Bác sĩ cảnh báo loại thuốc hạ sốt tuyệt đối không dùng khi sốt xuất huyết
Tin liên quan
Các tỉnh miền Bắc đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết . Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 60 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân tăng mạnh từ giữa tháng 8 trở lại đây.
Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em đang điều trị 7 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có hai trẻ cùng một gia đình bị bệnh.
Chị Trang chăm con trai sốt xuất huyết tại bệnh viện đã 8 ngày nay
Chị Thế Thị Thu Trang ở Đan Phượng, Hà Nội, chia sẻ, cách đây 8 ngày, cậu con trai lớn 6 tuổi đột ngột sốt cao 40-41 độ C, nôn. Gia đình cho uống hạ sốt, thân nhiệt chỉ giảm được một lúc rồi tăng trở lại. Khi đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng thăm khám, bé được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Sau 3 ngày nằm viện, thấy tiểu cầu của con hạ thấp, chị xin chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Hiện tại, dù đã qua cơn nguy kịch nhưng bé vẫn mệt nhiều, không ăn được, dưới da còn nhiều chấm xuất huyết.
Sau đó, bố chị Trang và con trai út 4 tuổi của chị cũng phát hiện mắc sốt xuất huyết, đang theo dõi tại nhà.
TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, độ tuổi trẻ mắc sốt xuất rất đa dạng, nhỏ nhất là trẻ sơ sinh vài ngày tuổi, mắc bệnh do mẹ truyền sang hoặc bị muỗi đốt.
Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện khởi phát giống nhiều bệnh nhiễm trùng hay nhiễm virus khác nên một số trường hợp ở giai đoạn đầu có thể bị nhầm sốt virus.
Khi thấy con sốt, nhiều phụ huynh tự cho con hạ sốt tại nhà. Tuy nhiên, TS Lâm cảnh báo, cha mẹ tuyệt đối không dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết.
"Chúng tôi đã gặp nhiều phụ huynh sau khi dùng paracetamol để hạ sốt cho con nhưng không đỡ nên đã chuyển sang dùng ibuprofen, hậu quả trẻ phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hoá rất nặng”, bác sĩ Lâm cảnh báo.
TS Nguyễn Văn Lâm cảnh báo, tuyệt đối không dùng ibuprofen và aspirin để hạ sốt khi sốt xuất huyết
Aspirin và ibuprofen có tác dụng hạ sốt sâu, kéo dài nhưng có nhiều tác dụng phụ, ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến bệnh nhân tăng nguy cơ chảy máu. Aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.
Khi bệnh nhân uống 2 thuốc này, ở thể nhẹ có thể chỉ xuất huyết dưới da, thể nặng sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu răng, chảy máu cam thậm chí nôn ói ra máu, chảy máu ồ ạt.
Loại thuốc hạ sốt an toàn nhất khi trẻ mắc sốt xuất huyết là paracetamol, liều ở trẻ em 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi liều cách nhau 4-6 giờ.
Song song với hạ sốt, phụ huynh cần để trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng để có sức khỏe chống lại virus.
Theo TS Lâm, trẻ bị sốt xuất huyết thường sốt cao 2-3 ngày đầu, có thể kèm theo ban xuất huyết, đau bụng, nôn ói, kém ăn, tiểu ít… các trường hợp nặng có thể xuất huyết tiêu hoá, rối loạn ý thức.
Do đó, cha mẹ cần thường xuyên quan sát con để khi có biểu hiện bất thường đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Các bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho trẻ nhập viện hoặc theo dõi tại nhà.
Với sốt xuất huyết, nguy hiểm nhất là giai đoạn ngày thứ 3-6, trong 4 ngày này, trẻ có thể gặp tình trạng sốc do mất dịch hoặc thừa dịch.
"Ngày thứ 3-4, trẻ mắc sốt xuất huyết có nguy cơ mất dịch nên cần bù dịch. Tuy nhiên, việc bù dịch cần có chỉ định của bác sĩ. Từ ngày thứ 5-6 là giai đoạn tái hấp thu và hồi phục, nếu bù dịch không đúng có thể gây tràn dịch đa màng, nguy hiểm tới tính mạng”, TS Lâm lưu ý.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua đã ghi nhận thêm 228 ca sốt xuất huyết, tăng 76 trường hợp so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có hơn 1.800 trường hợp mắc, dù giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng đến nay đã có 2 trường hợp tử vong.
Theo Vietnamnet
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất