Tham đồ rẻ, ăn đồ sống "dễ rước" ngộ độc nguy hiểm những ngày hè

Tham đồ rẻ, ăn đồ sống "dễ rước" ngộ độc nguy hiểm những ngày hè

2016-05-06 09:00
- Vào hè nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống, nước giải khát, nước đá… đều tăng cao khiến cho tình hình ngộ độc thực phẩm thường có diễn biến phức tạp và gia tăng.

Thời tiết nắng nóng của những ngày hè khiến các vi khuẩn, vi sinh vật phát triển nhanh thức ăn rất dễ ôi thiu nếu bảo quản không tốt. Chỉ mới vào hè nhưng theo ghi nhận từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày trung bình tại đây tiếp nhận hơn 10 ca bệnh do ngộ độc thực phẩm. Số ca ngộ độc thực phẩm tăng gấp 4-5 lần so với mùa đông.

Tham đồ rẻ, ăn đồ sống 'dễ rước' ngộ độc nguy hiểm những ngày hè

Số lượng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Trung tâm Chống độc những ngày đầu hè đang tăng

Xin thề không tham rẻ

Ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, các ca bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại đây chủ yếu là ngộ độc thuốc sâu, ngộ độc thuốc tân dược, ăn phải những thực phẩm lạ và một phần ngộ độc thực phẩm không an toàn.

Chị D. (Hà Nội) có con bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn đậu đũa vẫn đang được điều trị. Chị D. cho biết, sáng nào chị cũng đi chợ đầu mối mua rau, thực phẩm cho cả nhà. Hôm đó, chị mua một bó đậu đũa với giá 5.000 đồng/kg. Theo lời chị D, khi nghe người bán rau chào mời, chị mua mà không suy nghĩ.

Sau khi đi làm về, chị ngâm và rửa sạch trước khi chế biến. Nhưng sau khi ăn cơm tối, cả hai vợ chồng bắt đầu đau bụng. Còn bé P. (Con chị D.) có triệu chứng đổ mồ hôi, buồn nôn. Chị D. kể lại: "Đến đêm, con tôi sốt 39 độ C kèm nôn thốc nôn tháo, mặt tái nhợt...Lúc đó, hai vợ chồng vội vàng gọi xe đưa con đến bệnh viện".

Ngộ độc thực phẩm không trừ một ai

Các phòng  tại Trung tâm chống độc luôn kín bệnh nhân

“Thường ngày con bé rất lười ăn rau nhưng không biết thế nào tối hôm đó lại ăn đậu rất nhiều. Thấy con ăn được nên vợ chồng tôi cũng khuyến khích con ăn thêm, ai dè” chị D, nói. Riêng về phần 2 vợ chồng chị ăn ít nên chỉ bị tiêu chảy. Chị D, chia sẻ, sau vụ cả nhà bị ngộ độc không dám chọn thực phẩm có mức giá quá rẻ.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Vào mỗi dịp hè trẻ em thường là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy. Do trẻ con thường thích những thức ăn lạ, đặc biệt là những thức ăn nhiều màu sắc sặc sỡ. Các loại nước uống vỉa hè cũng thu hút trẻ. Cha mẹ thường có thói quen chiều con khi nhõng nhẽo đòi mua, vô hình làm hại con”.

Mấy miếng cà sống ngon mồm khổ thân

Với sở thích ăn cà pháo sống chấm với mắm tép, anh Đỗ Minh Nam sống tại Hà Nội đã phải vào nhập viện gấp do nghi ngờ bị ngộ độ. Anh Nam kể lại, do được người nhà trong Thanh Hóa gửi ra chai mắm tép làm quà, gia đình anh làm món cà dầm mắm tép. “Món cà pháo sống chấm mắm tép là một trong những món khoái khẩu ở quê vẫn thường ăn. Sau khi ăn cơm cùng cà sống chấm mắm tép được 30 phút, tôi thấy trong người khó chịu, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần và đau ở vùng dạ dày. Tôi có uống thuốc nhưng không thấy đỡ. Khoảng 3 tiếng sau tôi cảm thấy cổ họng khô rát, chân bước bắt đầu lảo đảo, sốt, tụt huyết  áp… Sau đó tôi không biết gì, khi tỉnh dậy thì đã được người nhà đưa vào viện cấp cứu”, anh Nam chia sẻ.

Dựa vào các triệu chứng cùng thức ăn mà anh Nam khi tới bệnh viện bác sĩ nghi ngờ anh bị ngộ độc chất solanin do ăn quá nhiều cà sống.

Ngộ độc thực phẩm không trừ một ai

Ăn cà sống có nguy cơ ngộ độc rất cao

Các nghiên cứu khoa học trước đây đã chứng minh rằng cà sống có hàm lượng solanin cao gấp 5 - 10 lần so với mức an toàn. Cũng chính vì thế khi ăn cà pháo sống hoặc muối xổi rất dễ bị ngộ độc. Ăn quá nhiều cà sống khi liều lượng solanin lên tới từ 3 - 6mg/kg rất dễ bị tử vong. Theo kinh nghiệm của ông cha ta khi cơ thể mệt mỏi, mới ốm dậy đang cảm mạo thì cũng tuyệt đối không nên ăn cà bệnh thường sẽ nặng hơn.

10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn (Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo)

1. Chọn thực phẩm an toàn.

2. Nấu kỹ thức ăn.

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín.

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín.

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn.

6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín.

7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ.

8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ.

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác.

10. Sử dụng nguồn nước sạch.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Chỉ cần một người yêu em như thế

Đọc nhiều nhất