The Walk - Vẻ đẹp của nghệ thuật và giấc mơ
2015-10-31 16:03
- Chênh vênh như người đi trên dây nhưng cuối cùng “The Walk” đã giành được chiến thắng trong trái tim khán giả.
Tin liên quan
George Mallory – người đầu tiên được cho là đã chinh phục thành công đỉnh Everest – từng trả lời cánh báo chí khi họ liên tục hạch hỏi ông tại sao lại muốn liều mạng leo lên nóc nhà thế giới như thế, bất chấp cả sự nguy hiểm tính mạng, rằng: “Vì nó ở đó”. Câu nói giản đơn này về sau đã trở thành châm ngôn phổ biến trong giới leo núi và nó cũng chứng minh một điều: Đôi khi đam mê không cần lý do cụ thể nào để người ta dấn thân.
Philippe Petit - người tạo cảm hứng cho bộ phim “The Walk” - cũng trả lời một câu tương tự sau khi ông thực hiện thành công màn đi bộ trên dây giữa nóc hai tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới: “Tôi nhìn thấy hai tòa tháp và tôi nghĩ đó là vị trí đẹp để chăng dây”.
Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật diễn ra tại Mỹ vào năm 1974.
Vào năm 1974, một nghệ sĩ biểu diễn thăng bằng trên không là Philippe Petit đã lén lút chăng một hệ thống dây cáp giữa đỉnh hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới tại New York (Mỹ). Ông cùng cộng sự đã nghiên cứu kết cấu của công trình này suốt 6 tháng trời, giấu 2 tấn thiết bị trên tầng thượng tòa nhà để rồi vào rạng sáng ngày 7/8, ông đã biểu diễn màn đi bộ trên dây từ tháp Bắc sang tháp Nam trong vòng 45 phút mà không cần biện pháp bảo hộ nào.
Niềm đam mê của Philippe luôn bùng cháy mãnh liệt.
Ông còn thực hiện nhiều động tác khó trên dây như quỳ xuống, cúi chào, nhảy múa hay nằm. Đây được coi là màn trình diễn độc nhất vô nhị với độ khó cực kỳ cao mà đến nay, chưa ai dám tái hiện lại. Năm 2008, hành trình thực hiện ước mơ của ông đã được làm thành phim tài liệu mang tên “Man on Wire” giành được một tượng vàng Oscar. Câu chuyện của ông vẫn tiếp tục truyền cảm hứng để đạo diễn Robert Zemeckis làm nên “The Walk”.
Đây là màn biểu diễn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.
Bộ phim tái hiện hầu như toàn bộ cuộc đời của Philippe từ khi còn nhỏ đến lúc chinh phục tòa tháp đôi. Cùng dõi theo bước đường trưởng thành của Philippe, ta sẽ nhận ra anh là người vô cùng kiên trì với niềm đam mê của mình. Ngay từ thuở ấu thơ, lần đầu tiên được thấy nghệ sĩ đi trên dây anh đã hoàn toàn say đắm bộ môn mạo hiểm này. Từ đó trở đi, mặc cho gia đình ngăn cản, người đời mỉa mai, Philippe vẫn một mực kiên trì luyện tập môn đi thăng bằng trên dây. Không những thế, anh còn không ngừng thử thách giới hạn của mình bằng những mục tiêu “không tưởng” như: Đi dây giữa hai đỉnh tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris hay sau này là giữa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới.
Thật may mắn là Philippe không đơn độc trong hành trình chạm tới giấc mơ của mình, anh được người thầy là Papa Rudy chỉ dạy tận tình, được bạn gái Annie xinh đẹp cổ vũ, động viên, được một nhóm bạn đến từ Pháp và Mỹ hỗ trợ quá trình căng dây giữa hai tòa tháp. Thành công của Philippe không chỉ là nỗ lực của cá nhân anh mà còn là vinh quang cho cả một ekip đứng đằng sau. Đó là lý do tại sao lúc đầu ta thấy Philippe cảm ơn những đồng đội của mình một cách rất khiên cưỡng mà đến cuối phim, anh lại thốt ra những lời tâm huyết từ tận đáy lòng để thể hiện sự cảm kích của mình.
Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của nhiều người, Philippe mới có cơ hội chạm đến giấc mơ.
Philippe Petit tiếp tục là một vai diễn thành công của Joseph Gordon-Levitt. Anh đã thể hiện rất tốt những khoảnh khắc tự tin, hài hước cũng như khi nóng nảy, tiêu cực của Philippe. Đặc biệt, trường đoạn Philippe đi trên dây, Gordon-Levitt đã diễn tả chuẩn xác đến tuyệt vời sự tập trung cao độ, nét “phiêu” của người nghệ sĩ và cả thời điểm dao động khi Philippe tưởng tượng mình đang rơi xuống. Phần lớn những cảnh đi trên dây là do Gordon-Levitt tự đóng trên sợi dây chăng cao cách mặt đất 4m.
Nam diễn viên đã phải mạo hiểm để có được cảnh quay đẹp
Thông thường, rất khó để miêu tả và truyền đạt lại cảm xúc về cái đẹp cho người khác, nhưng đạo diễn Robert Zemeckis đã làm được. Kinh nghiệm từ 3 phần “Back to the Future” huyền thoại đã giúp Zemeckis làm nên những thước phim vừa đẹp vừa căng thẳng, hấp dẫn khán giả từng giây từng phút. Trường đoạn Philippe đi trên dây giữa hai tòa tháp (hay thậm chí là khoảng thời gian anh cùng Jeff chuẩn bị đưa thiết bị lên tầng thượng để căng dây) thực sự là thời điểm cô đọng rất nhiều tài năng của nhà làm phim.
Ví dụ như khi Philippe bắt đầu đặt chân lên dây, toàn bộ âm thanh bỗng dưng im bặt, giống như khoảng lặng thường thấy trong các tiết mục xiếc-ảo thuật mỗi khi nghệ sĩ chuẩn bị làm một trò đặc sắc. Khoảng lặng này giúp người xem tập trung chú ý vào màn diễn, đồng thời nó giống như tiếng hít sâu của Philippe.
Sau đó, khi anh dần lấy lại tự tin và bước đi trên dây, tiếng nhạc For Elise huyền thoại nhẹ nhàng vang lên và Philippe thực hiện những động tác giống như đang múa. Quả thật, nếu không có sợi dây bên dưới và mây trời bên trên, hẳn ta sẽ lầm tưởng đây là một màn biểu diễn ballet trên sân khấu. Đây là một trích đoạn hoàn hảo từ âm nhạc, dàn dựng cho tới động tác của diễn viên. Tất cả đều cực kỳ tinh tế và tao nhã. Đó chính là giây phút mà người xem hiểu được ý nghĩa câu nói của Philippe lúc đầu: “Tôi không phải là thằng hề. Tôi là nghệ sĩ". Vẻ đẹp của nghệ thuật chân chính kết tinh trong màn biểu diễn giữa lưng chừng trời này khiến cho hàng trăm khán giả được chứng kiến lúc đó phải ngả mũ khâm phục.
Trường đoạn đẹp và thấm đẫm tính nghệ thuật của phim.
Tóm lại, The Walk là bộ phim rất đáng xem. Nó truyền tải được đam mê, nhiệt huyết và vẻ đẹp giấc mơ của một người đến với muôn người. Phần hình ảnh 3D nổi, sâu và rõ ràng chính là điểm cộng đáng kể cho phim mà nếu muốn thưởng thức trọn vẹn, bạn nên chọn lựa những rạp có chất lượng hình ảnh tốt nhất. Phim hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Krad
Ảnh: Sưu Tầm
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Top 3 cung hoàng đạo có 'phẩm chất công chúa', ngoại hình thanh tú, cư xử lịch thiệp khiến ai cũng mê mệt