Món lạ miền Nam: Tình nơi xứ người
2014-08-22 15:54
- (Em đẹp) - Vũ Bằng không gọi món ăn miền Nam bằng cái tên “Miếng ngon”, ông dùng từ “lạ” - lạ miệng, lạ nước lạ cái, nhưng ẩn trong đó là biết bao ân tình của nơi xứ lạ mà ông cảm mến lúc nào không hay.
Tin liên quan
Di cư vào Sài Gòn được hơn 10 năm, Vũ Bằng, người đàn ông sành ăn “cổ hủ” xứ Bắc, với những quy tắc tưởng chừng như bất di bất dịch, và vẫn còn nặng một lòng thương nhớ Hà Nội, đã bị một miền Nam phóng khoáng, lộng lẫy, rực rỡ nhiều nắng, gió mà cũng dư dả tình người chinh phục. 9 năm sau cuốn “Món ngon Hà Nội”, Vũ Bằng xuất bản cuốn bút ký “Món lạ miền Nam” kể về hành trình cảm mến trước hương vị những miếng ngon và ân tình nơi xứ lạ.
Cặp bút ký "anh em" về ẩm thực của Vũ Bằng - "Món ngon Hà Nội" và "Món lạ miền Nam"
Nhã Nam tái bản trong bộ sách "Việt Nam Danh tác"
Từ cái tựa đề đã có một sự rất lạ, nói về miếng ăn, Vũ Bằng chẳng dùng từ “ngon”, vốn là một từ gần như tuyệt đối để nói về ẩm thực, mà lại là từ “lạ”. Điều này có vẻ đi ngược với quy tắc ăn cho đã “cái thần khẩu” của ông trước ở quyển “Món ngon Hà Nội”, vì món lạ chưa chắc đã là món ngon (mà món ngon lại chưa chắc đã là lạ!). Nhưng có đọc sách rồi, ta mới hiểu được lý do tại sao ông ông lại chọn chữ “lạ” cho người anh em sinh sau đẻ muộn của “Món ngon Hà Nội”.
Để hiểu thêm về tinh thần của xứ lạ miền Nam, chúng ta cần phải đi ngược lại gốc rễ của “Món ngon Hà Nội”. “Món ngon Hà Nội” là tuyển tập viết về ẩm thực trác tuyệt của xứ đô thành phồn hoa rực rỡ. Nếu so sánh hai quyển sách như hai người phụ nữ thì người phụ nữ của Hà Nội là một người đàn bà đài các, sang trọng, mực thước, đầy đủ phẩm hạnh, sắc sảo, khôn ngoan, tận tụy. Cái “ngon” của món ngon Hà Nội là cái ngon trong khuôn khổ, là sự kỹ lưỡng, chuẩn mực, vừa tay trong nêm nếm gia vị lẫn lựa chọn, chế biến những nguyên liệu rất phổ biến trong đời sống của người dân thành những tuyệt phẩm của phố phường.
Trái ngược lại, người phụ nữ miền Nam lại mang một phong thái rất khác. Miền Nam là xứ lạ, được khai khẩn về sau, với địa lý được thiên nhiên ưu đãi, trên bờ có nhiều hoa trái, dưới nước luôn có đầy sản vật, nắng gió chan hòa, ít bão bùng nên con người miền Nam cũng vì thế mà phóng khoáng, cởi mở hơn người Bắc. Và với địa hình, thời tiết hoàn toàn đối lập, miền Nam cũng có nhiều sản vật mà phía Bắc không thể có cũng như những cách chế biến đậm đà hơn hẳn, thiên về những gia vị nặng hơn là chú ý đến sự cân đối, thanh đạm trong chế biến món ăn.
