Ẩm thực của người Mạ chủ yếu là những món ăn với cách chế biến đơn giản nhờ các nguồn sản vật có sẵn trong tự nhiên. Nhưng lâu dần những món ăn này trở thành một phần không thể thiếu trong các bữa cơm thường nhật, đãi khách hay những dịp lễ, tết, giỗ chạp.
Cơm ống
Người Mạ thường sử dụng ống tre lồ ô để nấu cơm. Đây là một trong những cách nấu thông dụng, được sử dụng trong khi đi rừng rất tiện lợi. Trước khi nấu, ống tre thường được vuốt bớt đi giúp cơm nhanh chín và khi ăn có thể dễ dàng dùng tay tách nhẹ lớp vỏ ống này để lấy cơm ra. Phần gạo được rắc thêm ít hạt mè nhồi vào ống tre cùng với nước, sau đó lấy lá chuối hoặc loại lá cây rừng nhét lại.
Một bếp lửa than dài được nhen với các loại củi rừng, trên có buộc cây chắn ngang để các ống tre không bị ngã. Các ống tre chứa đầy gạo được đặt dựng vào bếp lửa than đỏ. Trong quá trình nấu phải canh lửa hay xoay ống cho đều các bên.
Khi chín từng hạt cơm ống thơm dẻo quyện với mùi của mè bùi bùi và chút phấn nồng nhẹ trong ống tre sẽ làm cho những ai mới thưởng thức lần đầu cứ ăn hoài mà chẳng thấy no. Để cơm ống hấp dẫn hơn, khi ăn người Mạ sẽ lấy cơm ra từng khúc chấm thêm với muối mè, muối đậu.
Khi thấy mùi thơm của gạo bốc lên nghĩa là cơm bắt đầu chín.
Lá nhíp
Lá nhíp còn gọi là rau diếp. Đây là loại rau mọc trong rừng sâu. Lá nhíp có màu xanh và tím. Người Mạ dùng lá nhíp để chế biến thức ăn trong bữa ăn hằng ngày như nấu canh hoặc nướng. Lá nhíp dùng nấu canh thì người Mạ cho vào nồi đun sôi sau đó nêm gia vị.
Riêng cách nướng lá thì khá độc đáo. Người Mạ nhúng lá vào nước sau đó vẩy nhẹ cho bớt nước. Họ xếp chồng lá vào một ít lớp lá chuối và bó lại vuông vức, buộc dây. Sau đó mỗi vuông bó lá được kẹp vào nẹp tre nướng trên than lửa hồng. Khi chín, lá nhíp mềm nhưng vẫn giữ màu tươi xanh hoặc tím, nước từ lá ngưng đọng trên lá chuối có vị ngọt. Lá chín mềm, có vị thanh mát. Cách nướng lá nhíp này thường được người Mạ sử dụng khi đi rẫy dài ngày. Hiện nay, trong các lễ hội hay nhà có tiệc, người Mạ thường nướng lá nhíp để đãi khách như một thứ đặc sản của vùng núi rừng.
Ngoài nướng, lá nhíp còn được dùng để nấu canh ăn rất dẻo, ngọt và bùi.
Canh thụt, canh bồi
Canh thụt là cách gọi khi nấu các loại rau rừng, cà, trái cây non và cá, thịt, tôm trong ống tre. Khi chín, lấy cây thụt cho nát.
Khi nấu canh thụt phải quay tròn ống lồ ô và dùng một que dài thụt vào ống để các thành phần bên trong nhuyễn đều.
Canh bồi là cách gọi khi nấu các loại rau rừng và thịt, cá. Sau đó cho bột gạo rang, nước chắt từ giã lá nhao, nêm nếm gia vị.
Đặc trưng của canh bồi có màu xanh, vị đắng, hơi cay, đặc sánh.
Đọt mây
Các loại đọt mây đắng, mây nước và mây bột đều dùng nấu canh với rau rừng. Đọt mây còn được người Mạ dùng để nướng ăn. Người Mạ chọn những phần non của cây, róc hết lá. Các đọt mây sẽ được nướng trên than lửa cho chín đều. Sau đó, róc lớp vỏ ngoài ăn phần đọt non chín bên trong. Chấm đọt mây với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc) có vắt chút nước chanh thì độ ngon tăng lên bất ngờ. Một hỗn hợp đắng, bùi, nhôn nhốt chua sẽ làm người ăn cảm thấy thích thú vừa lạ miệng lại rất bén rượu.
Cách chế biến này khá đơn giản và thuận lợi khi đi làm trong rừng nhiều ngày. Trong lễ hội hay lễ tiết của gia đình, món đọt mây nướng là thức ăn quý dùng để đãi khách. Đọt mây nướng là món ăn đặc biệt, thường sử dụng chủ yếu trong lễ hội.
Đọt mây là món quý của vùng núi rừng.
Thoa Nguyễn
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Xem thêm:
8 món ăn dưới 10.000 đồng tuyệt ngon ở Đà Lạt
Thăm Bắc Giang đừng quên ăn bánh đa kế
7 món ngon nên thử khi đến Bình Định
Làm gì khi biết người yêu cũ có người yêu mới