Những bộ phim về tình dục gây tranh cãi (Phần 2)
Tin liên quan
Wantanabe, Naoko của "Rừng Nauy" tìm gì sau những cuộc làm tình giữa họ? Ngoài những tổn thương, mặc cảm cô đơn và những ám ảnh khôn nguôi. Có những mặc cảm, những lạc lõng đeo đẳng khiến người ta tìm cách giải tỏa và trú ngụ trong những lần truy hoan. Để khi tỉnh mộng, người ta càng chìm sâu dưới những thương tổn. Đâu phải ai cũng may mắn có được một Midori như Wantanabe…
Và đâu phải ngẫu nhiên, khi ngày càng nhiều nhà làm phim xoáy vào đề tài phim tình dục.
7. Emmanuelle (1974)
"Emmamuelle" vốn dĩ là một cuốn tiểu thuyết phơi bày các “kỳ tích” phòng the từ “người vợ chán nản” của một nhà ngoại giao Pháp tại Thailand, với tên gọi đầy đủ "Emmanuelle - The Joys of a Woman", ra đời năm 1957, từ một tác giả khuyết danh. Cuốn sách tạo nên cơn chấn động thực sự trên văn đàn Pháp. Sức ép cực lớn từ dư luận đã buộc Nhà xuất bản tiết lộ tên người viết là Emmanuelle Arsan. Thực chất đấy chỉ là bút danh của Marayat Rollet-Andriane, một nữ văn sĩ Pháp gốc Á sinh năm 1932 tại Bangkok. Sự trần trụi của cuốn sách khiến phe bảo thủ dưới thời tổng thống Charles DeGaulle đã ra lệnh cấm lưu hành vĩnh viễn tiểu thuyết "Emmanuelle" trên toàn nước Pháp!
Lần đầu tiên cuốn sách được chuyển thể lên trên màn bạc trong một bộ phim Italia vào năm 1969 với tên gọi "Io, Emmanuelle" do Erika Blanc thủ vai chính. Song, bộ phim là sự thất bại thảm hại. Cho đến năm 1974 khi Chính phủ mới của tổng thống Pháp Pompidou “ân xá” cho cuốn tiểu thuyết, một hãng phim nhỏ ở Pháp có tên ASP (Alain Siritzky Productions) nhanh chóng triển khai sản xuất bộ phim. Vai trò đạo diễn được giao cho một người có cái tên lạ hoắc là Just Jaeckin - nhà nhiếp ảnh thời trang và thiết kế nội thất, chưa làm phim bao giờ! Nữ chính được chọn cũng là một cái tên lạ đến từ Hà Lan và cũng chưa đóng phim bao giờ: Sylvia Kristel.
"Emmanuelle" như nhiều nhà phê bình nhận định, là một phim tình cảm táo bạo và trần trụi hơn bất cứ một bộ phim nào cho đến thời điểm đó. Nó xuất hiện đúng thời điểm cơn sốt “cách mạng tình dục” thông thoáng đã làm thay đổi những quy tắc kiểm duyệt. Thành ra, nó được công chiếu rộng rãi trong những rạp “phổ thông” thay vì những rạp chiếu dành cho phim sex. Trong 14 tuần đầu tiên sau khi phát hành, 2,5 triệu đàn ông Pháp đã xếp hàng trước cửa rạp! Tổng cộng, 1/7 dân số Paris đã xem phim này. Đến nay, "Emmanuelle" vẫn là bộ phim được nói đến nhiều nhất, lên báo nhiều nhất, tranh cãi nhiều nhất… và nhiều người xem nhất trong lịch sử điện ảnh Pháp! Ca khúc chủ đề của phim do Pierre Bachelet sáng tác và trình bày. Với chất giọng trầm ấm ngọt ngào, ông đã biến Emmanuelle trở thành một trong những ca khúc nhạc phim được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Bài hát cũng đã được nhạc sĩ Phạm Duy soạn lời Việt.
