Thai nhi 12 tuần tuổi - khả năng phản xạ hình thành
Tin liên quan
Sang đến tuần thai thứ 12, cặp mắt và đôi tai của bé cưng đã di chuyển về đúng vị trí; bé có hình hài giống với khi chào đời hơn. Trong khi đó, cơ thể mẹ sắp bước sang một giai đoạn mới đầy những biến chuyển vừa ngọt ngào vừa... gian nan, và đáng nhớ vô cùng! Tất nhiên, mọi chuyện vẫn đang ở phía trước và giờ thì chúng ta hãy cứ ngắm nhìn sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi phát triển ra sao và cơ thể mẹ thay đổi như thế nào nhé!
Thai nhi 12 tuần tuổi - khả năng phản xạ trỗi dậy
Không chỉ có đôi mắt và tai bé trở về đúng vị trí, đến tuần thứ 12 thai nhi còn có thể xòe - nắm tay, co duỗi ngón chân hay nhắm cơ mắt hoặc miệng biết làm động tác giống như đang mút. Đặc biệt, khả năng phản xạ đã bắt đầu hình thành và bằng chứng là khi bụng mẹ bị chèn ép, bé sẽ biết phản ứng lại bằng cách co người hay vặn mình mặc dù lúc này mẹ chưa thể cảm nhận được điều đó.
Ngoài ra, "quả chanh nhỏ" của mẹ đã nặng khoảng 15g và dài chừng 5cm (đo từ đầu đến mông). Các khớp thần kinh hình thành trong não và các tế bào thần kinh đang nhân lên với tốc độ "thần tốc". Không chỉ thể, ruột của con cũng đang gấp rút sắp xếp để di chuyển vào trong bụng, việc này sẽ xảy ra nhanh hơn vào tuần tới - tuần thứ 13.
Cơ thể mẹ thay đổi ra sao?
Thai nhi 12 tuần tuổi có nghĩa là mẹ đang bước đến tuần cuối cùng trong thai kì thứ nhất - 1/3 chặng đường đã trôi qua suôn sẻ. Chúc mừng mẹ nhé, vì quãng thời gian mệt mỏi, khó chịu và nhiều lo âu nhất đã trôi qua. Thai kì tiếp theo sẽ là chuỗi ngày mẹ cảm nhận được bé yêu ngày một rõ ràng hơn, mẹ sẽ vui và hạnh phúc đến không ngờ khi cảm nhận được con đang lớn lên mỗi ngày với những "lần đầu tiên" rất đáng để kỉ niệm: Lần đầu con "máy", lần đầu con "đá banh", con biết nghe và phản ứng với giọng nói của mẹ,...
Tuy nhiên ở tuần này, tình trạng nghén ngẩm mới giảm đi đôi chút chứ chưa hết hẳn, mẹ vẫn khá mệt mỏi và buồn nôn vào buổi sáng, khi ngửi thấy mùi lạ hoặc bất cứ tác động nào. Ngoài ra, chứng ợ nóng đã bắt đầu ghé thăm và mẹ nên bình tĩnh đối mặt vì triệu chứng đáng ghét này sẽ đeo bám đến cuối thai kì, ngày một trầm trọng hơn. Cố gắng lên mẹ nhé!
Một số mẹ bụng bầu to nhanh có thể mặc váy bầu cho thoải mái được rồi. Nếu chưa muốn, mẹ hãy lựa chọn những chiếc quần bầu hoặc đồ rộng rãi một chút, đừng cố gắng "nhồi nhét" trong chiếc quần jean chật chội vì em bé sẽ khó chịu đấy, bé đã biết phản xạ rồi mà.
Một số mẹ cẩn thận vẫn giữ kín chuyện mang thai thì vào tuần tới có thể thoải mái khoe cùng mọi người rồi. Chắc hẳn người thân, bạn bè sẽ bất ngờ, ngạc nhiên lắm cho coi và mẹ sẽ rất hạnh phúc vì những lời chúc mừng mọi người dành cho.
Thai nhi 12 tuần tuổi - mẹ nên làm gì?
Tất nhiên, đầu tiên là mẹ nên vui mừng vì sắp vượt qua 3 tháng khó khăn nhất của thai kì. Giờ thì có thể yên tâm về sự an toàn của bé hơn, và rất nhanh thôi, một vài tuần nữa mẹ sẽ thấy mình khỏe hơn bao giờ hết.
Tuần này, mẹ nên bắt đầu hoặc chuẩn bị thông báo cho bạn bè, người thân và nhất là cơ quan mình đang làm việc về chuyện bầu bí để chủ động trong công việc hơn, nhất là để có người giúp đỡ, thay thế khi mẹ đi khám thai hoặc mệt và cần nghỉ ngơi.
Việc ăn uống tất nhiên vẫn được quan tâm hàng đầu, nhất là những mẹ nghén nặng đến mức chẳng ăn được gì trong suốt thời gian trước. Khi tình trạng mệt mỏi và nghén ngẩm qua đi, hãy nhớ ăn uống để "bù" lại dinh dưỡng cho con giúp bé phát triển tốt nhất. Tuy vậy, những mẹ đang có nguy cơ thừa cân cần xem lại chế độ dinh dưỡng hợp lý hơn để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và thai nhi trong bụng.
Hormone progesterone được sản sinh ra nhiều hơn khiến van ngăn cách dạ dày - thực quản của bà bầu bị giãn ra, làm axit dễ trào ngược lên thực quản gây ợ nóng vô cùng khó chịu. Để đối phó, mẹ không nên ăn quá no, ăn từ từ và nhiều bữa hơn trong ngày. Ngoài ra, thời gian này mẹ nên hạn chế đồ ngọt, cà phê,... mà nên thay bằng sữa nóng, trái cây, sữa chua hay nước ép hoa quả cho bữa phụ của mình.
Một vấn đề khá quan trọng mẹ nên làm khi thai nhi 12 tuần tuổi, đó là bắt đầu lập ngân sách chi tiêu cụ thể cho em bé nói riêng và cả gia đình nói chung. Hãy tính toán càng tỉ mỉ càng tốt xem mỗi ngày, mỗi tháng cần mua thêm bao nhiêu thực phẩm, đồ dùng (quần áo, tã bỉm, sữa, đồ chơi), chi phí sinh hoạt phát sinh,... và khoản tiền kiếm được để cân đối. Nên nhớ, có em bé là bạn luôn phải trong trạng thái chủ động, đồ dùng luôn luôn phải đầy đủ và tiền bạc cần dư ra một khoản kha khá phòng lúc ốm đau, bệnh tật.
Trên đây là những lưu ý dành cho mẹ khi thai nhi 12 tuần tuổi. Hãy tham khảo và cố gắng làm những gì tốt nhất cho bé mẹ nha. Mẹ cũng đừng quên theo dõi bé vào tuần tiếp theo - tuần 13 - lớn lên như thế nào nhé! Chúc mẹ một tuần thai thật vui khỏe và đáng nhớ.
Xem thêm
Nguyệt Nga
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất