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm. Khi đến chợ ở Hà Giang cần tránh gọi từ dân tộc Mèo vì người H'mong họ không thích cách gọi đó. Nếu bạn đi những phiên chợ sát biên giới cần đổi tiền Trung Quốc để tiện mua bán.
Mời độc giả cùng xem thêm những hình ảnh tại phiên chợ Quản Bạ:
Một người đàn ông đã ngấm men rượu.
Phụ nữ vùng cao cũng hút thuốc như thói quen của cánh đàn ông.
Phiên chợ là đời sống tinh thần của người dân vùng cao.
Mang lợn rừng xuống chợ phiên.
Một gian hàng bán đồ ăn.
Độc đáo phiên chợ vùng cao của người dân nơi địa đầu tổ quốc
Em bé theo mẹ xuống chợ phiên.

Đến Hà Giang như thế nào?

Khoảng cách từ Hà Nội đến TP Hà Giang khoảng 300-320 km. Để lên được đến cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc cần di chuyển khoảng 150 km bằng ô tô hoặc xe máy.
Từ Hà Nội lên Hà Giang có thể di chuyển bằng xe máy. Tuy nhiên, đây là cung  đường khó đi bậc nhất và thường chỉ dành cho các phượt thủ.
Vé xe ô tô từ Hà Nội đến TP Hà Giang ghế ngồi khoảng 150. 000 đồng/người/vé, xe giường nằm khoảng 200.000 đồng/người/vé.

 

Ảnh: Phạm Hưởng

Nguyệt Minh 

Xem thêm:

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những sao Việt 'nên duyên' bạn thân nhờ đóng chung một bộ phim

Đọc nhiều nhất