Sốt xuất huyết: Tự ý hạ sốt vô cùng nguy hiểm
2015-09-11 15:33
- Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 11/9, ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng) đã giải đáp các thắc mắc liên quan đến sốt xuất huyết.
Tin liên quan
Tính riêng 8 tháng đầu năm, cả nước có 29.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 50/53 tỉnh thành, trong đó chủ yếu là ở khu vực miền Nam. Khu vực này có tập quán trữ nước, khu đô thị, công trường xây dựng và dân cư đông đúc. So với năm 2014, số trường hợp mắc sốt xuất huyết năm nay tăng hơn cùng kỳ. Tuy nhiên, so với giai đoạn 2009 -2013, con số 29.000 trường hợp vẫn là thấp hơn.
Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Bệnh Sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/lần. Để ứng phó với bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã chủ động kiểm soát, chuẩn bị và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống của bệnh. Bộ Y tế kêu gọi người dân chủ động và tích cực thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên. Theo WHO, mỗi năm có khoảng 100 triệu người mắc, tỷ lệ tử vong khoảng 2,5-5%. Đây là căn bệnh chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Cho nên, giải pháp quan trọng nhất vẫn là vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Bệnh lưu hành ở 100 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi.
Không nên chủ quan
Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 11/9, ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng) cho biết, trong số các trường hợp bị sốt xuất huyết có người chỉ có biểu hiện sốt. Tuy nhiên, cũng có người biểu hiện xuất huyết ở mức độ khác nhau. Cụ thể có thể xảy ra xuất huyết ở đường tiêu hóa, dạ dày, chảy máu chân răng.
“Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể miễn dịch suốt đời. Nhưng đó là miễn dịch với tuýp đã mắc. Khi bệnh nhân mắc các tuýp khác, có biểu hiện tăng nặng nên điều trị hết sức khó khăn”, ông Phu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phu, người bị bệnh sốt xuất huyết nên đến bệnh viện, cơ sở y tế để được điều trị. Tuyệt đối không điều trị tại nhà, để tránh nguy cơ tử vong. “Ngoài ra, bệnh nhân cũng không được dùng bất kỳ thuốc hạ sốt nào, trừ Paracetamol. Những loại thuốc hạ sốt như Pamin có thể làm bệnh thêm nặng”, ông nói.
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 2-14 ngày, hầu như không có triệu chứng rõ rệt nên khó phát hiện. Với trường hợp nhẹ nổi ban, còn nặng hơn sẽ bị xuất huyết nội tạng.
Khi muỗi hút máu của người mắc bệnh thì con muỗi đó có thể truyền bệnh suốt đời, nó di chuyển phát tán mầm bệnh từ gia đình này tới gia đình khác, thậm chí là các khu vực khác.
Theo ông Trần Đắc Phu cái khó nhất hiện nay là thay đổi sự nhìn nhận cũng như thói quen, hành động của người dân với việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Qua kiểm tra thực tế, tại rất nhiều gia đình, không lưu ý đến các vật dụng chứa nước như lọ hoa, bể hoa cây cảnh, dụng cụ phế thải…. là những nơi muỗi dễ đẻ trứng, phát triển.
Nhiều nơi, người dân lại bất hợp tác không cho cán bộ y tế vào phun thuốc trừ muỗi vì lo ngại đến ảnh hưởng đến sức khỏe… Ngay tại Hà Nội, mặc dù hình thành 51 ổ dịch nhưng việc phun thuốc trừ muỗi mới chỉ đạt 65%, rất thấp.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
6. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Kim Ngân
(Theo Congluan)
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
3 kiểu mũ hot hit của mùa đông năm nay, nàng nào cũng nên sở hữu ít nhất 1 item để phong cách được nâng tầm