Ẩm thực miền Nam như cô gái hoang dã của một bộ tộc du mục, như ngọn gió phóng khoáng bay nhảy khắp nơi. Cô chẳng nề hà chi các chuẩn mực thông thường, cô làm những việc cô muốn, sống tự do, bay nhảy. Đối với cô, mọi thứ đều đáng để thử, mọi sự trên đời đều có cái hay của nó. Chính vì vậy, mà danh mục các món ăn do Vũ Bằng viết, ở cái liếc mắt đầu tiên, người đọc, nhất là người miền Bắc đều thoáng một khoảnh khắc cau mày, rùng mình: Này là thịt dơi, cóc, trứng kiến, đuông dừa, chuột ruộng, rùa…Toàn những món mà được coi như là chẳng ai thèm đụng, tưởng chừng chỉ đến cảnh đói khát người ta mới ăn cho qua cơn đói hay các bộ lạc mọi rợ kém phát triển đụng vào. Ấy vậy, mà qua bàn tay tài hoa của những bậc nội trợ miền Nam, nó lại trở thành thứ tuyệt tác của miệt vườn tươi mát. Này thì thịt rùa bổ dưỡng, xé phây, nướng chả… đều chẳng thể chê vào đâu. Thịt chuột tuy ghê, nhưng đã qua bàn tay của người đẹp đất An Giang sao mà quyến rũ, đậm đà quá, lại còn làm được cơ man nào là món. Đuông trắng ngần, béo ngậy, ăn có phần còn ý nhị hơn phô mai hảo hạng, nhắm nháp nhè nhẹ cùng cốc rượu, thật là chẳng điều nào trên đời này sánh bằng. Trứng kiến bùi, cho vào cái thần khẩu không ngán, thổi cùng xôi chẳng cần lạp xưởng, chả lụa điểm vào chi cả đã đủ làm người ta chết đứ đừ rồi. Thịt dơi dai, trắng, ăn ngon hơn thịt thường lại còn hấp thu tinh hoa của miệt vườn, hoa trái và trời đất mà dồn tụ thành. Món nào cũng ngon theo một cách rất riêng, lại còn được những người đẹp của miền Nam một tay chế tác, mà người nào cũng “người cô đẹp, giọng cô hữu tình, mắt cô lại lẳng” thì thật là say, say vì món ăn ngon một mà chết nỗi vì cái tình riêng người đẹp gửi vào thì gấp đôi.
Điểm qua những món ăn mà Vũ Bằng viết về miền Nam, ngay cả người viết dù đã sống trên đất Sài Thành gần 4 năm cũng chưa bao giờ có cơ hội trải qua được chừng ấy của ngon vật lạ như tác giả. Một phần vì giờ đất Sài Thành không hẳn chỉ toàn người miền Nam sống, phần còn lại vì những món ngon Vũ Bằng đã từng nếm giờ cũng hiếm, không còn dư dả như rất nhiều năm về trước và chỉ có rảo bước về những chốn miền Tây xa xôi thì mới tìm lại được các phong vị xưa.
Ẩm thực Sài Gòn giờ cực kỳ đa dạng, món nước trong, nước ngoài, Đông, Tây, Nam, Bắc đều có đủ, muốn ăn cái gì cũng không thiếu, bước ra đường là cả trăm ngàn quán ngon để chọn. Ước chừng muốn thử hết của ngon vật lạ ở cái xứ này cũng mất cả chục năm trời nếu mỗi ngày đều chịu khó ăn ở một nhà hàng khác nhau. Đó là còn chưa kể ẩm thực Sài Thành sôi động, người người từ tứ xứ khắp nơi đổ về nên mỗi tuần, mỗi tháng đều có thêm một cửa hiệu mới phục vụ cho cái thần khẩu của hơn 9 triệu dân sống ở cái đất này.
Thú ăn chơi ở Sài Thành có bao giờ là thiếu, người viết về ăn chơi gốc Nam trong này cũng nhiều, nhưng để tìm được cái tinh thần miền Nam đích đáng trong món ăn không lai tạp thì ở quyển của Vũ Bằng vẫn là đậm đặc nhất dù ông là một kẻ đất Bắc. Có lẽ vì lạ nước, lạ cái, vì đối lập nên Vũ Bằng mới có khả năng nhìn ra được cái tuyệt hay, tuyệt đẹp của ẩm thực xứ Nam chăng? Còn ta sống ở xứ này lâu quá rồi, ngày ngày chìm đắm trong nắng gió miền Nam mãi thành quen mà không cảm được cái điều ấy.
Đọc “Món lạ miền Nam” của Vũ Bằng, ta không thấy thấm đẫm cái tình thương nhớ da diết đến khôn nguôi như tác giả dành cho Hà Nội. Một phần vì tác giả viết “Món ngon Hà Nội” khi đương xa quê, thành ra qua ngàn vạn dặm lý, bằng ký ức thương nhớ, “Món ngon Hà Nội” hiện lên đẹp quá, tình quá. Nhưng bù lại, ta lại thấy toát lên được cái tinh thần cốt cách phóng khoáng của miền Nam cũng sự nồng hậu, chở che của những con người xứ miệt vườn không dư dả của cải nhưng lại quá nhiều tấm lòng đùm bọc cho kẻ hoài hương nơi đất khách xứ người.
Thông tin sách
MÓN LẠ MIỀN NAM
Tác giả: Vũ Bằng
Xuất bản: Nhã Nam & Hội Nhà văn
Số trang: 354
Giá bìa: 44 000 VND
Tái bản: 28-07-2014
Tống Trần
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
5 người đẹp Việt sở hữu khuôn mặt 'tỷ lệ vàng' khiến bao nhiều người ước ao