Không dừng lại ở đó, "Emmanuelle" vượt ngoài biên giới, đến với 2 thị trường rộng lớn là Mỹ, Anh và dành được sự ủng hộ của hàng triệu khán giả. Doanh thu toàn cầu của bộ phim ước tính lên đến 300 triệu Franc, nếu tính cả video, là gần 650 triệu Franc. Trên tất cả, "Emmanuelle" đã biến Sylvia Kristel trở thành một siêu sao. Tiếc là cuộc dạo chơi với điện ảnh của cô sớm phải dừng lại khi cô nuôi giấc mộng lập nghiệp tại Hollywood. Và, dù sau đó, cô xuất hiện ở những phần tiếp theo của "Emmanuelle".
8. The Piano Teacher (2001)
Từ cuốn tiểu thuyết Die Klavierspielerin của nữ tác giả Elfriede Jelinek, đạo diễn Michael Haneke đã khắc họa rõ nét những xúc cảm dục vọng giữa một giáo viên dạy dương cầm ở tuổi trung niên và cậu học trò của cô. Động chạm vào những vấn đề cấm kỵ trong cuộc sống, "The Piano Teacher" nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau, thậm chí những chỉ trích gay gắt.
Tuy nhiên, đây là một trong số những bộ phim có đề tài về tình dục giành được nhiều giải thưởng điện ảnh nhất với hàng chục giải lớn nhỏ, trong đó có 3 giải thưởng lớn tại LHP Cannes 2001. Là bởi yếu tố tình dục trong "The Piano Teacher" rất đậm nét, nhưng không tạo nên cảm giác tục tĩu, trơ trẽn mà đầy tính nghệ thuật từ góc quay, cảm xúc và tâm trạng được thể hiện qua diễn xuất tuyệt vời của hai diễn viên chính. Phim để lại trong người xem ấn tượng về một câu chuyện tình yêu đẹp và mang màu sắc buồn bã.
9. Secretary (2002)
Cô đào nóng bỏng từng vào vai người yêu của Batman trong "The Dark Knight" (2008), Maggie Gyllenhaal, vào vai một nữ bệnh nhân tâm thần vừa ra trại, được tuyển vào làm chân thư ký cho một văn phòng luật. Cô nhanh chóng có mối quan hệ tình ái với ông chủ. Những khoái cảm tình dục vô tình khơi gợi lại sự điên loạn ngủ quên từ lâu của nàng ta. Phim tập trung khá sâu vào những vấn đề thuộc về tâm thần học trong tình dục, đồng thời bị các nhà phê bình thời bấy giờ cho là “nặng đô” bởi những yếu tố bạo dâm và khổ dâm trong phim. Bù lại, "Secrecary" được trang phê bình Rotten Tomatoes đánh giá 74%, bản thân nhà phê bình kỳ cựu nổi tiếng khó tính Robert Ebert cũng có cái nhìn tích cực và thiện cảm cho bộ phim.
10. The Dreamers (2003)
Bối cảnh của "The Dreamers" diễn ra ở Paris vào mùa xuân năm 1968 trong cuộc nổi loạn của các sinh viên, du học sinh người Mỹ Matthew tình cờ làm quen với cặp anh em song sinh người Pháp Isabelle và Théo. Sự nhiệt tình, phóng khoánh của cặp song sinh đã thu hút Matthew và lôi kéo cậu đến ở tại nhà của họ. Trong lúc cha mẹ họ vắng nhà, những cuộc truy hoan của cả 3 đã khiến họ đồng điệu hơn về tâm hồn, đồng thời cũng làm phai nhạt ranh giới của họ về hiện thực và hư ảo.
Isabelle qua sự thể hiện của “bông hồng” Eva Green vô cùng táo bạo khi thực hiện các động tác tình dục cùng hai nhân vật nam mà không hề che đậy. Đến nay phim này vẫn bị cấm chiếu ở một số quốc gia do quá “trần trụi”. Tuy không có đề cử giải thưởng nào, nhưng "The Dreamers" vẫn được xem là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Hollywood đầu thế kỷ 21, bởi tính nghệ thuật biểu đạt tâm lý nhân vật ẩn chứa trong những cảnh dung tục của nó. Đó là mặc cảm cô đơn, không hòa nhập được với dòng chảy của xã hội của những người trẻ.
11. 9 Songs (2004)
Trong số những bộ phim về đề tài tình dục gây nhiều tranh cãi nhất không thể không nhắc tới "9 Songs" của đạo diễn người Anh Michael Winterbottom, từng chiếu tại LHP Cannes và gây “sóng gió” bởi cảnh sex thật. Phim kể về câu chuyện tình kéo dài 12 tháng giữa Matt - một nhà khí hậu học người Anh và cô sinh viên thực tập người Mỹ - Lisa. Họ gặp gỡ nhau tại một buổi trình diễn âm nhạc tại London và sau đó, cả hai lao vào một tình yêu đầy đam mê, nhục dục trên nền Rock n’ Roll.
"9 Songs" có cách kể chuyện khá độc đáo khi xen kẽ giữa các cảnh làm tình nóng bỏng là 9 bản nhạc Rock n’ Roll lúc nhẹ nhàng, êm dịu, lúc mạnh mẽ, đầy kích động được thể hiện bởi 8 ban nhạc. Tờ The Guardian nhận định: “9 Songs giống như một phim khiêu dâm nhưng lại tạo cảm giác như một câu chuyện tình yêu thực thụ. Tình dục được sử dụng như phép ẩn dụ cho phần còn lại của mối quan hệ giữa hai con người”. Nhiều nhà phê bình cũng đánh giá tác phẩm này ở “mấp mé giữa ranh giới nghệ thuật và sự khiêu dâm”.
12. Antichrist (2009)
Nhắc đến đạo diễn Lars von Trier, có hai từ khóa mà những khán giả sẽ nghĩ ngay đến phim của ông: “Cô lập” và “Tình dục”. Cũng là người đứng sau máy quay bộ phim "Nymphomaniac", tưởng như Lars von Trier là một kẻ căm ghét phụ nữ, khi hầu hết phim của ông thì hình ảnh phái yếu luôn gắn liền với dục vọng và sự tha hóa. Song thẳm sâu trong đó là sự cảm thông và mặc cảm cô đơn với những “hội chứng” hiếm có. "Antichrist" còn đề cập nhiều đến các yếu tố tôn giáo, nên bộ phim khi vừa ra mắt đã khiến nhiều cộng đồng tôn giáo vô cùng phẫn nộ.
Nội dung phim xoay quanh một cặp vợ chồng (được gọi là Đàn ông và Đàn bà), trong một cuộc làm tình cuồng nhiệt, không hề nhận ra cậu con trai nhỏ lao ra ngoài cửa sổ và rơi xuống mặt đất phủ đầy tuyết trắng. Quá đau xót, hai vợ chồng quyết định vào sống trong một khu rừng để chuộc tội. Tại đây, người vợ bắt đầu gặp những ảo ảnh rất kỳ lạ, thôi thúc dục tính cũng như suy nghĩ bạo dâm trong cô. Dù bị nhiều chỉ trích tại LHP Cannes 2009, phim vẫn được đánh giá cao, riêng nữ chính Charlotte Gainsbourg được vinh danh ở hạng mục “Nữ diễn viên xuất sắc nhất”.
13. Blue is the Warmest Colour (2013)
Bộ phim kéo dài hơn ba tiếng với nhiều cảnh làm tình trần trụi giữa hai cô gái trẻ, được vinh danh Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes lần thứ 66 hồi tháng 5/2014. Dựa trên cuốn truyện tranh của Julie Maroh, "Blue is the Warmest Colour" xoay quanh Adèle, một nữ sinh 17 tuổi thuộc gia đình trung lưu ở thành phố Lille (Pháp). Sau mối tình ngây thơ với một chàng trai, Adèle gặp gỡ và đem lòng yêu nữ nghệ sĩ 30 tuổi có mái tóc xanh, Emma, thuộc tầng lớp thượng lưu.
Chuyện tình nóng bỏng và đầy nhục dục giữa Adèle và Lille gợi nhớ đến cuộc tình của Alba và Natasha trong "Rome in Rome" – một bộ phim về đồng tính nữ của Tây Ban Nha vào năm 2010 của đạo diễn Julio Medem (đạo diễn của "Sex and Lucia"). Khi thể xác của họ cuộn vào nhau, những vết thương tinh thần được chữa lành, nhưng những vết thương mới lại càng khắc sâu thêm. Lộ rõ những mâu thuẫn và sợ hãi, lãnh đạm và bất cần của hai nhân vật chính đối với định kiến xã hội.
Lê Phan
Nguồn ảnh: IMDb
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất